Cải thiện dinh dưỡng, nâng chất lượng bữa ăn bán trú

Đến nay, toàn tỉnh có gần 300 bếp ăn trường học, chủ yếu phục vụ học sinh mầm non, tiểu học, trường có học sinh nội trú và sinh viên các trường cao đẳng, đại học.

Xác định bữa ăn không chỉ cung cấp dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, chế biến phù hợp với sở thích của trẻ, mà còn định hình thói quen ăn uống khoa học lành mạnh, hướng tới sự phát triển toàn diện về thể chất cho các em; bởi vậy, khi tổ chức cho học sinh ăn bán trú, các cơ sở giáo dục đã triển khai đầy đủ các nội dung, tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chất lượng và khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ trong bữa ăn được các trường kiểm tra, giám sát kỹ.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Tân Mỹ (TP Bắc Giang).

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Tân Mỹ (TP Bắc Giang).

Trường Tiểu học Tân Mỹ (TP Bắc Giang) có gần 1,8 nghìn học sinh, trong đó có khoảng 60% em ăn bán trú. Khu bếp ăn của trường khang trang, sạch sẽ. Hệ thống thiết bị nhà bếp được trang bị đồng bộ và đầy đủ theo nguyên tắc một chiều. Chén, bát, thìa, đũa được phân loại và sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Hằng ngày, khâu tiếp nhận thực phẩm đều có sự giám sát của Ban Giám hiệu, nhân viên y tế, cấp dưỡng và đại diện đơn vị giao hàng để kiểm tra chất lượng thực phẩm trước khi chế biến.

Cô giáo Lê Thị Sáng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ban Giám hiệu lựa chọn những cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm. Hằng ngày, Ban Giám hiệu yêu cầu nhân viên y tế học đường theo dõi, giám sát chặt chẽ tất cả các khâu từ tiếp nhận thực phẩm đến sơ chế, chế biến, chia suất ăn cho các em. Mọi món ăn đều được lưu mẫu”.

Do tổ chức bữa ăn cho nhiều trẻ em, mọi quy trình chế biến, phân phối thức ăn càng nghiêm ngặt hơn. Các cô nuôi phải rửa tay, sát khuẩn trước khi vào bếp, đeo khẩu trang, găng tay suốt quá trình làm việc. Đặc biệt, khâu lựa chọn thực phẩm rất quan trọng đối với bữa ăn của trẻ. Trường Mầm non Hương Lạc (Lạng Giang) có gần 500 học sinh ăn bán trú. Nhà trường ký hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp thực phẩm bảo đảm các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng. Nhà bếp lên thực đơn bữa ăn mỗi tuần theo hướng đổi món, giúp trẻ ngon miệng.

Chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng chăm sóc và dinh dưỡng bữa ăn bán trú, giáo viên thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh về chế độ ăn, ngủ, nghỉ của học sinh trên nhóm zalo của lớp để phụ huynh nắm bắt, theo dõi. Cùng đó, nhiều trường xây dựng vườn rau sạch không chỉ đáp ứng rau xanh an toàn cho bữa ăn mà còn giúp các em trải nghiệm, gần gũi với thiên nhiên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Sở yêu cầu 100% nhà trường có bếp ăn tập thể thực hiện cam kết bảo đảm an toàn với cơ quan y tế. Đồng thời, các trường thực hiện nghiêm việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm trong quá trình bảo quản, chế biến phục vụ giáo viên và học sinh. Trong đó chú trọng dinh dưỡng hợp lý, khoa học, bảo đảm phát triển thể lực cho các em, giúp phụ huynh yên tâm khi cho con đến trường. Sở sẽ phối hợp với ngành Y tế, UBND các huyện, TP kiểm tra đột xuất bếp ăn trường học”.

Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/suc-khoe/suc-khoe-hoc-duong/413237/cai-thien-dinh-duong-nang-chat-luong-bua-an-ban-tru.html