'Cải lương - Trăm năm nguồn cội': Đi từ những lát cắt

Với ba suất diễn đầu tiên trong tháng 7, chương trình nghệ thuật 'Cải lương - Trăm năm nguồn cội' không chỉ nhận được tình cảm quý mến của khán giả mộ điệu mà còn mở ra tia hy vọng về con đường khả dĩ đưa cải lương đến với nhiều khán giả mới giữa lúc môn nghệ thuật này đang loay hoay định hình diện mạo mới.

TBKTSG đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Quang Thảo - tác giả kịch bản kiêm đạo diễn, để thấy rõ hơn đường đi đến sự thành công của chương trình.

 Lớp diễn Xử án Thượng Dương do Quế Trân, Tú Sương và Điền Trung, lớp hậu duệ đời thứ 5 của gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ, trình diễn.

Lớp diễn Xử án Thượng Dương do Quế Trân, Tú Sương và Điền Trung, lớp hậu duệ đời thứ 5 của gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ, trình diễn.

TBKTSG: Với một kịch bản súc tích, cô đọng về cội nguồn, hành trình trăm năm và giá trị của cả hai nhánh ca và diễn cải lương, hẳn sự suy tư và chọn lọc tiết mục của anh cũng hết sức... gay go?

- Đạo diễn Quang Thảo: Điều này hoàn toàn chính xác. Cải lương là bộ môn nghệ thuật dân tộc vốn đã sang trọng về hình thức, cao quý về giá trị nhân văn nên không cần phải “chấn hưng” hay “vực dậy” mà đơn giản hơn là trả về đúng giá trị của nó.

“Chìa khóa” để tôi bước vào chương trình Trăm năm nguồn cội là đặt cải lương vào vị trí trang trọng nhất giữa căn phòng sạch sẽ tinh tươm, cả ê-kíp thực hiện như những “hướng dẫn viên” làm cầu nối cảm xúc đưa khán giả đi tham quan, khám phá “tượng đài cải lương” bằng tình yêu trong trẻo nhất. Muốn vậy, chương trình phải khiến mỗi khán giả thấy mình trong đó. Họ phải thấy được cái thân quen mà họ thuộc về. Do vậy, với kịch mục rất quen thuộc, tôi không cố làm “lạ” cái người ta đã “quen” mà tôi sẽ làm “mới” cái “quen” đã bị “cũ” bởi màu thời gian.

Về các bài ca cải lương, không thiếu những bài hay, nhưng Dạ cổ hoài lang - tác phẩm không chỉ nổi tiếng mà còn là cội nguồn của bài vọng cổ được tôn là “bài ca vua” của cải lương - nhất định phải được đề cao. Nét mới ở đây là Trăm năm nguồn cội sẽ trình bày bản Dạ cổ hoài lang chuẩn. Tôi tin là không có nhiều khán giả biết trong số mười mấy phiên bản của bản nhạc này bản nào mới là bản chuẩn! Kế tiếp đó là sự phô diễn vẻ đẹp của những sáng tạo âm nhạc phái sinh từ Dạ cổ hoài lang. Đó có thể là bài vọng cổ 6 câu nhịp 32 hay là bài tân cổ giao duyên, được chọn lựa kỹ càng về bài ca cũng như nghệ sĩ trình bày.

Và để chuyển tải sự phát triển các bộ diễn trong cải lương, chúng tôi đi từ “ca ra bộ”, một loại hình phát triển của đờn ca tài tử Nam bộ được coi là tiền thân của cải lương, để rồi tiếp sau đó mang đến cho khán giả những vẻ đẹp hàn lâm của nghệ thuật cải lương ở hai trích đoạn kinh điển. Nếu lớp diễn Xử án Thượng Dương (trích Câu thơ yên ngựa) là đại diện cho cải lương tuồng cổ thì trích đoạn Đời cô Lựu đại diện cho cải lương xã hội. Nếu màn độc diễn của Quế Trân trong Xử án Thượng Dương là nét mới độc quyền của chương trình thì việc Việt Anh và Trinh Trinh lần đầu thủ diễn vai Hội đồng Thăng và vai Kim Anh trong Đời cô Lựu đem đến hơi thở mới cho các vai diễn này.

Tôi cố gắng cấu trúc một chương trình tổng hợp nhưng không quá dài, chỉ khoảng hai tiếng đồng hồ. Theo tôi, đó là thời lượng vừa đủ cho một buổi thưởng thức.

 Đạo diễn Quang Thảo.

Đạo diễn Quang Thảo.

TBKTSG: Một chương trình lồng ghép nhuần nhị những mảnh rời thành bức tranh hoàn hảo, theo anh, điều gì đã giúp chương trình thể hiện một cách liền mạch và gây hiệu ứng rung cảm mạnh mẽ nơi người xem?

- Bên cạnh những thứ không thể thiếu như chất lượng các tác phẩm trình diễn, tâm huyết của đội ngũ làm nghề, sự chăm chút ở mọi khâu từ nội dung đến đầu tư cảnh trí, trang phục, âm nhạc..., tôi đặc biệt muốn nói tới tính khoa học trong phương pháp làm việc. Với những điều kiện thắt ngặt về điểm tập, về thời gian, êkíp cùng làm việc chỉ trong vòng hai tháng nhưng thuận buồm xuôi gió. Đó là nhờ ngay từ đầu, đạo diễn đã vẽ ra toàn bộ bức tranh của câu chuyện trên sân khấu, rõ ràng trong từng chi tiết, từng cách đi; kịch bản chinh phục được dàn diễn viên; người dẫn chuyện buộc phải nắm đường dây kịch bản một cách chính xác và chắc chắn.

Cần phải nói là mỗi diễn viên xuất hiện trong chương trình đều được cân nhắc kỹ theo tiêu chí hàng đầu là “tính phù hợp” với câu chuyện của kịch bản. Ê-kíp làm việc không bị áp lực ngôi sao. Mọi người - không phân biệt “cây đa cây đề” hay lớp trẻ - cùng làm việc nghiêm túc trong một tập thể bình đẳng, học hỏi và tôn trọng nhau, cùng một tâm nguyện làm cho ngôi sao duy nhất là “ngôi sao cải lương” thực sự lung linh.

TBKTSG: Phải chăng cũng nhờ “tính phù hợp” mà Đình Toàn trong vị trí người dẫn chuyện đã tạo được bất ngờ?

- Không phải không có sự lo lắng khi một người chuyên líu lo dẫn các vở kịch thiếu nhi lại nắm giữ vai trò người dẫn chuyện một chương trình chuyển tải bề dày trăm năm nghệ thuật cải lương. Nhưng tôi lại cho rằng với sự trong trẻo, trẻ trung mà cải lương hôm nay cần có, Đình Toàn đủ gần gũi với khán giả trẻ, kiểu như “tôi cũng như bạn”, “tôi chia sẻ với bạn những kiến thức, những thông tin tôi sưu tầm được”. Mặt khác, anh cũng đủ chững chạc khi cần thiết.

TBKTSG: Và sự xuất hiện của Cải lương chi bảo Bạch Tuyết chắc hẳn không chỉ vì một cô Lựu - Bạch Tuyết có tính hình mẫu, mà còn ở tầm quan trọng của màn “talk show” hết sức ấn tượng. Khán giả đã nhận ra đây chính là tiết mục cao trào phục vụ một ý đồ khác của chương trình, đó là giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cải lương...

Theo lịch diễn, chương trình nghệ thuật “Cải lương - Trăm năm nguồn cội” sẽ trở lại với khán giả tại Nhà hát Bến Thành (TPHCM) vào các ngày 9, 10, 11 của tháng 8; ngày 27, 28 tháng 9; và ngày 4, 5 tháng 10.

- Tôi rất vui khi thấy mình đã đúng ở phần này với thủ pháp đánh lừa cảm xúc khán giả, để rồi tạo cho họ thứ cảm xúc thú vị hơn. Đây không phải một màn giao lưu của nghệ sĩ nổi danh nhằm vỗ về khán giả, cũng không phải để “thay đổi không khí” như nhiều người nghĩ. Đây là tiết mục biểu diễn quan trọng của kịch bản nhằm cung cấp cho khán giả những kiến thức mỹ học trong nghệ thuật cải lương.

Nó được quy định rõ ràng về nội dung cũng như thời lượng, nhưng được “biến tấu” như là ngẫu hứng. Trong các suất diễn tới đây, nội dung kịch bản ở phần này sẽ được thay đổi thường xuyên nhằm đem đến cho khán giả những hiểu biết mới mẻ hơn. Với tài năng, kiến thức và sự lão luyện trên sân khấu của nghệ sĩ Bạch Tuyết, tiết mục này sẽ như một con tắc kè hoa qua từng suất diễn.

TBKTSG: Lần đầu anh làm chương trình cải lương, có ý kiến nhắc về anh như là một “người ngoại đạo”...

- Tôi đối với cải lương hệt như một khán giả mộ điệu: “yêu mà đến”. Và vì là một đạo diễn, tôi yêu nên tôi dựng chương trình để sau lần đầu tiên tôi không còn là “kẻ lạ”. Nhưng trên tất cả, một khi không có nhân tố mới, nghệ thuật sẽ luôn luôn cũ, cảm xúc sẽ bị mài mòn...

TBKTSG: Đến với cải lương sau rất nhiều những bàn thảo, âu lo về “thách thức thời cuộc” của loại hình nghệ thuật này, khi thực hiện “Trăm năm nguồn cội”, anh nhắm tới điều gì?

- Tôi đã đi nhiều nước, từng xem nhiều show và luôn cố lý giải cách người ta làm show cho du khách từ hàng chục nước khác nhau cùng xem mà khán giả vẫn có thể hiểu phần nào văn hóa bản địa. Khi làm cải lương, tôi tư duy dựa trên hai nhóm khán giả chính. Thứ nhất, đối với những khán giả đã yêu thích cải lương, trong số này có nhiều người thuộc vai, thuộc tuồng còn hơn cả nghệ sĩ, thế nên họ cần thấy cải lương được khoác chiếc áo có phần mới mẻ.

Thứ hai, đối với những khán giả chưa hiểu về cải lương thì cần làm sao để họ vẫn có thể xem được chương trình và khi ra về, ở góc độ này hay góc độ khác, họ vỡ ra: “À, cải lương là như thế!”. Tôi không dám kỳ vọng nhưng tình thật tôi có nghĩ tới con đường đưa từng lát cắt độc đáo của cải lương tiếp cận khán giả mới, để rồi những ai đã bắt đầu thích thú với cải lương, họ sẽ là nguồn khách tiềm năng cho các sân khấu diễn cải lương trọn vở tuồng.

TBKTSG: Vậy “Trăm năm nguồn cội” có kế hoạch đón khán giả trẻ như thế nào?

Thanh Phương thực hiện

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292190/cai-luong--tram-nam-nguon-coi-di-tu-nhung-lat-cat-.html