Cai nghiện cho người chưa thành niên - mục đích nhân văn cần làm tốt

Ngày 21/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản công tác cai nghiện hiện nay.

Về quy trình cai nghiện ma túy, trên cơ sở quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, lần đầu tiên quy trình cai nghiện ma túy với 5 giai đoạn, kết hợp các biện pháp y tế, giáo dục, lao động, hỗ trợ xã hội với các nội dung cụ thể, chi tiết trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ. Đồng thời, cũng quy định rõ việc tổ chức cai nghiện ma túy phải được thực hiện theo quy trình cai nghiện này ở tất cả các hình thức, biện pháp cai nghiện. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo tính thống nhất, khoa học và thực tiễn trong việc tổ chức cai nghiện ma túy hiện nay, khắc phục tình trạng các cơ sở cai nghiện do không đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự nên không thực hiện đầy đủ quy trình dẫn đến chất lượng, hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy hiện nay chưa được như mong muốn.

Về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cần thực hiện bởi các đơn vị có đủ các điều kiện (như tại các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy) đảm bảo theo quy trình cai nghiện thống nhất. Do vậy, các quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng của nghị định được xây dựng theo hướng: người nghiện ma túy tự nguyện đăng ký và tự nguyện cai nghiện; các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy phối hợp với gia đình, cộng đồng thực hiện việc hỗ trợ người nghiện ma túy trong suốt thời gian cai nghiện.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cai nghiện ma túy chưa thành niên được đặc biệt chú trọng, nhằm hạn chế thấp nhất những di chứng do ma túy để lại. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cai nghiện ma túy chưa thành niên được đặc biệt chú trọng, nhằm hạn chế thấp nhất những di chứng do ma túy để lại. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên (biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc), trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc được điều chỉnh phù hợp, bám sát Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng minh bạch, đơn giản, rút gọn hồ sơ, trình tự thực hiện; làm rõ vai trò của từng cơ quan trong triển khai. Riêng cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi (không coi là biện pháp xử lý hành chính). Nghị định quy định chi tiết về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 với tinh thần đây là một trong các biện pháp hỗ trợ nhằm giúp trẻ em cai nghiện, phục hồi về sức khỏe, hành vi để tiếp tục học tập, trở thành người có ích cho xã hội.

Tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sóc Trăng hiện có 8 học viên có độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi đang cai nghiện. Khi tiếp nhận, cơ sở sẽ phân loại, xác định loại ma túy, liều lượng ma túy người nghiện sử dụng để xây dựng phác đồ điều trị cắt cơn, giải độc theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ma túy là một chất độc rất có hại cho sức khỏe nên sau khi cắt cơn nghiện, việc cho bệnh nhân giải độc là điều rất quan trọng. Việc giải độc tốt cho bệnh nhân khi cai nghiện sẽ giúp bệnh nhân tránh gặp phải các vấn đề về sức khỏe sau này như suy gan, xơ gan, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh và bệnh tâm thần…

Trong thời gian đầu tập trung cắt cơn, hàng ngày bộ phận y tế phối hợp với các phòng nghiệp vụ tư vấn, giáo dục giúp học viên ổn định về tư tưởng, tâm lý, sức khỏe. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Trong thời gian đầu tập trung cắt cơn, hàng ngày bộ phận y tế phối hợp với các phòng nghiệp vụ tư vấn, giáo dục giúp học viên ổn định về tư tưởng, tâm lý, sức khỏe. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Em Đ.M.M, ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) năm nay 16 tuổi, vào cai nghiện được 3 tháng (thời gian cai nghiện bắt buộc là 12 tháng), thể trạng đã trở lại bình thường sau những ngày cắt cơn, giải độc. M nhớ lại: “Trước lúc cắt cơn, các cô chú ở đây cũng tư vấn sẽ có những biểu hiện khó chịu, cơ thể nóng lạnh thất thường, bực bội, đau quặn thắt, tiêu chảy, đau lưng, đau chân và cánh tay, nhức đầu, mất ngủ, cảm thấy yếu ớt và mệt mỏi, để con chuẩn bị tâm lý và động viên con cố gắng vượt qua. Những ngày đầu, con khó chịu lắm, có lúc mệt mỏi quá không chịu được chỉ biết kêu cha mẹ cứu con…”.

Còn với em T.K.D, ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) năm nay 17 tuổi, nghỉ học từ rất sớm, chỉ ở nhà phụ giúp gia đình làm vườn. D chia sẻ nguyên nhân đến với ma túy chỉ vì tò mò dù biết rằng tác hại của nó không hề nhỏ. Trong giai đoạn đầu nghiện ma túy, D cảm thấy mình vẫn rất khỏe và đầu óc bình thường, vẫn có thể tự kiểm soát được ma túy. Theo thời gian, nhu cầu về ma túy tăng lên, tâm tính thay đổi, cha mẹ D biết thì cũng quá muộn. Không ít lần D bị cha mẹ bắt buộc phải cai nghiện tại nhà nhưng đều thất bại. Giữa năm 2022, D bị bắt khi đang sử dụng ma túy, được đưa vào cai nghiện bắt buộc. D kể quy trình cắt cơn của mình thuận lợi, không bị ảnh hưởng nhiều về sức khỏe, mỗi ngày các cô chú bên y tế đều kiểm tra tình hình để có liệu trình giải độc cơ thể hoàn toàn.

Do tò mò, chưa hiểu biết, những người trẻ này đã vô tình đánh mất đi một phần tuổi thanh xuân. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Do tò mò, chưa hiểu biết, những người trẻ này đã vô tình đánh mất đi một phần tuổi thanh xuân. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Thực tế cho thấy 8 học viên đang ở độ tuổi chưa thành niên đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sóc Trăng đều sử dụng ma túy đá, có điểm chung là nghỉ học từ sớm, gia đình do bận làm ăn nên đôi lúc thiếu quan tâm đến giờ giấc sinh hoạt của con; bù đắp tình thương bằng vật chất, vô tình tạo thêm điều kiện để con mình đến gần hơn ma túy qua những lời cám dỗ “thử một lần cho biết, không gây nghiện đâu…”. Không những vậy, vì thương con, họ sẵn sàng bao che để con mình tiếp tục sử dụng ma túy trong thời gian dài. Có những người trong số đó nghiện ma túy đá và không được phát hiện sớm nên công tác cai nghiện gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, vai trò của gia đình, người thân trong việc chủ động phát hiện sớm các biểu hiện của người dùng ma túy đá là rất quan trọng, cần kiên quyết phối hợp thực hiện các giải pháp cai nghiện, đó mới là tình thương và trách nhiệm thật sự.

Trước thực trạng đối tượng sử dụng ma túy đang ngày càng trẻ hóa, công tác cai nghiện đối với thanh thiếu niên là một điểm mới nổi bật trong Luật Phòng, chống ma túy, tạo hành lang pháp lý quan trọng để khắc phục khoảng trống, tăng cường chất lượng công tác cai nghiện. Đồng thời, việc trẻ em nghiện ma túy có quyền tham gia các chương trình cai nghiện, có thể tại gia đình hoặc tại các cơ sở cai nghiện thể hiện sự quan tâm, chăm lo nhưng cũng là biện pháp theo dõi, quản lý chặt chẽ hơn đối với trẻ em nghiện, bảo đảm quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy được quy định trong Luật Trẻ em.

PHƯỚC LIÊU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/cai-nghien-cho-nguoi-chua-thanh-nien-muc-dich-nhan-van-can-lam-tot-61995.html