Cai nghiện ma túy tự nguyện, quan trọng nhất là sự quyết tâm
Khi mới lạm dụng ma túy, người sử dụng nên đến cơ sở cai nghiện ngay để được điều trị kịp thời với những phác đồ phù hợp mới hy vọng thành công.
Dính heroin vì gia đình bỏ bê, đua bạn bè
Buổi sáng cuối năm 2019, có hai mẹ con rón rén bước vào phòng Điều trị nghiện chất thuộc Trung tâm Điều trị nghiện chất - Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.
Người mẹ khoảng 60 tuổi rụt rè trình bày với bác sĩ Lê Thị Thu Hà: “Thưa bác sĩ! Cháu nhà tôi điều trị tại Viện đến hôm nay được 9 ngày. Tối qua, cháu gọi điện cho tôi muốn xin được về nhà. Nhưng, tôi mong bác sĩ cho cháu được ở lại điều trị thêm một tuần, tốn kém bao nhiêu gia đình xin chịu. Chúng tôi rất hối hận khi lần trước chiều con, xin cho về sớm nên nó đã dính lại...”.
Theo bác sĩ Thu Hà, bệnh nhân trên đã điều trị 9 ngày nhưng đã ổn, lại có nhu cầu muốn về nên Viện cho ra sớm hơn dự định. Điều quan trọng, bệnh nhân về nhà uống thuốc đều và quyết tâm tránh xa các chất gây nghiện.
Chúng tôi thuyết phục mãi, hai mẹ con bệnh nhân cai nghiện tự nguyện ấy mới chia sẻ câu chuyện của mình. Họ đến từ quận Cầu Giấy. Cậu thanh niên tên H. 36 tuổi có làn da ngăm đen, dáng người đậm, cúi gằm mặt cho biết bị nghiện heroin năm 15 tuổi khi đang đi học, do bạn bè rủ rê; đến năm 23 tuổi lập gia đình và tự cai ở nhà.
Tuy nhiên, hai vợ chồng hay bất đồng quan điểm trong làm ăn dẫn đến cãi vã và trong lúc chán nản, H. tìm đến heroin giải khuây. Cách đây 6 tháng, H. được gia đình đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần cấp cứu vì tự cai ở nhà nhưng không ăn uống, người lả đi, suýt mất mạng.
Nhận xét về bệnh nhân H., bác sĩ Thu Hà cho biết, khả năng điều trị thành công là có, bởi trước đây cậu ta đã ngừng được hơn 10 năm. Hơn nữa, môi trường gia đình rất ủng hộ và H. chỉ hít heroin (chưa chích). Tuy nhiên, nghiện là bệnh mạn tính phải điều trị lâu dài, khả năng H. tái sử dụng khá cao vì cậu ta chơi ma túy từ năm 15 đến 23 tuổi mới ngừng lần đầu - giai đoạn này vùng vỏ não chưa hoàn thiện hoàn toàn nên khả năng từ chối ma túy khó khăn hơn. Vì thế, bác sĩ Thu Hà căn dặn mẹ H. cho bệnh nhân làm việc, để không có cơ hội tiếp xúc với heroin, cần sa và các chất khác.
Bệnh nhân chưa coi trọng trị liệu tâm lý
Trung tâm Điều trị nghiện chất - Viện Sức khỏe tâm thần thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân đến cai nghiện rượu, ma túy, loạn thần, đa số ở giai đoạn cấp tính. Bệnh nhân đến cai nghiện ma túy có liệu trình điều trị từ 1 - 3 tuần.
Trong trường hợp bệnh nhân nghiện ma túy có thuốc đối kháng, nếu nhà thuốc bệnh viện có bán, bác sĩ sẽ kê đơn; khi bệnh nhân nghiện chất có thuốc thay thế, sau đợt điều trị, bác sĩ tư vấn về địa phương để được hỗ trợ sử dụng Methadone hay Buprenorphine. Đối với những bệnh nhân sử dụng chất chưa có thuốc đối kháng, thay thế, khi đến Viện Sức khỏe tâm thần sẽ được điều trị tư vấn tâm lý là chính.
Trường hợp, bệnh nhân có loạn thần mà chưa bỏ ma túy, các bác sĩ sẽ điều trị loạn thần và cai nghiện. Khi bệnh nhân ổn, sẽ được điều trị giảm thèm nhớ gồm thuốc và trị liệu tâm lý. Hoặc với các chất chưa có thuốc thay thế hoặc đối kháng, bệnh nhân được trị liệu tâm lý.
“Theo các nghiên cứu trên thế giới, trị liệu tâm lý là điều trị hỗ trợ rất tốt cho bệnh nhân vượt qua được hội chứng nghiện. Nhất là khi, bệnh nhân nghiện các loại ma túy chưa có thuốc đối kháng hay thay thế thì điều trị tâm lý là bắt buộc.
Tuy nhiên, hiện nay, sau khi điều trị cai nghiện tại Viện Sức khỏe tâm thần xong, rất ít bệnh nhân quay trở lại trị liệu tâm lý theo hướng dẫn. Cũng bởi bệnh nhân chủ quan và cho rằng phải dùng thuốc mới cai được” - bác sĩ Thu Hà cho hay.
Theo bác sĩ Hà, thời gian trị liệu tâm lý có thể là một tuần một lần, sau đó một tháng một lần, vài tháng một lần, tùy từng trường hợp. Trong quá trình đó, nhà trị liệu tâm lý sẽ tư vấn cho bệnh nhân cách lập thời khóa biểu để tránh thời gian trống, tiếp cận với công việc,... mới hy vọng vượt qua được cơn thèm khát ma túy.
Có gần 13 năm công tác tại Viện Sức khỏe tâm thần và 10 năm làm mảng điều trị cai nghiện, bác sĩ Thu Hà nhận thấy, thông thường, những người sử dụng chất ma túy có nhiều vấn đề về sức khỏe. Khi bệnh nhân đến Viện, các bác sĩ sẽ điều trị toàn diện - đây là ưu thế của mô hình cai nghiện tự nguyện tại Viện.
Cũng bởi nơi đây có sự liên kết rất tốt giữa các đơn vị thành viên, nếu bệnh nhân gặp vấn đề, các bác sĩ sẽ hội chẩn và chuyển gửi luôn. Khi bệnh nhận đã ổn định, được gửi về địa phương để tiếp tục điều trị. “Tuy nhiên, khó khăn của chúng tôi chính là kết nối trực tiếp với địa phương tạo thành hệ thống, để bệnh nhân được hưởng lợi nhiều hơn. Hiện nay, sự kết nối với địa phương vẫn ở dạng lẻ tẻ” - bác sĩ Thu Hà nói.
Cha mẹ hãy làm bạn với con
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại Trung tâm Điều trị nghiện chất - Viện Sức khỏe Tâm thần cho thấy, thời điểm cuối năm, số bệnh nhân đến điều trị cai nghiện ma túy không nhiều. Thông thường, sau đợt Tết Nguyên đán, tức đầu Xuân, bệnh nhân sẽ đến Viện điều trị đông hơn do uống nhiều rượu bia, chơi ma túy.
Bác sĩ Hà cho rằng, lứa tuổi vị thành niên rất thích khám phá sự mới lạ, làm những điều mà lứa tuổi khác không dám, cho nên phụ huynh cần để ý đến con mình về tâm tư, tình cảm. Thứ nữa, hiện nay các bạn trẻ được tiếp cận với thế giới mở, biết nhiều thứ nên phải phòng hơn chống. Ở một số nước, các bạn trẻ được đi đến thăm những nơi cai nghiện để hiểu rõ tác hại của ma túy và sẽ biết mình nên sử dụng hay không.
Để phòng, chống ma túy, bác sĩ Hà khuyến cáo các cha mẹ dạy kỹ năng, quan tâm, làm bạn của con. Khi làm bạn, cha mẹ sẽ hiểu con từng bước một và có những lời khuyên kịp thời. “Tôi tiếp xúc thấy một số trường hợp bố mẹ là thế hệ khác, không làm bạn với con. Dẫn đến có nhiều cháu chỉ chơi thân với bạn bè, bố mẹ là người sau cùng biết về câu chuyện xảy ra với con” - bác sĩ Hà cho hay.
Các bậc cha mẹ cũng phải chú ý đến cách sử dụng thời gian của con. Nhất là khi, con không giải thích được khoảng thời gian trống đã đi đâu, làm gì; có những khoản tiền con dùng bị trội lên mà không có lý do; việc học hành sút kém; tính cách thay đổi, hay cáu gắt, dễ phản ứng với gia đình. Cha mẹ cũng chú ý đến những người bạn của con.
Muốn con không sử dụng ma túy cũng như các chất gây nghiện, cha mẹ cũng phải làm gương. Nếu trong gia đình, bố mẹ hay uống rượu bia, rất có thể con sẽ dùng thứ đồ uống nào đó giải khuây. Bố mẹ hay mâu thuẫn, con có nguy cơ sử dụng ma túy cao hơn. Cha mẹ cũng cần chú ý đến áp lực của con trong cuộc sống, học hành. Quan trọng nhất là giải thích cho con tác hại của các chất gây nghiện, ví dụ như bóng cười. Còn nếu để khi con ra ngoài, bị các bạn rủ rê, nói không sao đâu và thử thì sẽ bị nghiện.
“Trong trường hợp con bị mắc nghiện ma túy, cha mẹ không nên giấu giếm, sẽ khiến bệnh nhân lách vào kẽ hở này để tiếp tục sử dụng, khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Phụ huynh nên công khai, để nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng, cũng như giúp con có quyết tâm cai nghiện thành công” - bác sĩ Thu Hà nhấn mạnh.