Cải lương nỗ lực tiếp cận khán giả
Đưa cải lương lên sân khấu nhỏ là một trong những hướng thể nghiệm trong nỗ lực tìm đến khán giả nhằm cứu vãn loại hình nghệ thuật truyền thống này
Trước tình trạng không ít đơn vị cải lương xã hội hóa đang phải vật lộn với khó khăn, Hội Sân khấu TP HCM đã nỗ lực gầy dựng một điểm diễn cố định. Đó là Sân khấu nhỏ Sen Việt, tọa lạc tầng 1 số 5B Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM. Đêm khai trương sân khấu này vào tối 17-10, nhiều người đã đến xem và kỳ vọng nơi đây sẽ là điểm hẹn của đông đảo khán giả yêu thích cải lương.
Gần gũi, ấm áp
Khán phòng Sân khấu nhỏ Sen Việt chỉ có 100 ghế ngồi và khán giả đến xem suất diễn đầu tiên đã cảm nhận không khí ấm áp, gần gũi. Họ có thể nhìn rõ mặt nghệ sĩ, nghe rõ từng tiếng song lang và không có một lời nhắc tuồng.
"Truyền tích Cổ Loa xưa" (tác giả: Mai Phương - Nguyên Phương, đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt, thiết kế sân khấu: Lê Văn Định) được chọn là vở khai trương Sân khấu nhỏ Sen Việt. Tác phẩm này đã đoạt HCB tại Liên hoan Sân khấu thủ đô lần 4 -2020 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức ở Hà Nội đầu tháng 10-2020. Vở cải lương thể nghiệm này còn mang về cho các nghệ sĩ TP HCM 2 huy chương vàng và 2 huy chương bạc.
Khán giả đến xem "Truyền tích Cổ Loa xưa" đã được gặp các nghệ sĩ tài năng như: NSƯT Tô Châu (vai An Dương Vương), Điền Trung (Trọng Thủy), Lệ Trinh (Mỵ Châu), danh hài Bảo Trí (lão bộc), Hoàng Quốc Thanh (Cao Lỗ), NSƯT Xuân Hồng (Quốc Việt), Thanh Sơn (Thần Nỏ)... Họ ca diễn tinh tế, giàu cảm xúc, cuốn hút người xem.
Bước đầu, việc đưa cải lương lên sân khấu nhỏ trong thời điểm hiện nay được giới chuyên môn đánh giá cao. Đạo diễn - NSƯT Lê Nguyên Đạt, người được Hội Sân khấu TP HCM giao trọng trách này, nhìn nhận: "Một điểm diễn nhỏ với sức chứa 100 người sẽ tạo không gian sáng tạo mới để nghệ sĩ diễn và tương tác với khán giả. Điểm diễn cố định hằng tuần sẽ là nơi cập nhật thời sự, đưa những vấn đề công chúng quan tâm lên sân khấu cải lương. Từ suy nghĩ này, chúng tôi nỗ lực tìm hướng thể nghiệm, để Sân khấu nhỏ Sen Việt hướng đến công chúng yêu thích tìm tòi cái mới".
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng đưa cải lương lên sân khấu nhỏ là cách năng động để khai thác ngôi nhà 5B Võ Văn Tần. Nơi đây vốn đã có kịch và múa, nay có thêm cải lương là tín hiệu tích cực.
Thể nghiệm cả hình thức lẫn nội dung
Từ năm 2003, Hội Sân khấu TP HCM đã thành lập CLB Sân khấu Cải lương thể nghiệm, từng dàn dựng và biểu diễn thành công các vở: "Ngôi đền cổ", "Hoa cuối mùa", "Vợ và tình", "Anh linh của đất", "Khúc ly hương", "Tiếng chim rừng" với sự điều hành của đạo diễn Nguyễn Hồng Dung. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, sân khấu này đã phải tạm ngưng hoạt động.
Nhiều người cho rằng về mặt khách quan, sân khấu cải lương ngày càng thưa vắng khán giả là do lĩnh vực giải trí phát triển mạnh với nhiều hình thức đa dạng, hấp dẫn. Song, theo NSƯT Lê Nguyên Đạt, đó không phải là nguyên nhân chủ yếu. "Cần nhìn thẳng vào sự thật là sân khấu cải lương đang thiếu những vở diễn có tầm vóc về tư tưởng - nghệ thuật, có tính thời sự, đủ sức lôi cuốn công chúng tìm đến" - ông nhận xét.
Có lẽ vì thế mà cải lương đang được thể nghiệm cả hình thức lẫn nội dung. Giá trị thể nghiệm chính là qua mỗi vở cải lương, người xem thật sự nhìn thấy sự mới mẻ từ khâu kịch bản cho đến dàn dựng, biểu diễn. Nếu đặt nặng tính giải trí, nội dung đơn giản thì sức sống của những vở diễn sẽ không bền lâu.
"Truyền tích Cổ Loa xưa" trên Sân khấu nhỏ Sen Việt cũng theo hướng này. Theo NSƯT Lê Nguyên Đạt, vở diễn này lấy cảm hứng từ chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy trong truyền thuyết An Dương Vương. "Qua vở diễn, tôi muốn đề cao lòng yêu nước, sự thủy chung, sống có nhân, có nghĩa và bảo vệ giá trị truyền thống của dân tộc. Điều đáng nói là sự thể nghiệm từ âm nhạc, cảnh trí, phục trang cho đến diễn xuất, vũ đạo, võ thuật đã được khán giả chấp nhận. Tại Hà Nội, đồng nghiệp và công chúng ở thủ đô cũng dành nhiều cảm tình với sự thể nghiệm này" - ông cho biết.
Ngoài "Truyền tích Cổ Loa xưa", Hội Sân khấu TP HCM còn triển khai 5 vở mới. Đây đều là những kịch bản đặc sắc về tính thể nghiệm. "Tôi cho rằng công chúng không hoàn toàn quay lưng với sân khấu cải lương mà chính sân khấu cải lương chưa đáp ứng được sự mong đợi, kỳ vọng của khán giả" - NSƯT Lê Nguyên Đạt nhấn mạnh.
Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, vấn đề tự chủ của sân khấu nhỏ này đang là một thách thức khi mọi chi tiêu đều trông chờ vào việc bán vé. Nhưng bệ phóng vững chắc cho các nghệ sĩ là sự lao động sáng tạo, tìm tòi cái mới. Để lôi kéo khán giả đến đây, rất cần những tác phẩm phản ánh được tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của họ trong giai đoạn hiện nay.
Biểu diễn và đào tạo
Hội Sân khấu TP HCM cho ra đời Sân khấu nhỏ Sen Việt nhằm phối hợp biểu diễn và đào tạo ngắn hạn các chuyên ngành nghệ thuật. Được đầu tư gần 2 tỉ đồng, trang bị màn hình Led, hệ thống âm thanh, ánh sáng mới..., ngoài chức năng biểu diễn, sân khấu này còn là nơi tổ chức các lớp đào tạo diễn viên cải lương, người dẫn chương trình, biên kịch, hóa trang, kỹ năng giao tiếp... Ở đây còn có không gian đặt bàn thờ Tổ, tổ chức triển lãm ảnh và một phòng nghiệp vụ, phù hợp cho việc tổ chức tập tuồng, tọa đàm với khoảng 50 người tham dự. Ngoài ra, Sân khấu nhỏ Sen Việt cũng là nơi tổ chức các sự kiện, họp báo, mini show và chuyên đề nhằm tạo sân chơi và là nơi giao lưu cho các CLB - hội nhóm do hội viên Hội Sân khấu TP HCM tổ chức.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/cai-luong-no-luc-tiep-can-khan-gia-2020101821371243.htm