Cải thiện chất lượng cuộc sống nhờ vốn ưu đãi

Những năm qua, thông qua vốn chính sách đã có hàng vạn công trình nước sạch và vệ sinh cho hộ gia đình ở vùng nông thôn được cải tạo, xây dựng. Qua đó góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn.

Nhờ vốn chính sách, nhiều hộ dân trong tỉnh đã xây dựng được công trình nước sạch và vệ sinh đảm bảo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh chụp tại xã Thạch Yên (Cao Phong).

Nhờ vốn chính sách, nhiều hộ dân trong tỉnh đã xây dựng được công trình nước sạch và vệ sinh đảm bảo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh chụp tại xã Thạch Yên (Cao Phong).

Hơn chục năm trước, khi còn thuộc diện hộ nghèo, gia đình ông Đinh Đức Nhung, xóm Rớm Khánh, xã Thạch Yên (Cao Phong) đã được tiếp cận vốn chính sách để phát triển kinh tế. Với sự cần cù, chịu khó của bản thân và gia đình, cùng sự tận tậm của cán bộ tín dụng và các tổ chức nhận ủy thác vốn, gia đình ông Nhung đã từng bước vượt lên khó khăn. Từ thoát khỏi hộ nghèo lên hộ cận nghèo, rồi chính thức thoát nghèo, mỗi bước tiến của gia đình ông Nhung đều có dấu ấn của vốn chính sách. Khi đã có những đồng vốn tích lũy nhất định, gia đình ông Nhung quyết định xây dựng ngôi nhà mới. Tuy nhiên đến khi hoàn thiện nhà thì hết vốn, mà các công trình nhà vệ sinh, nước sạch vẫn chưa có. Lúc này, ông Nhung lại "cậy nhờ” đến Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và tiếp tục được vay vốn từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT).

"Đến nay có thể nói, đời sống của gia đình đã ổn định hơn nhiều so với hơn chục năm về trước. Có được như vậy là nhờ gia đình được vay vốn từ NHCSXH. Không chỉ vay để có vốn phát triển chăn nuôi, trồng trọt, mà còn kéo nước sạch về sử dụng, xây dựng được công trình phụ đảm bảo”, ông Nhung chia sẻ. Gia đình ông Nhung là một trong số hàng nghìn hộ trên địa bàn huyện Cao Phong đã nâng cao chất lượng cuộc sống nhờ vốn chính sách. Đồng chí Cấn Văn Hùng, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Cao phong cho biết: Những năm gần đây, cho vay NS& VSMTNT là một trong những chương trình tín dụng người dân có nhu cầu vay vốn lớn nên đơn vị đã tập trung triển khai thực hiện. Từ đầu năm đến nay, đây là một trong hai chương trình có doanh số cho vay đạt cao nhất, với 8,2 tỷ đồng/470 lượt hộ vay vốn. Đến hết tháng 7/2023, tổng dư nợ chương trình tín dụng đạt gần 59 tỷ đồng với 3.456 hộ còn dư nợ. Từ khi triển khai chương trình đến nay, trên địa bàn huyện Cao Phong đã đầu tư sửa chữa, xây dựng mới trên 13 nghìn công trình NS&VSMT cho hộ gia đình.

Chương trình cho vay NS&VSMTNT được NHCSXH thực hiện cho vay từ năm 2005, theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg, ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Qua chương trình nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt của hộ dân sinh sống tại khu vực nông thôn. Thống kê của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, từ khi thực hiện đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 100 nghìn lượt khách hàng được vay vốn. Hiện, tổng dư nợ chương trình tín dụng này đạt trên 691 tỷ đồng với gần 38,8 nghìn khách hàng còn dư nợ. Từ năm 2015 đến nay, qua chương trình đã có trên 100 nghìn công trình NS&VSMT ở khu vực nông thôn cho hộ gia đình được sửa chữa, xây mới.

Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, trong 7 tháng năm 2023, cho vay NS& VSMTNT là một trong 3 chương trình tín dụng có doanh số cho vay đạt cao nhất, với hơn 136 tỷ đồng, cho gần 7,1 nghìn lượt hộ dân được vay vốn. Qua đó đã có 7.099 công trình nước sạch và 6.905 công trình vệ sinh cho hộ gia đình được cải tạo, xây dựng. Đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn cũng như góp phần đẩy nhanh chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, từ cuối năm 2022 đến giữa năm 2023, khi tình hình hạn hán diễn ra nghiêm trọng, thông qua chương trình này đã góp phần giảm thiểu khó khăn về nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/180721/cai-thien-chat-luong-cuoc-song-nho-von-uu-dai.htm