Cải thiện bữa cơm bộ đội, xây dựng cảnh quan đơn vị sạch - đẹp
Cùng với hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sỹ ở Ban CHQS huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) còn đẩy mạnh tăng gia sản xuất để cải thiện bữa cơm cho bộ đội và xây dựng cảnh quan đơn vị.
Vào giờ thứ 8 (giờ bộ đội tập luyện thể thao, lao động), hầu hết cán bộ, chiến sỹ ở Ban CHQS huyện Hương Sơn lại cùng nhau ra vườn tăng gia sản xuất. Mỗi người một việc, người cắt tỉa hoa, cây ăn quả, người chăm chút từng luống rau, vun gốc, nhổ cỏ, thu hoạch rau quả... Không khí lao động hết sức sôi nổi.
Thiếu úy Phạm Ngọc Hải - nhân viên Ban Chính trị tâm sự: “Hoạt động tăng gia sản xuất giúp cán bộ, nhân viên trong đơn vị rèn luyện sức khỏe, tăng tình đoàn kết, gắn bó. Mỗi khi nhìn những luống rau xanh tốt, từng cán bộ, nhân viên đều lấy đó làm niềm vui, vì ai cũng có một phần công sức để mâm cơm có thêm thực phẩm sạch, cảnh quan khuôn viên đơn vị xanh – đẹp”.
Xác định hoạt động tăng gia sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng đơn vị chính quy, xanh - sạch - đẹp, vững mạnh toàn diện nên Đảng ủy, Ban CHQS huyện Hương Sơn luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ theo các tiêu chí của ngành hậu cần. Để nâng cao hiệu quả tăng gia, đơn vị đã gắn hoạt động tự sản xuất, tự chăn nuôi với thi đua xây dựng “bếp nuôi quân giỏi, quản lý tốt”, “xây dựng và quản lý doanh trại chính quy sáng - xanh - sạch - đẹp” và có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng cho từng bộ phận, từng người lính.
Ngoài tận dụng các khoảng trống trong khuôn viên đơn vị thì khu tăng gia tập trung của Ban CHQS huyện Hương Sơn có diện tích lên đến gần 2ha, được quy hoạch hợp lý theo mô hình “vườn – ao - chuồng”. Cùng với nhiều loại cây ăn quả, những luống rau xanh mướt, giàn quả (bầu, bí, mướp, su su) trĩu cây, 2 ao cá (mỗi ao rộng hơn 1.000 m2) với đủ các loại cá lớn nhỏ, khu chuồng trại cũng đầy những lợn và gà.
Đặc biệt, để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch và có thêm quỹ tăng gia, Ban CHQS huyện Hương Sơn đã duy trì mô hình nuôi lợn rừng với 6 con lợn nái, mỗi năm sinh sản 6 lứa, tổng đàn 50 – 70 con.
Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh - nhân viên chăn nuôi Ban Hậu cần thông tin: “Những ngày đầu xây dựng khu tăng gia tập trung, mọi người trong đơn vị đã hiến kế để quy hoạch vừa đảm bảo tiết kiệm diện tích, vừa để cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt.
Đáng chú ý, mọi người rất tâm đắc với mô hình nuôi lợn rừng, vì đây là giống lợn được tuần hóa phát triển nhanh, sức chống chịu bệnh tật tốt, phù hợp với điều kiện thời tiết địa phương, hiệu quả kinh tế cao. Với quyết tâm xây dựng thành công mô hình nuôi lợn rừng, anh em trong tổ sản xuất ngày đêm bám chuồng, bám trại, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm để phát triển đàn lợn rừng từ 5 con lên 70 con như hiện nay”.
Thiếu tá Lê Văn Tài - nhân viên Ban Hậu cần chia sẻ: “Ngoài nhiệm vụ chuyên môn thì tôi là một trong 3 cán bộ, nhân viên được đơn vị tin tưởng và giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm chính trong hoạt động tăng gia tại khu chăn nuôi tập trung. Trên cương vị được giao, chúng tôi đã nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, tích cực ứng dụng KHKT, tăng cường các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh, sâu bọ nên đàn gia súc, gia cầm phát triển rất tốt. Nhờ đẩy mạnh tăng gia mà Ban CHQS huyện đã tự duy trì, cung ứng được một số loại thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh cho cán bộ, chiến sỹ cũng như xây dựng cảnh quan đơn vị xanh - sạch - đẹp, thân thiện".
"Từ hoạt động tăng gia, mỗi năm, Ban CHQS huyện Hương Sơn thu hoạch hơn 3 tấn rau xanh các loại, đáp ứng 100% nhu cầu rau xanh tại bếp và có dư thừa phục vụ chăn nuôi; thu 1,6 tấn thịt các loại (trong đó thịt gia cầm các loại 560 kg, còn lại thịt lợn), bảo đảm 85 - 100% nhu cầu định lượng ăn tại bếp, tùy vào thời điểm và loại thịt. Hoạt động tăng gia đã giúp tăng thêm cho bữa ăn của bộ đội 4.000 đồng/người/ngày, quỹ tăng gia ngày càng lớn mạnh" - Thiếu tá Lê Anh Tài thông tin thêm.