Cái tâm của người luật sư

Hơn 30 năm tiếp cận với hàng ngàn vụ án lớn, nhỏ, luật sư Trần Tuấn Hiệp (thuộc Đoàn Luật sư Sóc Trăng) đã gắn bó với nghề. Trước những nỗi đau của thân chủ đã khiến ông trằn trọc, suy tư và quyết tâm đi tìm công lý trên nền tảng pháp luật.

Luật sư không được phép buồn phiền thân chủ

Cầm tách trà trên tay, vị luật sư lớn cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề đăm chiêu nhớ về chuyện xa xưa. Khi ấy, ông cũng giống như bao thanh niên, sau 12 năm đèn sách thì mơ ước tiếp tục chương trình đại học để sau này có thể chọn một cái nghề - “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Rồi chương trình cử nhân luật khiến ông thích thú theo đuổi nhưng do hoàn cảnh, tốt nghiệp đại học ra trường, ông Hiệp lại công tác tại một hợp tác xã nông nghiệp. Khoảng thời gian công tác nơi đây, người thanh niên ấy cảm thấy chán chường, vì kiến thức trên giảng đường bị bỏ quên một cách lãng phí. Ông luôn nung nấu ý định muốn tìm lẽ công bằng và bảo vệ những người yếu thế trong xã hội. Cuối cùng, ông Hiệp quyết định dành 2,5 năm theo học lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật để trở thành luật sư.

Người ta thường nói: “Người bảo vệ công lý phải có một trái tim nóng, một cái đầu lạnh và một bàn tay sạch”. Trái tim nóng để hiểu, đồng cảm và có những dự cảm đúng về con người. Cái đầu lạnh để phân tích, suy luận và phán đoán các sự kiện chính xác, khách quan. Còn bàn tay sạch là không tham lam, không vụ lợi, giữ lương tâm trong sáng. Bằng sự đam mê, nỗ lực cùng ý chí quyết tâm đeo đuổi đến cùng con đường mình đã chọn, ông tự nhủ bản thân phải thấm nhuần những triết lý trên. Tuy nhiên, giai đoạn mới vào nghề luật sư không hề dễ dàng, bởi lý thuyết là một chuyện, việc áp dụng là chuyện khác và bản thân lại chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Do đó, ông không tránh khỏi những lần thất bại, những chứng cứ còn non, lập luận chưa chặt chẽ nên không được hội đồng xét xử chấp nhận các yêu cầu bào chữa, bảo vệ. Có những lần, thân chủ xót của (thua kiện), tiếc tiền (thuê luật sư) sẵn sàng buông ra những lời nặng nhẹ, thậm chí “thóa mạ”.

“Là luật sư, tôi không được phép buồn phiền thân chủ của mình. Người dân trong tỉnh Sóc Trăng còn nghèo, họ cũng vất vả mới có tiền tìm đến luật sư làm người đại diện tham gia tố tụng cho mình. Vụ việc không như mong muốn, thân chủ tức giận cũng là điều dễ hiểu. Ngược lại, tôi thấy buồn cho bản thân! Nhưng rồi từng vụ việc đã giúp tôi rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong việc tham gia tố tụng; việc cập nhật, nghiên cứu chuyên sâu văn bản pháp luật đã giúp tôi tự tin hơn trong nghề nghiệp” - luật sư Hiệp chia sẻ.

Theo ông, luật sư là một nghề áp lực rất cao và sợ nhất trước những yêu cầu vô lý, quá mức của thân chủ. Thoáng buồn, khi nhiều người cứ nghĩ ký hợp đồng với luật sư là bỏ tiền mua kết quả, trong khi việc phán quyết thuộc quyền hội đồng xét xử và họ chỉ dựa trên chứng cứ, quy định pháp luật. Còn luật sư chỉ là những người tư vấn và tìm ra những chứng cứ có lợi nhất cho thân chủ nhưng cũng dựa trên điều có thực và quy định của pháp luật, tránh làm những điều trái pháp luật, đánh mất đạo đức, lương tâm của người luật sư.

Những năm gần đây, luật sư Trần Tuấn Hiệp tham gia nhiều ở hoạt động tư vấn, tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí. Ảnh: S.M

Những năm gần đây, luật sư Trần Tuấn Hiệp tham gia nhiều ở hoạt động tư vấn, tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí. Ảnh: S.M

Nỗi trăn trở qua từng vụ án

Luật sư Hiệp có một chất giọng trầm ấm, ngọt ngào, cách tranh luận hùng hồn, biểu cảm, dễ lôi cuốn người nghe (dù đó là vụ việc chỉ định hay “được thuê”). Tôi nhớ như in một vụ án hiếp dâm trẻ em mà luật sư Hiệp là người bào chữa cho bị cáo. Sự việc là một thanh niên nghèo khó, chân chất, không được học hành và từ nhỏ đã phải làm thuê, làm mướn. Chính bởi sự hiền lành, ông bà chủ tin tưởng cho ở lại nhà và ngoài lo công việc còn kiêm luôn chuyện đưa rước học hành cô chủ nhỏ chưa đầy 13 tuổi. Do đó, hai người có cơ hội gần gũi, thân thiết và đi đến kết cuộc đau lòng...

Tại tòa, bị hại khẳng định mình không bị hiếp dâm, còn bị cáo nói mình không thực hiện hiếp dâm. Khi ấy, lời bào chữa của luật sư như đánh thức trách nhiệm của những bậc làm cha mẹ và lấy đi nước mắt của bao người dự khán. Hướng về gia đình bị hại, ông khẳng định: “Tôi nghĩ bị cáo vô tư phạm tội, không hề biết hay nghĩ mình phạm tội. Tất cả chỉ vì sự tò mò của tuổi mới lớn nhưng không có sự định hướng, uốn nắn của người lớn… Xin các bậc cha mẹ hãy quan tâm đến con mình nhiều hơn, nhất là lứa tuổi mới lớn. Chính sự chủ quan, thiếu quan tâm của cha mẹ đã hại con mình và gián tiếp đẩy chúng vào con đường phạm tội”.

Theo ông Hiệp, hơn 30 năm hành nghề luật sư, niềm vui thì ít mà nỗi buồn, nỗi trăn trở nhiều vô kể. Bởi nghề nghiệp, ông có cơ hội tiếp xúc với nhiều số phận trong xã hội, chủ yếu là những người dân lam lũ, vất vả. Những người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, bám víu cùng đồng ruộng, lại bị lợi dụng, ức hiếp. Rồi cảnh cha mẹ tranh nhau từng món đồ, vật dụng khi ly hôn mà chẳng ai ngó ngàng đến con cái; sự việc “nồi da xáo thịt”, nhất là các vụ tranh chấp tài sản trong thân tộc...

Dù nói niềm vui trong nghề ít nhưng không phải không có. Ông Hiệp từng hạnh phúc, vui sướng khi giúp thân chủ tháo gỡ được những vướng mắc trong các quan hệ dân sự, kinh doanh thương mại. Vui mừng khôn tả vì có sự bào chữa của mình trong các vụ án hình sự, mà thân chủ được giảm mức án…

Ngoài việc tranh tụng, luật sư còn mở rộng và phát triển nghề nghiệp thông qua các hoạt động khác như tư vấn, tuyên truyền pháp luật... Trước đây, mỗi năm ông nhận tham gia tố tụng khoảng 100 vụ, giờ không quá 30 vụ. Nhưng luật sư Hiệp lại tham gia xuyên suốt các đợt tuyên truyền pháp luật, tư vấn và trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí do Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức. Bởi ở cái tuổi 70, ông khao khát muốn đem những hiểu biết, kiến thức pháp luật của bản thân, những câu chuyện thực tế tham gia tố tụng tại tòa án để tuyên truyền giúp mỗi người trong xã hội nhận thức đúng đắn và có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Điều luật sư Hiệp muốn chia sẻ với những luật sư mới vào nghề không phải chỉ là kỹ năng tranh tụng hay việc thu thập, tìm chứng cứ (bởi nghề sẽ dạy cho mỗi luật sư, chỉ cần có lòng quyết tâm) mà quan trọng hơn hết phải có đạo đức và trách nhiệm với nghề. “Luật sư là một trong những nghề cao quý nhưng giữ được sự cao quý là điều không dễ” - ông Hiệp gửi gắm. Chỉ bởi điều này, ông đang hàng ngày, hàng giờ kiên trì góp phần bảo vệ lẽ phải, công bằng xã hội.

S.M

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/cai-tam-cua-nguoi-luat-su-36724.html