Cải thiện giấc ngủ cho người cao tuổi
Hỏi: Tôi năm nay 65 tuổi, thường khó ngủ về đêm. Xin hỏi bác sĩ đây có phải là dấu hiệu cánh báo một số loại bệnh hay không? Và tôi cần làm gì để có giấc ngủ sâu? Nguyễn Văn Hậu (đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội)
Đáp: Người cao tuổi dễ bị mất ngủ do tuổi tác, sức khỏe, bệnh mạn tính hoặc thói quen sinh hoạt hằng ngày. Có nhiều loại bệnh làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người cao tuổi, thường gặp nhất là đau nhức xương, khớp (thoái hóa khớp, bệnh gout...). Các loại bệnh về tim mạch cũng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người cao tuổi, hay gặp nhất là bệnh tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim làm cho người cao tuổi hay bị đau tức ngực, khó chịu; sự lo lắng cũng gây ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ.
Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi cũng liên quan đến các bệnh về đường hô hấp, nhất là bệnh giãn phế quản, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... gây ho nhiều. Càng ho nhiều, người cao tuổi càng khó ngủ. Các bệnh đường hô hấp thường xuất hiện nặng về ban đêm, nhất là lúc có áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc, ẩm ướt...
Để có giấc ngủ ngon, người cao tuổi nên tránh những loại nước uống có chất cafein. Nên tránh xa khói thuốc lá (không hút thuốc lá, đồng thời vận động những thành viên trong gia đình và hàng xóm bỏ thuốc lá). Đặc biệt, người cao tuổi không nên uống rượu, bia để tránh làm tổn hại tế bào gan.
Người cao tuổi nên thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng, đi bộ, xoa bóp...; phòng ngủ phải ở nơi yên tĩnh, thoáng mát về mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Một lưu ý nữa là chỉ lên giường khi thấy buồn ngủ.
Nếu mất ngủ thường xuyên, người cao tuổi nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn. Việc tự ý dùng thuốc ngủ, không theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
Bác sĩ Đỗ Mai Huyền
(Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương)