Cải thiện giao thông Tp. Hồ Chí Minh - Bài cuối: Tăng hiệu quả đầu tư
Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở điểm giao nối giữa miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ, Tp. Hồ Chí Minh trở thành cửa ngõ giao thương và cũng là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước.
Kết quả huy động nguồn lực đầu tư các dự án thuộc Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 – 2020 không đạt như mong muốn; quá trình triển khai bị chậm tiến độ do vướng công tác giải phóng mặt bằng. Điều này ảnh hưởng đến kết quả đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Hiện thành phố đang triển khai Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 – 2030 và tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng để nâng cao hiệu quả đầu tư.
Đầu tư có trọng điểm
Tp. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn, có vị trí và vai tró rất quan trọng, là đầu tàu, đô thị hạt nhân Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở điểm giao nối giữa miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ, Tp. Hồ Chí Minh trở thành cửa ngõ giao thương và cũng là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tp. Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) cho biết, sẽ có các nhóm dự án dự kiến phải thực hiện, là nhóm dự án nằm trong điểm nóng ùn tắc giao thông là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái.
Các dự án phục vụ khu đô thị sáng tạo phía Đông kết nối giao thông cho khu vực Thành phố Thủ Đức tương lai; dự án tuyến đường Vành đai 2, mở rộng các cửa ngõ nối kết liên vùng; tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Mộc Bài.
Cùng với đó những dự án hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội đô, đặc biệt tăng cường trục theo hướng Bắc – Nam, bao gồm đường Nguyễn Hữu Thọ, Lê Văn Lương, cầu Nguyễn Khoái, cầu Phú Định…
Trong nhiệm kỳ vừa qua, nguồn vốn đầu tư cho các công trình chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông chỉ đáp ứng khoảng 27% so với nhu vốn ngân sách nhà nước dự kiến và khoảng 13% nhu cầu tổng số vốn của các dự án PPP.
Vốn ít, Thành phố sẽ xây dựng các tiêu chí cụ thể trên cơ sở quy hoạch, mô phỏng dự án tình hình giao thông để xác định mức độ ưu tiên, kế hoạch đầu tư dự án đối với việc đề xuất các công trình giao thông sử dụng vốn đầu tư công.
Hiện Thành phố đang xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ ưu tiên để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư nhằm lựa chọn những dự án trọng điểm, cấp bách phù hợp với định hướng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong gia đoạn 2020 – 2030.
Giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, một trong những “nút thắt” kẹt xe lớn ở cửa ngõ phía Nam Tp. Hồ Chí Minh nhiều năm qua. Đây là khu vực thường xuyên ùn tắc và tiềm ẩn tai nạn giao thông, do trục đường Nguyễn Văn Linh có lưu lượng lớn xe tải hạng nặng, container từ Quốc lộ 1 đi về khu chế xuất Tân Thuận; lưu thông về phía cầu Phú Mỹ đi về cảng Cát Lái...
Trong năm 2020, Ban Giao thông thành phố đã triển khai dự án tại nút giao này, nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn”, bởi đường Nguyễn Hữu Thọ là một trong hai tuyến đường huyết mạch nối các địa phương Nhà Bè, Quận 7, Bình Chánh với khu vực trung tâm của Tp. Hồ Chí Minh.
Dự án xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đã được triển khai, tổng mức đầu tư hơn 830 tỷ đồng. Thi công xong hạng mục hầm chui, các đơn vị sẽ tiếp tục triển khai xây dựng cầu vượt Nguyễn Hữu Thọ.
Sau khi hoàn thiện, khu vực này sẽ tạo nên nút giao thông ba tầng, gồm hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh, tầng trên mặt đất và cầu vượt trên đường Nguyễn Hữu Thọ.
Đó là một trong những trọng tâm đầu tư được thành phố ưu tiên. Để phát triển hạ tầng giao thông có hiệu quả, Tp. Hồ Chí Minh sẽ tập trung nguồn lực, ưu tiên nguồn vốn để thực hiện các dự án trọng điểm, mang tính đột phá như các tuyến vành đai, các trục giao thông cửa ngõ thành phố, các tuyến cao tốc kết nối vùng thành phố.
Ngoài khu vực phía Đông đã và đang được đầu tư các công trình giao thông, hiện Tp. Hồ Chí Minh cũng tập trung đầu tư các khu vực cửa ngõ Tây Bắc, phía Nam…
Tại cửa ngõ phía Tây Bắc, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đề nghị các sở ngành, địa phương tham mưu nhanh, giải quyết sớm những vướng mắc để thúc đẩy triển khai cho bằng được dự án đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Mộc Bài và đường Vành đai 3, cũng như một số tuyến đường ở Quận 12 và huyện Hóc Môn, giúp khu vực phía Tây Bắc Tp. Hồ Chí Minh có một hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh kết nối các khu dân cư, các khu công nghiệp.
Khơi thông điểm nghẽn
Một trong những khó khăn hiện nay là chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng rất lớn (chiếm 50% tổng mức đầu tư) và mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục trước khi thu hồi và bàn giao mặt bằng để thi công (từ 14 – 18 tháng, thậm chí có dự án kéo dài từ 2 – 3 năm).
Hiện thành phố hướng tới triển khai hiệu quả cơ chế đặc thù đối với công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư nhằm thực các dự án trọng điểm trên địa bàn.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh, bất cứ dự án nào, cả đầu tư công và tư nhân.. đều gặp khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Quan trọng nhất vẫn là tạo sự đồng thuận với người dân, muốn thế chính sách phải tốt, vừa phù hợp quy định pháp luật, vừa phù hợp với thực tế thị trường, qua đó người dân chấp nhận và hi sinh một phần và ủng hộ một phần cho thành phố.
Vừa qua, Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 9/3/2020 của Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện, bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.
Thành phố sẽ tập trung ban hành hệ số điều chỉnh giá T1 vào tháng 1 hàng năm và hoàn chỉnh quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy nhanh công tác bồi thường.
Dẫn chứng về công tác giải phóng mặt bằng hiệu quả, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, công tác đền bù, giao đất thực hiện dự án Metro số 2 ban đầu gặp nhiều khó khăn, bởi nếu cuối năm 2020 không bàn giao cơ bản, đối tác nước ngoài rút vốn cho vay.
Một năm trước triển khai mãi không quá 50%, nhưng khi Thành phố quyết tâm thực hiện, cùng với kiến nghị Thủ tướng cho phép thực hiện quy trình đặc thù thì đến nay, hơn 90% người dân cam kết giao đất để làm metro số 2, đây là điều vô cùng quan trọng.
Thành phố sẽ rà soát, ban hành cơ chế chính sách, các thủ tục về đất đai liên quan đến công tác bối thường và giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tiếp tục nghiên cứu các quy định liên quan theo Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 9/3/2020 của Chính phủ, nhằm đẩy nhanh công tác bồi thường, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án.
Cùng với đó, Thành phố xây dựng quy chế làm việc để huy động hệ thống chính trị chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, gắn với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và chính quyền. Một trong những địa phương làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại dự án nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký.
Tại xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, dự án có 86 hộ tại xã Tân Xuân bị ảnh hưởng. Chia sẻ về cách làm của địa phương, ông Lý Sâm, Chủ tịch UBND xã Tân Xuân cho biết, ban đầu triển khai nhiều hộ lo lắng, sợ ảnh hưởng đến nhà và đất, hoạt động mưu sinh hằng ngày. Tuy nhiên, qua phối hợp các ban ngành, vận động; trong đó, các cán bộ, đảng viên đi đầu thực hiện chấp hành trước.
Xã Tân Xuân hoàn thành 100% các hộ bàn giao mặt bằng sớm, có những hộ chưa nhận tiền bồi thường cũng đã bàn giao mặt bằng. cho đơn vị thi công.
Theo ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, địa phương đã thực hiện được công tác giải phóng mặt bằng để thi công hoàn thành dự án nút giao An Sương và đường Tô Ký.
Quan trọng là thuyết phục người dân về giá trị đem lại cho người dân khi dự án hoàn thành; giải quyết được vấn đề về giao thông, môi trường, thoát nước thì người dân thấy được lợi ích của cộng đồng và bản thân. Cùng với đó, phải thường xuyên đôn đốc, giải quyết kịp thời những vướng mắc liên quan chính sách đối với người dân.
Thành phố đã tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm, khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa bền vững, nguy cơ ùn tắc giao thông còn cao. Điều này đòi hỏi giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn 10 năm tới, Thành phố sẽ phải triển khai các giải pháp căn cơ, lâu dài để bảo đảm phát triển giao thông đô thị bền vững, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển./.