Cái lợi của trung lập

Kết quả nổi bật nhất và đáng chú ý nhất trong chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaisranka là sự nhất trí giữa hai bên về chủ trương thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác quân sự và quốc phòng.

Trong đó, đặc biệt là trên lĩnh vực cùng chế tạo những hệ thống vũ khí hiện đại và trợ giúp để Ấn Độ sản xuất những loại vũ khí và khí tài quân sự mang mác "chế tạo tại Ấn Độ". Chỉ thế thôi cũng đủ thấy quan hệ giữa Nga và Ấn Độ không những rất tốt đẹp trong hiện tại mà còn có triển vọng sáng sủa trong tương lai.

Ở châu Âu, Nga đang trong cuộc xung đột với Ukraine và vì thế bị các quốc gia phương Tây đối địch. Ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Ấn Độ cùng Mỹ, Nhật Bản và Úc tạo thành nhóm Bộ Tứ với tham vọng đóng vai trò dẫn dắt quyết định nhất.

Ngoài Ấn Độ, 3 nước còn lại của Bộ Tứ đều cùng phe đối đầu Nga liên quan đến xung đột với Ukraine. Ấn Độ lại có quan điểm trung lập trong khủng hoảng ở Ukraine.

Do đó, sự hợp tác về chính trị, an ninh, quân sự và quốc phòng giữa Nga - Ấn Độ không đơn thuần là nâng chất trong quan hệ song phương mà còn tác động rất mạnh mẽ tới tình hình ở châu Âu lẫn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar trong cuộc gặp ngày 27-12 tại thủ đô Moscow - Nga Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar trong cuộc gặp ngày 27-12 tại thủ đô Moscow - Nga Ảnh: REUTERS

Thái độ trung lập của Ấn Độ có lợi cho New Delhi và Moscow theo hai cách khác nhau. Ngoài việc giúp Moscow vô hiệu hóa phần nào các biện pháp trừng phạt, Ấn Độ còn giúp Nga vẫn luôn là tác nhân mà phe phương Tây phải lưu ý trong những toan tính chiến lược trước mắt cũng như lâu dài ở châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Nga tiếp tục xuất khẩu được vũ khí cho Ấn Độ, đồng thời làm cho cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc trở thành hai đối tác thương mại nhập khẩu gần 90% lượng dầu lửa xuất khẩu của Nga.

Ấn Độ chủ trương trung lập trước hết là vì chính mình. Chỉ như thế, Ấn Độ mới buộc các đối tác trong khối phương Tây phải coi trọng và tranh thủ nước này. Nhập khẩu dầu lửa của Nga và tăng cường hợp tác về chế tạo vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại với Nga giúp Ấn Độ đa dạng hóa đối tác chứ không bị lệ thuộc vào phương Tây.

Mỹ, Nhật Bản và Úc mở cổng, dọn đường cho các đối tác quan trọng của họ thâm nhập thuận lợi vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thì Ấn Độ cũng làm như vậy với các đối tác quan trọng của mình, trong đó có Nga, nếu không muốn nói đặc biệt là Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã không quá lời khi quả quyết với người đồng cấp Ấn Độ Jaisranka rằng sự bắt tay về quân sự và quốc phòng giữa 2 nước tác động mạnh mẽ, sâu rộng tới an ninh của châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. Trong chính trị thế giới, chỉ có lợi ích chung mới làm quan hệ hợp tác bền vững và tin cậy.

Ngải Sa

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cai-loi-cua-trung-lap-196231230215358411.htm