Cải lương 'nên duyên' cùng xiếc
Dự án 'Huyền sử Việt' dự kiến kéo dài bốn năm chính là cơ hội để lần đầu tiên hai nghệ thuật cải lương, xiếc được cùng 'nên duyên' trên sân khấu. Dự án này gợi không ít tò mò và chờ đợi cho khán giả yêu sân khấu.
Dựng kịch về tứ bất tử
NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam và NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa gặp gỡ, bàn bạc cho dự án hợp tác giữa hai đơn vị nghệ thuật. Dự kiến dự án dài hơi trong khoảng bốn năm, lần lượt dựng vở diễn về Tứ bất tử trong kho huyền sử Việt - Phù Đổng Thiên Vương, Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đổng Tử và Thánh mẫu Liễu Hạnh.
Vở đầu tiên “Chử Đồng Tử, Tiên Dung” dự kiến khởi dựng tháng 7/2020, ra mắt dịp cuối tháng 8, đầu tháng 9/2020. Chị Xuân Hồng, con gái cố tác giả Hoàng Luyện - từng được Giải thưởng Nhà nước - giúp hai đạo diễn kết nối và tiếp cận kịch bản về Chử Đồng Tử do cố tác giả để lại. Nội dung của huyền sử được biên tập, dàn dựng phù hợp nhất, theo tinh thần sáng tạo và làm mới phương thức biểu đạt nhưng không làm thay đổi nền tảng cội rễ vốn có.
“Những huyền thoại Việt như Sơn Tinh Thủy Tinh, Thánh Gióng... chưa được khai thác nhiều trong khi đó thế hệ trẻ ngày càng xa rời giá trị truyền thống. Tôi nghĩ rằng những người làm nghệ thuật cần không ngừng đào xới các đề tài lịch sử. Nhà hát Cải lương Việt Nam từng làm nhiều vở về đề tài lịch sử nhưng dường như chúng tôi vẫn cảm thấy chưa đủ. Hơn nữa nhiều vở cải lương hiện nay vẫn chưa thực sự được phổ biến rộng rãi, do nhu cầu và thị phần khán giả dần thu hẹp” - NSND Triệu Trung Kiên nói.
Có khả thi?
Hỏi NSND Triệu Trung Kiên về cơ duyên cho sự hợp tác bất ngờ này, anh giải thích rằng Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đều chung mục đích đổi mới, sáng tạo. Trên con đường tìm tòi ấy họ gặp nhau, cùng nhau vạch ra kế hoạch để biến ý tưởng thành hiện thực. Hai ngôn ngữ ca cải lương và kỹ thuật biểu diễn xiếc ở cạnh nhau trong một vở diễn ít nhiều khiến khán giả e ngại.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên bảo, trên thế giới chẳng lạ lẫm gì nhạc kịch xiếc, bản chất của cải lương kết hợp với xiếc cũng không xa rời điều đó. Chính vì thế, lần này anh và NSND Tống Toàn Thắng bắt tay làm “Huyền sử Việt” hoàn toàn có cơ sở. Sân khấu cải lương ở phía Nam xưa kia cũng từng đưa một số kỹ thuật xiếc lên sân khấu.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên từng thành công khi đưa rối vào vở “Ngạ Quỷ” và biến rối thành một phần không thể tách rời của vở diễn cải lương. Vở “Ngàn năm mây trắng” ra mắt năm 2019 cũng là dịp anh thử đem chèo kết hợp với cải lương, ít nhiều tạo được sự hứng thú cho khán giả. Xiếc lần này cũng chiếm 50% thời lượng xuất hiện trong vở diễn. Việc của đạo diễn là đưa xiếc và cải lương hòa hợp, hỗ trợ nhau tỏa sáng.
NSND Tống Toàn Thắng tự tin đây là cơ hội giúp nghệ sĩ xiếc nâng cao nghệ thuật diễn xuất trên sân khấu, còn nghệ sĩ cải lương được hỗ trợ thêm yếu tố giải trí hấp dẫn. “Chúng tôi chú trọng sử dụng các hiệu ứng công nghệ cho sân khấu, đạo cụ và âm thanh ánh sáng. Dự kiến khoảng 20 diễn viên và nhạc công cải lương phối hợp với 25 diễn viên xiếc người, một số tiết mục xiếc thú hợp tác trong vở diễn” - NSND Tống Toàn Thắng nói.
Để phù hợp với khán giả, vở cải lương xiếc sắp tới được cắt gọt theo khung thời lượng khoảng 90 phút. Thời lượng này đòi hỏi các đạo diễn buộc phải chắt lọc tình tiết, lời thoại, từng câu hát và trò diễn cô đọng nhất, tiết tấu của vở diễn vì thế cũng được đẩy nhanh, phù hợp với khán giả hiện nay. Cứ cho nghệ sĩ cơ hội sáng tạo, bằng không sân khấu Việt khó có cơ hội “ló cái khôn” khỏi hoàn cảnh khốn khó.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cai-luong-nen-duyen-cung-xiec-375925.html