Cái khó lúc 15h30 của cha mẹ Trung Quốc
Theo chính sách mới, học sinh sẽ ra về lúc 15h30 nhưng phụ huynh vẫn làm việc đến 17-18h. Vậy ai sẽ là người trông trẻ trong thời gian chúng chờ bố mẹ?
Trung Quốc vừa công bố một số cải cách đối với vấn đề giáo dục và dạy thêm sau giờ học.
Đây được gọi là chính sách "giảm kép", làm giảm gánh nặng cho cả trẻ em và phụ huynh bằng cách rút ngắn thời gian làm bài tập về nhà và học thêm cho học sinh từ lớp một đến lớp 9.
'Chạy đua' học thêm
Theo Sixth Tone, đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc ban hành những cải cách tương tự. Năm 1990, Ủy ban Giáo dục - tiền thân của Bộ Giáo dục ngày nay - đã giới hạn thời gian học tập ở trường xuống còn 6 giờ/ngày đối với học sinh tiểu học và 8 giờ/ngày đối với học sinh trung học.
Một thập kỷ sau, vào năm 2001, Hội đồng Nhà nước đã nhắc lại tầm quan trọng của việc "giảm gánh nặng giáo dục".
Và vào năm 2018, Bộ Giáo dục tiếp tục thắt chặt quy định dạy thêm, nỗ lực hạn chế việc dạy học ngoài giờ.
Trước những lần cải cách nêu trên, phụ huynh, học sinh và giáo viên đều có phản ứng trái chiều. Lý do là bởi các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa giải quyết được vấn đề "3h30 chiều". Tức là nếu trường học ra về lúc 15h30 nhưng phụ huynh vẫn phải làm việc đến 17-18h, ai sẽ là người trông trẻ trong thời gian chờ bố mẹ?
Mặc dù từ bề ngoài, chính sách mới là nỗ lực để giảm bớt bài tập ở trường và cho phép trẻ em có nhiều thời gian rảnh hơn. Thế nhưng, trong bản chất, chính sách đã chuyển gánh nặng chăm sóc trẻ em từ nhà trường sang cho gia đình.
Các gia đình có đủ khả năng kinh tế thuê bảo mẫu hoặc gia sư sẽ không quá quan ngại vấn đề nêu trên. Nhưng những gia đình còn lại, họ không có điều kiện thuê giáo viên, nhưng cũng không muốn nhìn con mình bị thụt lùi so với chúng bạn.
Theo một cuộc khảo sát quốc gia vào năm 2016 về ngành dạy thêm do Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc thực hiện, hơn 80% phụ huynh tin rằng học thêm là điều cần thiết đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở, và gần 60% sẵn sàng chi một nửa hoặc nhiều hơn một nửa thu nhập khả dụng của gia đình vào việc cho con đi học thêm.
Công ty nghiên cứu thị trường iResearch cũng đưa ra số liệu cho thấy thị trường dạy kèm riêng cho K-12 (từ mẫu giáo đến hết lớp 12) vào năm 2020 tại Trung Quốc là gần 900 tỷ nhân dân tệ (tương đương 139 tỷ USD), tăng gần gấp 3 lần kể từ năm 2013.
Để giải quyết vấn đề "3:30 chiều", nhà hoạch định chính sách đã thúc đẩy các nhà trường thiết kế nhiều hơn các chương trình chất lượng cao sau giờ học để thu hút học sinh tham gia cho đến khi cha mẹ các em đi làm về.
Thông điệp họ đưa ra rất đơn giản: Các dịch vụ giáo dục nên được cung cấp bởi nhà nước, không phải bởi các công ty tư nhân nơi chỉ dành cho những người giàu có.
Tuy nhiên, mặc cho các hoạt động ngoại khóa tại trường có hấp dẫn ra sao, các gia đình trung lưu và thượng lưu ở thành thị Trung Quốc vẫn không muốn từ bỏ hoàn toàn việc cho con học thêm. Họ nhắm đến các lớp học ngoài giờ khác như ngoại ngữ, thư pháp, thể thao và âm nhạc, những môn không chịu hạn chế bởi chính sách "giảm kép".
Trong khi đó, các gia đình thuộc tầng lớp lao động sẽ vẫn phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn tài chính để cho con đi học hành một cách hiệu quả.
Xóa bỏ bất bình đẳng giáo dục
Theo Sixth Tone, rất nhiều người Trung Quốc có quan niệm rằng giáo dục là động lực thúc đẩy sự dịch chuyển xã hội.
Như 2 nhà kinh tế học Matthias Doepke và Fabrizio Zilibotti lập luận trong cuốn sách "Tình yêu, tiền bạc và cách nuôi dạy con cái" của mình, việc đầu tư cho con cái nhiều hơn chính là minh chứng của sự gia tăng thu nhập và phân chia rạch ròi giữa giàu - nghèo.
Ở các nước có tỷ lệ bất bình đẳng kinh tế cao, bậc cha mẹ thường cảm thấy áp lực hơn trong việc hỗ trợ và chuẩn bị cho tương lai cho con cái.
Ngược lại, ở các quốc gia có tỷ lệ bất bình đẳng tương đối thấp và các chính sách thân thiện hơn với gia đình, bậc cha mẹ thường tập trung nhiều hơn vào nhu cầu của con trẻ và tạo điều kiện cho chúng phát triển lành mạnh.
Điều này cho thấy vấn đề thực sự ở đây chính là tiêu chuẩn xã hội và định kiến về giai cấp. Tư tưởng này sẽ không biến mất nhờ chính sách 'giảm kép'. Có lẽ các nhà chức trách Trung Quốc cần kết hợp chính sách giáo dục với một loạt các biện pháp xã hội khác nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, cải thiện điều kiện việc làm và các chương trình phúc lợi thân thiện hơn với gia đình.
Kể từ khi học kỳ mới bắt đầu, các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Trùng Khánh đã yêu cầu giáo viên giám sát học sinh sau giờ học. Trong thời gian này, họ được phép kèm cặp học sinh làm bài tập về nhà, nhưng không được dạy bài mới cho học sinh.
Mặc dù những biện pháp can thiệp này có thể hữu ích trong việc giảm gánh nặng học tập của học sinh và giúp chăm lo các em cho đến khi cha mẹ đến đón, nhưng vẫn còn một chặng đường dài để xóa bỏ bất bình đẳng giáo dục.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-kho-luc-15h30-cua-cha-me-trung-quoc-post1265491.html