Cai nghiện ma túy tại cộng đồng: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Theo Bộ LĐTB&XH, trên cả nước có 105 cơ sở cai nghiện công lập, công suất theo thiết kế cho hơn 54.000 người cai nghiện; hiện tại đang điều trị cai nghiện cho hơn 38.000 nghìn người. Cả nước có khoảng 53.000 người đang được điều trị, cai nghiện thay thế bằng Methadone. Tuy nhiên công tác cai nghiện vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập.
Không ít thách thức
Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, hiện số người nghiện ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp ngoài cộng đồng ở mức không nhỏ, tuy nhiên công tác quản lý người nghiện ma túy hiện còn nhiều bất cập.
Tại TP Hồ Chí Minh, thống kê của Công an thành phố cho thấy, tỷ lệ tội phạm đang ngày càng trẻ về độ tuổi, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp. Nhất là các trường hợp phạm tội sau khi sử dụng ma túy, bị ảo giác do sử dụng các loại ma túy tổng hợp; trường hợp phạm tội để có tiền mua ma túy cũng xảy ra, khiến người dân rất lo lắng. Những loại tội phạm trực tiếp gây bất an cho đời sống người dân là trộm cắp, cướp, cướp giật (các tội về xâm phạm tài sản) tuy giảm nhưng vẫn chiếm tới 75% tổng số vụ phạm pháp hình sự.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý người cai nghiện, đại diện Sở LĐTB&XH TP HCM cho biết: Công tác quản lý hiện vẫn tồn tại những khó khăn như: Việc khai báo của người nghiện tại cộng đồng chưa bảo đảm về số lượng, trong khi đội ngũ cán bộ chuyên trách về vấn đề tư vấn, quản lý người nghiện tại địa bàn dân cư phải kiêm nhiệm, thay đổi công việc liên tục dẫn đến hiệu quả công tác chưa đạt như mục tiêu đề ra.
Tương tự tại Thanh Hóa, theo thống kê trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 7.468 người nghiện ma túy có hồ sơ, trong đó có 6.732 người nghiện đang sống ngoài cộng đồng, 576 người đang cai nghiện tại cơ sở cai nghiện của tỉnh, 160 người nghiện đang bị giam giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Thành phần người nghiện ma túy đang sống ngoài xã hội bao gồm học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, công nhân, nông dân, và số lao động tự do nghiện ma túy chiếm số lượng lớn nhất.
“Từ khi Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ có hiệu lực về Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau này được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 9/9/2016) quá trình triển khai, áp dụng các quy phạm pháp luật gặp nhiều khó khăn, rào cản cho tất cả các đối tượng thi hành pháp luật trong lĩnh vực cai nghiện ma túy. Theo đó, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị định, nhìn chung người nghiện đưa vào cơ sở điều trị thấp, thậm chí có cơ sở không có người bệnh. Có địa phương vận dụng, lách luật, ban hành cơ chế riêng biệt để đưa các đối tượng vào các cơ sở nhưng cũng để lại rất nhiều hệ lụy, dễ vi phạm pháp luật và mất tính an toàn trong thi hành công vụ, tạo dư luận xã hội không tốt, không đúng với hoạt động cai nghiện” – đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết.
Sớm có sửa đổi cho phù hợp
Phản ánh từ nhiều địa phương cũng cho biết, khó khăn trong công tác quản lý người nghiện ma túy còn đến từ lỗ hổng, sự chồng chéo, bất cập, không thống nhất trong chính sách pháp luật. Luật Phòng, chống ma túy quy định tổ chức cai nghiện bắt buộc cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi, trong khi Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định chỉ áp dụng biện pháp này đối với người đủ 18 tuổi trở lên. Luật Phòng, chống ma túy quy định người nghiện sau khi chấp hành xong hình thức cai nghiện buộc phải áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện từ 1 đến 2 năm, trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính yêu cầu trả về địa phương những trường hợp đã chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc. Chính vì vậy ngành chức năng cần nhanh chóng có những giải pháp tháo gỡ để công tác cai nghiện ma túy đạt hiệu quả như mong muốn. Trong đó cần phải có những sửa đổi về khung pháp lý cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.