Cải thiện điều kiện sản xuất lạc nhờ hệ thống tưới
Các vùng đất được dự án 'Cải thiện nông nghiệp có tưới' lựa chọn để thử nghiệm các mô hình trồng lạc theo phương pháp sản xuất nông nghiệp thông minh trong vụ đông xuân 2019- 2020 trên địa bàn huyện Cam Lộ và Vĩnh Linh là những nơi có điều kiện sản xuất khó khăn như đồng đất cằn cỗi, không chủ động nước. Nhưng đây cũng là những nơi người dân có kinh nghiệm thâm canh lạc lâu năm để sự đầu tư của dự án thêm phần chắc chắn. Kết quả, các mô hình sản xuất lạc có sự đầu tư của hợp phần 3 của dự án là 'Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu' (CSA) đều cho năng suất tốt.
Còn khoảng 10 ngày nữa cánh đồng lạc 10,67 ha của HTX Nông nghiệp Thanh Sơn, xã Thanh An, huyện Cam Lộ được hợp phần 3 đầu tư mới đến ngày thu hoạch. Những ngày cuối vụ, HTX Nông nghiệp Thanh Sơn tiến hành kiểm tra đồng ruộng để đánh giá năng suất lạc. Ông Nguyễn Thanh Oai, thôn Phú Ngạn, xã Thanh An tham gia sản xuất 3 sào trong vùng dự án rất bất ngờ khi nhổ thử lạc của ruộng mình. Một khóm lạc có đến gần 20 củ lạc chắc là điều hiếm thấy đối với ông vì trước đây gia đình ông trồng lạc trên ruộng này chỉ được khoảng 10 củ chắc trên một khóm lạc. Ông Oai cho biết: “Đất ở đây cằn lắm, lại nằm ở cuối nguồn nước thủy lợi nên không chủ động tưới. Mấy năm trước, nước lấy từ Trạm bơm Cam Lộ chỉ đủ sản xuất lúa nên các loại cây màu và cây lạc gần như không được tưới. Năng suất lạc trước đây chỉ đạt 15 tạ/ha. Từ khi có Hợp phần 3 của dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới đầu tư hệ thống tưới thông minh thì người trồng lạc ở vùng này rất phấn khởi vì năng suất lạc đã tăng lên gấp 2 lần, đạt 29- 30 tạ/ha”.
HTX Nông nghiệp Thanh Sơn có 47 hộ tham gia trồng lạc theo mô hình của dự án. Qua 3 vụ triển khai, mô hình lạc được dự án đầu tư đã khẳng định hiệu quả vượt bậc khi tiến hành sản xuất có hệ thống tưới khá bài bản. Vì vậy, sau khi vụ kết thúc cũng là lúc hết thời hạn triển khai dự án nhưng tính tự nhân rộng của mô hình khá cao. Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Sơn Nguyễn Thanh Tý cho biết: “Việc đầu tư hệ thống tưới đã đưa lại thuận lợi trong sản xuất lạc và đã đạt năng suất cao. Nông dân tham gia dự án rất phấn khởi. Sau vụ này, dự án kết thúc, nhưng HTX sẽ triển khai nhân rộng toàn bộ diện tích 20 ha lạc của xã viên vì họ đã thấy rõ hiệu quả và mong muốn thực hiện”.
Những vùng đất không chủ động tưới, người dân chủ yếu sản xuất các loại cây trồng cạn theo kiểu “nhờ trời” nên kết quả bấp bênh. Có sự đầu tư của Hợp phần CSA trên cây lạc đã cải thiện đáng kể điều kiện sản xuất. Vụ đông xuân năm nay, Hợp phần CSA đầu tư mô hình trồng cây lạc có tưới cho 2 HTX trên toàn tỉnh là HTX Thanh Sơn (Cam Lộ) và Nam Sơn (Vĩnh Linh) với diện tích 21,65 ha. Mỗi hộ nông dân tham gia hợp phần đều được hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tận ruộng, đạm hạt vàng, thuốc vi sinh xử lý cỏ dại trên ruộng, giống lạc, máy gieo lạc, được cán bộ kỹ thuật về tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất tiến bộ...
Hệ thống tưới được đầu tư gồm trạm bơm, đường ống nước chính, ống dẫn nước ra ruộng, van, đầu phun tưới. Suốt cả vụ lạc chỉ tiến hành tưới 2- 3 lần và mỗi lần tưới 1-2 giờ, nhưng đã mang lại kết quả cao hơn hẵn so với trước. Lạc được tưới đúng vào những lúc cây thiếu nước và đúng vào thời kỳ sinh trưởng quan trọng của cây nên kích thích lạc phát triển tốt và đảm bảo cây ra hoa nhiều, đậu quả tốt, tỉ lệ củ lép ít. Việc tưới cũng thực hiện tưới phun, đều với lượng nước lúc tưới vừa phải, không tưới nước chảy tràn lan, giúp cho cây hấp thu trọn vẹn lượng nước cung cấp, hạn chế bốc hơi nên tiết kiệm được nước. Kết thúc vụ sản xuất, nông dân thu ống về bảo quản tại nhà để sản xuất vụ sau. Ống dẫn nước được bảo quản tốt nên tưới được nhiều vụ, giảm chi phí đầu tư.
Giống lạc dự án đầu tư cũng là loại có chất lượng tốt, giống L14 là giống tiến bộ kỹ thuật lại được gieo bằng máy vừa tiết kiệm công lao động, vừa tạo ra khoảng cách đồng đều và hợp lý giữa các cây lạc, giúp không lãng phí đất và làm cho cây hấp thu tốt ánh sáng, dinh dưỡng.
Trước khi xuống vụ, ruộng trồng lạc được xử lý cỏ dại bằng chất vi sinh để tạo độ mùn cho đất. Đồng thời, lạc được bón lót phân hữu cơ vi sinh, đạm hạt vàng, vôi, kali tạo ra môi trường sống trong đất khá tốt cho lạc. Nhờ đó, lạc phát triển tốt, cho năng suất cao gần 30 tạ/ha. Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm Khuyến nông Cam Lộ Dương Hồng Phong cho biết: “Nhiều diện tích lạc trước đây khó khăn về nước tưới, nay được tham gia dự án có đầu tư hệ thống tưới nước và các kỹ thuật thâm canh mới nên cho hiệu quả sản xuất cao hơn nhiều so với trước. Những mô hình nông nghiệp có tưới này nhân rộng cũng không khó vì mức đầu tư không nhiều và nông dân cũng tích cực tham gia”.
Hiện nay, trên thị trường lạc nguyên vỏ giá 18 ngàn đồng/kg, mỗi sào thu được khoảng 2,7 triệu đồng. Sản xuất lạc theo mô hình có tưới chi phí cao hơn sản xuất bình thường nhưng nhờ năng suất cao nên hiệu quả kinh tế cũng cao hơn, lãi được khoảng 1,7 triệu đồng/sào.
Đối với vùng khó khăn về thủy lợi, việc đầu tư hệ thống tưới phun là cách làm hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Sự đầu tư của Hợp phần CSA trong những năm qua đối với sản xuất cây lạc đã khẳng định tính hiệu quả và giúp người dân yên tâm để đầu tư sản xuất trên vùng đất thiếu nước bằng phương pháp đầu tư này. Đây cũng làm mục đích lâu dài mà Hợp phần CSA đạt được sau khi dự án kết thúc để vùng đất khô cằn này cứ mỗi vụ mùa đến lạc vẫn nở hoa và cho sai củ với chất lượng tốt.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=147855