'Cái ông 100' nghiêm khắc mà văn minh
Ngày đầu xuân, tôi đến công tác tại một đơn vị vùng cao và gặp lại người bạn từ thời học sĩ quan. Xa nhau sau thời gian khá dài mới gặp lại, bạn bè tay bắt mặt mừng, nói chuyện rôm rả.
Nếu là cách đây khoảng dăm năm, trong bữa cơm dù trưa hay tối, nếu có khách miền xuôi đến thăm, công tác tại đơn vị, thể nào chỉ huy đơn vị cũng mời khách món “kin lẩu” (uống rượu). Xuất thân là người dân tộc thiểu số, gắn bó với vùng cao biên giới từ nhỏ đến lớn, đối với bạn tôi, “kin lẩu” không chỉ trở thành một thứ “khoái khẩu” trong các bữa ăn ngày nghỉ, lễ, tết, mà còn là một phong tục tiếp khách trên các bàn ăn, bữa tiệc.
Tưởng như thói quen khó bỏ đó sẽ lặp lại trong bữa ăn trưa tiếp bạn cũ, nhưng thật đáng mừng, trên bàn ăn hôm đó chỉ toàn là sản phẩm tăng gia “cây nhà lá vườn” của đơn vị, có thêm vài ba lon nước ngọt, còn không thấy một chai “nút tàu lá chuối” (tên dân dã của chai rượu trắng loại thường) như ngày trước. Tôi hỏi vui: "Bạn chính thức “cai” cái món “cay cay nồng nồng” à?" thì bạn cười bảo rằng, chưa “chia tay” hẳn, nhưng dứt khoát phải hạn chế uống rượu, bia, vì sức khỏe bản thân và nếp sống an toàn, văn minh trong đơn vị.
Rồi bạn hồ hởi kể tiếp, những ngày về thăm quê dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, rất nhiều người dân trong bản, nhất là các ông lão và đám thanh niên không còn cảnh bù khú “kin lẩu” tối ngày như trước nữa. Vốn chất phác, hồn nhiên, người mẹ của bạn sắp ở tuổi bát tuần, nói với bạn rằng: “Nhờ “cái ông 100” (tức Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ) ra đời, mà cánh đàn ông bản này bớt say xỉn, xiêu vẹo; cánh đàn bà, chị em bớt lời than phiền; còn đồ đạc, bát đũa ở nhiều gia đình cũng giảm hẳn cảnh va chạm liểng xiểng. “Cái ông 100” nghiêm khắc mà rất văn minh đấy, con ạ!”. Nghe giọng điệu hồn hậu của người bạn kể lại, tôi cảm giác bữa ăn như có thêm “hương vị” càng ngon miệng.
Với phần lớn người dân vùng cao, miền núi, ngăn cấm hay hạn chế uống rượu có lúc tưởng chừng khó như đi bộ lên trời, nhưng thời gian gần đây, nhờ vận động, tuyên truyền kịp thời, đúng lúc, đúng đối tượng, kết hợp với truyền thông liên tục đưa tin về mức xử phạt hành chính nghiêm khắc đối với các trường hợp có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đã có tác dụng thức tỉnh, cảnh báo, răn đe rất hữu hiệu đối với hầu hết những người hay/thích uống rượu, bia.
Người Việt có nhiều đức tính tốt, nhưng một trong số lề thói chưa hay của nhiều người dân là ưa la cà hàng quán, thích ngồi túm năm tụm bảy để nhậu nhẹt, lai rai, thậm chí bù khú “chén chú chén anh” đến "liên tu bất tận". Người Việt có tính hiếu khách, thết đãi khách đến nhà là quý, nhưng khi tổ chức tiệc tùng thì lại hay khích bác, nài ép nhau uống rượu bia. Cảnh tượng đám đông hò hét “dô…dô…” chúc tụng nhau rượu, bia thái quá không chỉ gây ồn ĩ, phản cảm, mà còn vô hình trung kích thích nhau sa đà quá chén, dễ gây ra nhiều hệ lụy cho cả người trong cuộc, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Uống rượu, bia là một thói quen không dễ bỏ. Nhưng để tồn tại mãi thói quen này sẽ trở thành gánh nặng, thậm chí “đại họa” cho nhiều gia đình và cả xã hội. Do đó, tiết giảm uống rượu, bia trong các bữa liên hoan, tiệc tùng, lễ tết; kiên quyết không sử dụng rượu, bia trước và trong khi điều khiển phương tiện giao thông là chúng ta thiết thực góp phần bảo vệ an toàn tính mạng cho chính bản thân và cộng đồng, nâng cao tuổi thọ, bảo vệ nòi giống, giảm bớt nguy cơ nhiều bệnh tật nguy hiểm. Ý nghĩa hơn là khi hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn là góp phần tạo ra một nếp sống lành mạnh, môi trường nhân văn và nguồn năng lượng sống tích cực cho mọi người, mọi nhà và mọi cán bộ, chiến sĩ quân đội.