Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các nguồn lực đầu tư
Những năm gần đây, Phú Thọ luôn là 'điểm đến' hấp dẫn của các nhà đầu tư với nhiều dự án quy mô lớn. Bên cạnh tiềm năng, lợi thế về địa lý, chính trị, kinh tế, xã hội, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực... yếu tố quan trọng để tỉnh Phú Thọ thu hút đầu tư chính là sự tin cậy về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư thông thoáng theo hướng cởi mở, thân thiện và minh bạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Phú Thọ.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định khâu đột phá duy nhất về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút các nguồn lực, thúc đẩy phát triển KT-XH, phấn đấu xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du miền núi phía Bắc. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 13/10/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5246/KH-UBND ngày 11/11/2021 về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tám nhóm giải pháp, cụ thể hóa 33 nhiệm vụ thành các kế hoạch, chương trình, đề án... để triển khai trong giai đoạn đến năm 2025. Từ đây mở đường cho quá trình phát triển, dẫn dắt việc thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp giá trị lớn cho xuất nhập khẩu và tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN).
Trên cơ sở kế thừa những kết quả của năm 2021, năm 2022 toàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo hoàn thành 33 nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của nhiệm kỳ 2021-2025, trong đó đã cụ thể hóa, ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, đầu tư, cải cách hành chính, thu hút nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm, phát triển nguồn nhân lực... Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tổ chức hội thảo, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chỉ đạo rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030; phê duyệt 40 đồ án quy hoạch các khu đô thị, du lịch; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu, cụm công nghiệp; hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hai khu công nghiệp (KCN) Tam Nông, Hạ Hòa.
Trong năm, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển đạt mức cao, tiếp tục tăng nhanh cả về quy mô và số lượng dự án mới. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện gần 39.000 tỉ đồng, tăng 12,6% so cùng kỳ (vượt mục tiêu), trong đó vốn đầu tư từ NSNN đạt 7.420 tỉ đồng, tăng 5,6%; vốn đầu tư tư nhân đạt 24.130 tỉ đồng, tăng 14,6%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 7.212 tỉ đồng, tăng 13,6% so cùng kỳ. Năm 2022 thu hút 10 dự án FDI, vốn đăng ký 500 triệu USD; 65 dự án DDI, vốn đăng ký 17.000 tỉ đồng…
Kết cấu hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư nhanh, việc huy động vốn NSNN đạt mức cao, 6.310 tỉ đồng (tăng 58,5% so với kế hoạch), tập trung cao độ khởi công đồng loạt 19/19 dự án thuộc kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các địa phương điều chỉnh quy mô đường cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang (bốn làn xe); cầu Vĩnh Phú (nối tỉnh Phú Thọ với tỉnh Vĩnh Phúc, dự kiến hoàn thành trong năm 2023). Trong năm hoàn thành trên 150ha đất KCN, CCN; khởi công các dự án đô thị, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở Tam Nông, Việt Trì.
Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may, năng lượng tái tạo quy mô lớn, bổ sung năng lực tăng thêm, đóng góp tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Công tác cải cách hành chính được chú trọng, giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư, đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xác định giá đất cho người dân, doanh nghiệp. Kết quả xếp hạng bốn chỉ số: PAR Index, PCI, SIPAS, PAPI năm 2021 có nhiều tiến bộ: Chỉ số PCI xếp thứ 20/63 tỉnh, đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công PAPI xếp thứ 6/63, chỉ số cải cách hành chính PAR Index xếp thứ 9/63, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính SIPAS xếp thứ 13/63.
Trong năm, hoạt động xúc tiến đầu tư được triển khai tích cực. Tỉnh đã tiếp đón, làm việc với gần 30 lượt doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ KH-ĐT tổ chức các đoàn công tác của tỉnh tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại tại Hoa Kỳ, Canada và một số nước châu Âu.
Công tác phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại tăng cao. Trong năm đã có 874 doanh nghiệp thành lập mới, 308 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Kết quả phát triển doanh nghiệp đến hết năm 2022 đạt gần 95% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Bức tranh đa sắc màu cho thấy hướng đi và nhận thức đúng, tư duy mới, quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị trong xây dựng, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp quan trọng trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển KT-XH. Đặc biệt, tiếp tục kiến nghị với các cơ quan Trung ương giải quyết các vướng mắc về chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo tổ chức triển khai kịp thời Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bổ sung cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội, phát huy lợi thế so sánh, đầu tư đồng bộ hạ tầng khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính công, cơ chế một cửa, trong đó tập trung triển khai chính quyền điện tử và phát triển kinh tế số; tăng cường nắm bắt nhu cầu nhà đầu tư để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; hướng đến mục tiêu tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thân thiện, hấp dẫn nhà đầu tư.
Trịnh Thế Truyền
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư