Cải thiện Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính tỉnh
Theo công bố của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2023 và Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chỉ số CCHC (PAR Index) tỉnh Đồng Tháp đạt 86,65% (tăng 0,27% so với năm 2022), xếp hạng 37/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (giảm 16 hạng so với năm 2022); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) tỉnh Đồng Tháp năm 2023 đạt 84,90% (tăng 4,37% so với năm 2022), xếp hạng 14/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 12 hạng so với năm 2022). Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, bảo đảm duy trì và cải thiện Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng năm 2024, UBND tỉnh ban hành kế hoạch Cải thiện Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính tỉnh Đồng Tháp năm 2024.
Mục tiêu cụ thể là phấn đấu Chỉ số CCHC của tỉnh năm 2024 đạt chỉ số tổng hợp từ 89% trở lên; phấn đấu Chỉ số hài lòng của tỉnh đạt từ 87% trở lên và cao hơn mức trung bình của cả nước. UBND tỉnh đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của các nội dung trong công tác CCHC. Ngoài các nhiệm vụ cần cải thiện trong kế hoạch, yêu cầu các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong năm 2023.
Để thực hiện kế hoạch, UBND tỉnh giao thủ trưởng các sở, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện triển khai thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nội dung thành phần của Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng. Đồng thời tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được của các tiêu chí, tiêu chí thành phần của Bộ Chỉ số CCHC.
Cùng với đó, tăng cường thiết kế, tổ chức thực hiện các chương trình, chuyên mục cung cấp thông tin, giải thích chính sách qua loa phát thanh của xã, phường, thị trấn và qua báo chí, phát thanh, truyền hình bảo đảm phù hợp, thuận tiện, hiệu quả với người dân thuộc mọi thành phần; tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi để người dân có thể tham gia góp ý chính sách, phản hồi ý kiến về kết quả, tác động chính sách với cơ quan nhà nước.
Đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức để người dân nhận thức đầy đủ, đúng đắn về quyền lợi và trách nhiệm trong việc chống tiêu cực, tố cáo các hành vi tiêu cực; thông tin tuyên truyền về việc cung ứng dịch vụ hành chính công, từ quy định pháp luật đến thực tiễn triển khai tại cơ quan, địa phương... để người dân hiểu đủ, hiểu đúng, từ đó, tạo niềm tin, thu hút sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, cung ứng dịch vụ hành chính công cùng với chính quyền, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, mang lại sự hài lòng cho người dân.
Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo, kiểm tra UBND cấp xã thực hiện các nội dung Chỉ số CCHC thuộc thẩm quyền cấp xã, bảo đảm đúng quy định, nhất là về niêm yết công khai thủ tục hành chính (TTHC), giải quyết TTHC đối với cá nhân, tổ chức; đẩy mạnh việc thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình, thực hiện thanh toán trực tuyến đối với TTHC đủ điều kiện, cũng như triển khai số hóa hồ sơ giải quyết TTHC theo quy định.
Quan tâm cải thiện chất lượng các chính sách quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân như: chính sách về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; chính sách về khám, chữa bệnh; chính sách về giáo dục phổ thông; chính sách về trật tự, an toàn xã hội; chính sách về giao thông đường bộ; chính sách về điện sinh hoạt; chính sách về nước sinh hoạt; chính sách về an sinh xã hội.
Sở Nội vụ phối hợp các ngành liên quan tổ chức triển khai và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này. Qua đó, căn cứ kết quả Chỉ số CCHC của tỉnh năm 2024 đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng các ngành, địa phương tham mưu thực hiện tốt các lĩnh vực của CCHC; đồng thời phê bình các ngành, các cấp thực hiện chưa tốt các nội dung nhiệm vụ để dẫn đến các tiêu chí, tiêu chí thành phần trong Bộ Chỉ số cải CCHC bị trừ điểm hoặc không đạt điểm.