Cái tết thời thơ ấu

Năm nào cũng vậy, cứ vào độ Tết là tôi nhớ về những ngày Tết thời tuổi nhỏ khi chị em tôi sống ở nhà ông bà ngoại. Cả tuổi thơ yêu dấu có rất nhiều kỷ niệm, điều đọng lại trong lòng tôi là những ngày ăn Tết trong gia đình thật vui vẻ.

Còn nhớ, khi vừa bước qua tháng chạp khung cảnh làng xóm nhộn nhịp hẳn lên. Không ai bảo ai, con người thật hớn hở bởi xuân sắp đến. Công việc đón Tết sớm nhất là ông tôi nhặt lá mấy cây mai vàng trồng trước sân nhà. Nhìn cây trụi lá không bao lâu nữa trên cành có những đóa hoa nở vàng rực một góc sân. Người xưa chơi mai rất kỳ công, tạo dáng cho mai, chăm sóc tính toán làm sao cho mai nở rộ vào đúng sáng mồng một Tết. Công việc ấy ông tôi làm rất tỉ mỉ. Ngày trước, ở miền Nam, hoa mai được xem là loại hoa được ưa thích nhất để thưởng xuân. Mọi người trong nhà bắt đầu chuẩn bị mọi thứ để đón Tết. Ông tôi dọn dẹp nhà cửa, mấy bộ lư đồng trên bàn thờ được chùi thật sáng. Bắt đầu từ sáng 23 tháng chạp đường phố như nhộn nhịp hơn, tôi chú ý đến mấy anh vừa đi nhanh vừa rao: “Cò bay ngựa chạy đưa ông Táo về trời”. Tôi nghe bà tôi kể ông Táo về chầu Ngọc Hoàng để báo cáo công việc một năm qua của gia đình xảy ra như thế nào.

Chợ Khánh Hưng nằm ở trung tâm tỉnh lỵ, có quy mô lớn trong khu vực. Hàng hóa từ đây không những tỏa về các nơi trong tỉnh mà còn được bạn hàng đưa xuống hai tỉnh lân cận Bạc Liêu và Cà Mau. Chợ đêm bắt đầu bán lai rai, người mua vào những ngày cận Tết càng thêm đông đúc. Đủ loại hàng hóa phục vụ ngày Tết, các gian hàng bánh mứt trang trí rất bắt mắt để thu hút khách hàng. Gian hàng dưa hấu nổi bật một góc chợ. Ngày trước chỉ có dịp Tết mới có bán dưa hấu (không như sau này dưa hấu bán quanh năm). Bởi vậy ở chợ thấy có bán dưa hấu là trẻ con biết tết đã sắp tới rồi. Năm nào tôi cũng theo ông tôi đi chợ hoa. Hồi ấy tuy không có nhiều loại hoa đẹp như sau này nhưng với những người yêu hoa cảnh như ông tôi đi chợ hoa còn là cái thú thưởng ngoạn mỗi dịp xuân về.

Hình ảnh gói bánh tét vào dịp Tết. Ảnh: Internet

Hình ảnh gói bánh tét vào dịp Tết. Ảnh: Internet

Cả xóm gần như nhà nào cũng gói bánh tét. Những đêm cuối năm ánh lửa hồng bập bùng. Tôi nhớ hình ảnh của ông tôi thức chụm lửa đến khuya. Hương xuân như đến sớm hơn, lòng người vui như mở hội. Trong các loại dưa muối, ngày Tết có lẽ người miền Nam thích nhất dưa kiệu. Gần như nhà nào cũng chuẩn bị vài keo dưa kiệu để ăn Tết. Trên mâm cơm ngày Tết, dưa kiệu ăn kèm với thịt kho nước dừa hay bánh tét. Nghĩ lại đầu óc tưởng tượng của người xưa thật phong phú, ngày cuối năm hồn vía tổ tiên sẽ trở về gia đình ăn Tết cùng con cháu. Bởi vậy, mâm cơm cúng tất niên rất thịnh soạn, xong cả nhà cùng ăn buổi cơm cuối năm vui vẻ và hạnh phúc.

Những ngày tuổi nhỏ, tôi thích nhất đêm giao thừa. Đó là giờ phút thiêng liêng nhất trong một năm. Bà tôi bảo đến 12 giờ khuya, có hai vị thần cũ và mới bàn giao công việc cho nhau. Đêm ấy tôi không biết buồn ngủ là gì nữa, thức đến giờ giao thừa. Tiếng pháo nổ đì đùng khắp nơi. Tết về vui quá.

Sáng sớm mồng một, tôi diện nguyên bộ đồ mới tự thấy đẹp hẳn lên. Cả mấy bộ đồ Tết mẹ tôi chọn rất đẹp. Con cháu quây quần chúc Tết ông bà, cha mẹ. Khung cảnh gia đình đầu năm thật đầm ấm. Ngày đầu một năm được lên tuổi, đó là niềm vui lớn nhất của chị em tôi.

Ngày Tết bọn nhóc chúng tôi thích nhất là nhận được tiền lì xì của người thân trong gia đình bằng những đồng tiền mừng tuổi mới tinh. Lúc ấy, tôi chưa biết xài tiền chỉ cầm chơi một chút rồi gửi cho mẹ.

Thuở đó ít nhà nào có máy ảnh nên cả gia đình ít có dịp được chụp ảnh chung. Ngày Tết, thợ lo hành nghề ở công viên, vườn hoa nên ít ai chịu đến nhà. Bởi vậy hình ảnh lưu trữ lại không được bao nhiêu.

Thú vui ngày Tết không thể thiếu đó là xem múa lân. Người ta bảo đầu năm lân đến nhà múa với ước vọng năm mới làm ăn khấm khá nên không ít nhà trong xóm mời lân đến múa, nhờ vậy bọn trẻ con có dịp xem no con mắt. Thời tôi còn nhỏ chưa có vô tuyến truyền hình nên bà con thường đến rạp chiếu bóng xem phim. Có năm thỉnh thoảng có đoàn cải lương về diễn Tết ở rạp Hòa An hay Nguyễn Văn Kiển. Người xem đông lắm, chen chân không lọt. Với những người am tường sân khấu, Tết nhất các đoàn hát lớn chỉ diễn ở Sài Gòn hay các thành phố lớn. Xuống tỉnh lẻ diễn Tết phần nhiều chỉ là những đoàn hát nhỏ ít tiếng tăm. Dân ghiền cải lương có gì coi nấy, đầu xuân được vậy là vui rồi.

Nhanh quá, thời gian cứ trôi mãi không ngừng. Một cậu bé hồn nhiên năm nào nay tuổi tác ngày càng cao đượm màu sương gió. Bây giờ Tết đối với tôi không còn gì hứng thú để trông đợi nữa. Mỗi năm vào dịp này, tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại khung cảnh gia đình ăn Tết khi còn đầy đủ những người thân.

Tôi rất thích bài thơ “Tết” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ bởi tôi đã thấy một phần hình ảnh của mình ở trong đó: “Từ khi ông tôi mất/ Bà tôi đã qua đời/ Tôi mỗi ngày mỗi lớn/ Nên không thấy gì vui/ Tết đến tôi càng khổ/ Tôi nhớ bức tranh gà/ Chiếc phong bao giấy đỏ/ Bánh pháo tép ba xu”.

So với hơn nửa thế kỷ trước, tập tục ngày Tết có thay đổi đôi chút. Không ít người lại nuối tiếc vì phong vị Tết ngày xưa dần dần phai nhạt. Nghĩ lại, chuyện vật đổi sao dời luôn là quy luật của đời sống. Cuộc sống phải thích hợp với hoàn cảnh của xã hội, điều đó cũng hợp lý và ta phải vui vẻ chấp nhận.

TUẤN BA

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/cai-tet-thoi-tho-au-53900.html