Cải thiện cuộc sống cho phụ nữ vùng cao từ những việc làm bình dị nhất

Thay đổi thói quen trồng rau, canh tác không chỉ giúp những phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu có thêm dinh dưỡng cho bữa ăn mà cuộc sống, thu nhập của họ cũng được cải thiện.

 Nhiều hoạt động góp phần thúc đẩy sinh kế bền vững cho nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương

Nhiều hoạt động góp phần thúc đẩy sinh kế bền vững cho nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương

Hiệu quả từ mô hình nhỏ

Khu vườn xanh mát, sai trĩu những trái bí, cà chua, dưa chuột… là niềm tự hào của chị Oai (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu). Hào hứng giới thiệu từng luống rau củ quả mình đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để vun trồng, chị Oai cho biết: Trước kia, chị thường chỉ trồng rau ăn lá để sử dụng trong gia đình. Thời gian gần đây, chị được hướng dẫn trồng thêm đa dạng các loại quả như cà chua, dưa chuột, mướp nhật, bí trong vườn nhà.

Chị Oai đã biết trồng đa dạng các loại rau trong khu vườn nhà mình

Chị Oai đã biết trồng đa dạng các loại rau trong khu vườn nhà mình

Với sự cần cù, chịu khó của chị Oai, giờ đây, vườn rau đã trở thành nguồn thu nhập chính trong nhà. Tiền bán rau không những chi trả được cho thức ăn hàng ngày mà còn đang giúp cuộc sống gia đình chị thoải mái hơn.

Chị Oai khoe: Nhờ vườn rau mà nhà chị đã mua được bếp ga và ga dùng để nấu nướng hàng ngày. Bên cạnh đó, nguồn thu nhập này cũng giúp cho gia đình trả tiền điện cho các thiết bị trong nhà như tủ lạnh, tivi, quạt, bình nước nóng.

Vườn rau không chỉ cải thiện dinh dưỡng cho bữa ăn mà giúp chị có thêm thu nhập

"Nếu không có vườn rau thì không làm được việc gì ra tiền. Còn khi trồng rau, nếu không có tiền, đi chợ một buổi là cũng đủ bữa ăn", chị Oai chia sẻ.

Vươn lên nhờ vườn rau, chị Oai đã chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức với người thân, hàng xóm để mọi người cùng trồng đa dạng các loại rau củ trong khu vườn nhà mình. Từ một "vườn nhà" nhân lên thành nhiều "vườn nhà", không chỉ tăng chất lượng bữa ăn mà mô hình này cũng đã giúp cuộc sống của các hộ dân tại địa phương được cải thiện hơn trước.

Đa dạng hóa các loại cây trồng mang đến nguồn thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu

Đa dạng hóa các loại cây trồng mang đến nguồn thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu

Xã Hố Mít là một xã vùng cao, vùng khó khăn của huyện Tân Uyên cách trung tâm huyện Tân Uyên, huyện Lai Châu 23 km về phía Bắc. Do tập quán sinh hoạt và hình thức sản xuất dựa vào nông nghiệp chủ yếu là cây lúa, ngô, sắn, cây chè, cây dược liệu thảo quả, chăn nuôi đại gia súc. Mô hình này là của Phồng, một cô gái dân tộc Mông làm dâu, sinh sống tại đây.

Những năm gần đây, Phồng cho biết, cô nhận thấy thời tiết đã thay đổi nhiều so với lúc cô mới về làm dâu ở Hố Mít. Ngay cả khi thời tiết thuận lợi thì sản lượng của gia đình cô trồng cấy được cũng chỉ đủ ăn. Mưa ít đi trong khi nắng nóng nhiều hơn khiến ngô và lúa - những cây lương thực chính - phát triển kém, làm nỗi lo thiếu đói của Phồng lớn thêm.

Dù đã làm mẹ sáu năm với ba con nhỏ, việc chuẩn bị bữa ăn gia đình với Phồng vẫn luôn là việc khó khăn, bởi theo lời Phồng chia sẻ thì nhiều khi không có gì để nấu. Cơm không thịt, quanh năm chỉ một hai loại rau ăn nhiều cũng chán.

Bữa cơm Phồng chuẩn bị cho ba con

Bữa cơm Phồng chuẩn bị cho ba con

Được tập huấn, hướng dẫn, Phồng đã biết khai thác vườn rau một cách khoa học hơn. Cô được dạy cách làm đất, gieo trồng ra sao, đi bán thế nào và cũng được hỗ trợ tiền mua giống. Từ bắp cải, cải mèo, Phồng đã có thể trồng thêm xà lách, cải chíp và cả những loại rau ăn quả như bí, su su, đỗ. Chất lượng bữa ăn đã được cải thiện hơn không chỉ với người lớn mà cả trẻ em. Các con của Phồng trước đây không thích rau ăn lá nhưng giờ rất thích ăn các loại củ quả. Cô dự định sẽ trồng thêm các loại rau củ có thể cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn cũng như tăng số lượng để có thể đi bán. Nếu bán được rau, Phồng sẽ mua có tiền mua mắm muối, hay thậm chí là thịt, cá để bữa ăn của con thêm đủ đầy.

Phồng chia sẻ: Cô biết rõ công việc trồng rau không chỉ đơn giản là làm đất, gieo hạt rồi cây sẽ mọc lên. Mà cần phải biết chọn loại cây theo mùa, bỏ nhiều thời gian, công sức chăm sóc nhưng bà mẹ ba con này vẫn quyết tâm làm bởi đó không chỉ là cách cải thiện bữa ăn hàng ngày mà còn là cơ hội để cuộc sống cải thiện hơn, nhất là khi thời tiết, khí hậu chuyển biến ngày một khó lường.

Vườn rau là cơ hội để Phồng cải thiện cuộc sống

Thúc đẩy sinh kế bền vững cho nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương

Hiện nay, Lai Châu cũng như nhiều địa phương khác tại Việt Nam, đang phải đối mặt với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, kéo theo những ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực và khiến cộng đồng bà con sinh sống ngày càng dễ bị tổn thương. Chỉ một biến cố tự nhiên nhỏ cũng có thể khiến nhóm dân tộc ít người sống ở những vùng khó khăn mất nhà, mất tài sản và nới rộng khoảng cách về mức sống.

Trong nhóm các nhóm này, phụ nữ lại có xu hướng chịu nhiều ảnh hưởng hơn do gánh nặng nghèo đói. Họ cũng gặp nhiều rảo cản trên cơ sở giới trong việc ra quyết định tại gia đình và cộng đồng cũng như sở hữu tài sản kinh tế hay tiếp cận thông tin...

"Đó là lý do dự án "Tăng cường an ninh lương thực và cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số (EFSEM)" được thực hiện tại Lai Châu, để thúc đẩy sinh kế bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Tham gia dự án, phụ nữ của cộng đồng sẽ đóng vai trò trung tâm khi cùng gia đình nâng cao kiến thức và kỹ năng, áp dụng sinh kế đa dạng, tăng năng suất để cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng có được thông tin khí hậu và tham gia vào các hoạt động lập kế hoạch về nhảm nhẹ rủi ro thiên tai cùng thích ứng biến đổi khí hậu. Khi có kiến thức và kỹ năng phù hợp, phụ nữ sẽ tự tin phát huy tiềm năng, đóng góp vào sản xuất, tạo thu nhập trong gia đình hay tham gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, cải thiện cuộc sống cho cả cộng đồng", đại diện tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam cho biết.

Thu Trang. Ảnh: CARE

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cai-thien-cuoc-song-cho-phu-nu-vung-cao-tu-nhung-viec-lam-binh-di-nhat-20230919081051915.htm