'Cái nào ngon doanh nghiệp giữ, cái khó bàn giao lại cho địa phương'

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã cảm thán: 'Cái nào ngon doanh nghiệp giữ, cái khó bàn giao lại cho địa phương' khi đề cập đến câu chuyện nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phàn nàn về việc không thể hoàn thành việc lập phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa (CPH) vì địa phương không phê duyệt phương án sử dụng đất.

Tại cuộc Hội nghị "Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước" do Chính phủ tổ chức hôm 16-10 ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phê bình một số bộ, ngành và địa phương trọng điểm nhưng rất chậm trong cổ phần hóa..., đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, cần phải xem xét nguyên nhân tại sao cổ phần hóa chậm và xem xét trách nhiệm người đứng đầu.

 Hội nghị "Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước" diễn ra ngày 16-10. Ảnh: Chinhphu.vn

Hội nghị "Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước" diễn ra ngày 16-10. Ảnh: Chinhphu.vn

Để tránh thất thoát vốn nhà nước

“Tôi đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa Nghị định 126/2017 về hướng dẫn thi hành Luật đất đai, ở các DNNN nắm 100% vốn điều lệ thuộc đối tượng CPH nhưng hai năm nay bộ không làm được rồi sau đó báo cáo không làm được, làm ách tắc quá trình CPH”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong cuộc họp hôm 16-10 đã tỏ ra búc xúc và lấy ví dụ về trường hợp Ngân hàng Agribank cơ bản đã hoàn tất kiểm kê tài sản, định giá phương án sử dụng đất nhưng tắc ở việc xác định phương án sử dụng đất tại TPHCM nên mọi chuyện bị tắc toàn bộ.

Tại hội nghị, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) Bùi Thị Thanh Tâm đã phản ánh rằng, kế hoạch CPH của Vinafood 1 trong 2 năm 2019-2020 không thể hoàn thành cũng vì chuyện không biết sắp xếp đất đai như thế nào.

Bà Tâm nói với Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành dự hội nghị rằng: Nếu đúng theo Nghị định 126 thì quy định chỉ rà soát đất đai công ty mẹ và 2 công ty 100% vốn nhà nước, lập phương án sử dụng đất là xong. Nhưng Bộ Tài chính có văn bản 4544 yêu cầu các doanh nghiệp có 51% vốn nhà nước trở lên phải tiến hành rà soát, lên phương án sử dụng đất đai được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi CPH. Với Vinafood 1 nguyên rà soát diện tích các kho của doanh nghiệp tại nhiều địa phương trên toàn quốc bị lấn chiếm bởi các mục đích khác nhau, ví dụ như công nhân làm nhà ở không thể đưa họ ra khỏi mảnh đất để trả về cho địa phương nếu không dùng đến.

Người đứng đầu Vinafood 1 kể rằng trong 8 loại hình đất đai phải sắp xếp theo quy định có nhiều loại đất không thuộc loại hình nào cả, không thể làm việc để trả lại quỹ đất sạch cho các địa phương nên địa phương không nhận. Mà không sắp xếp được phương án sử dụng đất thì không xác định được giá trị doanh nghiệp. “Vinafood 1 có 300 miếng đất như thế trải dài từ Bắc đến Nam nên tắc”, bà Tâm nói, và đặt câu hỏi bản của Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp có giá trị pháp luật không?

Bộ Tài chính thừa nhận, trong thực tiễn khi thực hiện triển khai cổ phần hóa công ty mẹ các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; doanh nghiệp do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ để phản ánh đúng giá trị thực tế của doanh nghiệp cổ phần hóa, tránh thất thoát vốn của Nhà nước, vốn của DNNN khi thực hiện cổ phần hóa, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 4544/BTC-TCDN ngày 18-4-2019 về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp.

Tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện có những vướng mắc, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN để sớm trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc.

"Chúng tôi cũng sợ đi tù”

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tập trung vào ý tại sao Bộ Tài nguyên và Môi trường không ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 126 dẫn đến ách tắc toàn bộ quá trình CPH.

Đáp lời, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên tỏ ra lúng túng và nói rằng, Nghị định 01 về hướng dẫn Luật Đất đai sửa đổi và Thông tư 07 hướng dẫn xác định giá trị đất đai tại các công ty nông lâm nghiệp đã có. Nhưng đối với các loại hình doanh nghiệp khác không ban hành thông tư hướng dẫn vì... không có gì hướng dẫn những thứ đã có sẵn rồi. Tuy nhiên ông không dẫn ra được ví dụ nào về những quy định đã có mà doanh nghiệp không áp dụng. Thứ trưởng Kiên cũng thừa nhận nhiều chuyện chưa làm được như đôn đốc kiểm kê đất đai, lên phương án sử dụng đất tại các địa phương do có quá nhiều phức tạp.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng phản ứng với việc Bộ Tài nguyên và Môi trường không có thông tư hướng dẫn cho Nghị định 126: “Không có thông tư hướng dẫn thì cán bộ thực hiện đi tù hoặc nói lợi ích nhóm, chúng tôi không làm được”. Ông khẳng định Hà Nội sẽ làm rất nhanh nhưng cũng nói thật: “Miếng đất nào “ngon” doanh nghiệp giữ rồi, miếng không “ngon” bàn giao lại cho địa phương”. Ông yêu cầu doanh nghiệp lên phương án cụ thể, minh bạch thì địa phương giải quyết và giám sát chặt, không sợ lợi ích nhóm.

Lan Nhi

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/295517/cai-nao-ngon-doanh-nghiep-giu-cai-kho-ban-giao-lai-cho-dia-phuong.html