Cải thiện đời sống vùng khó khăn ở Lâm Bình

Từ nguồn vốn Chương trình 135, huyện Lâm Bình đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tạo điều kiện giúp bà con dân tộc thiểu số nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Năm 2018, thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang được hỗ trợ hơn 500 triệu đồng làm đường bê tông thôn dài 500 m. Ngay khi nhận được sự hỗ trợ, nhân dân trong thôn tự nguyện tham gia dọn cỏ hai bên đường phục vụ công tác làm đường. Trưởng thôn Ma Văn Lê phấn khởi nói, đoạn đường được bê tông hóa giúp bà con trong thôn thuận tiện đi lại. Mỗi vụ thu hoạch, khai thác gỗ rừng sản xuất người dân không còn lo đường khó đi, trơn trượt như trước kia nữa. Hoạt động buôn bán trong thôn cũng dễ dàng hơn và thương lái có thể đến từng nhà thu mua sản phẩm nông nghiệp.

Đập tràn thủy lợi thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển sản xuất nông nghiệp.

Ông Phù Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang cho biết, trong 2 năm 2018 -2019, ngoài công trình đường giao thông thôn Nà Nghè, xã còn được đầu tư làm đập thủy lợi thôn Pooi, đập thủy lợi thôn Bản Luông và nâng cấp đường thôn Thượng Minh. Các công trình sau khi đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã. Có đập thủy lợi người dân yên tâm sản xuất lúa 2 vụ, đường giao thông đi lại thuận tiện đã thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp tại địa phương.

Từ nguồn vốn Chương trình 135, huyện Lâm Bình đã đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng 71 công trình gồm nhà văn hóa, đập thủy lợi, đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương… Các công trình được đầu tư xây dựng góp phầp hoàn thiện hệ thống hạ tầng vùng nông thôn, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Không chỉ các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát huy hiệu quả, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cũng đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Bà Ma Thị Sân, thôn Tân Hoa, xã Bình An chia sẻ, trước đây, gia đình bà rất khó khăn, phải đi mượn trâu để cày, bừa. Năm 2017, gia đình bà được Nhà nước hỗ trợ 6 triệu đồng, cộng thêm tiền tiết kiệm của gia đình bà đã mua được một con trâu cái. Từ khi mua được trâu, việc canh tác của gia đình rất chủ động. 3 năm qua, trâu đã 2 lần sinh sản, gia đình bà có tiềm lực hơn khi trâu nghé đến tuổi xuất chuồng.

Ông Ma Công Khâm, Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết, để phát huy hiệu quả nguồn vốn 135, bên cạnh việc lồng ghép với nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Bình An đã tổ chức lấy ý kiến người dân trong việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Xã tập trung hỗ trợ người dân phát triển kinh tế thông qua hỗ trợ cây, con giống, máy móc vật tư nông nghiệp. Đặc biệt, mô hình nuôi trâu sinh sản đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2015 là 78,6%, nay giảm còn 63,3%.

Theo Phòng Dân tộc huyện Lâm Bình, từ năm 2016 đến nay, huyện Lâm Bình được hỗ trợ hơn 53 tỷ đồng từ nguồn vốn 135 để đầu tư xây dựng mới, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình xây dựng và hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nguồn vốn đã góp phần thay đổi đời sống, diện mạo nông thôn vùng khó khăn. Phát huy hiệu quả đạt được, thời gian tới huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể, phát huy dân chủ trong triển khai các công trình, dự án từ nguồn vốn này, bảo đảm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.

Bài, ảnh: Hải Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/cai-thien-doi-song-vung-kho-khan-o-lam-binh-132431.html