Cải thiện mối quan hệ 'khó nói' trong gia đình

Mẹ chồng - nàng dâu là một mối quan hệ khá nhạy cảm từ xưa đến nay, cư xử như thế nào để hài hòa mối quan hệ này là đề tài luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Sống chung với mẹ chồng, một bộ phim về đề tài mẹ chồng - nàng dâu rất thu hút người xem.

Sống chung với mẹ chồng, một bộ phim về đề tài mẹ chồng - nàng dâu rất thu hút người xem.

Câu chuyện gia đình một diễn viên mấy hôm nay đang là đề tài nóng trên các group, diễn đàn dành cho gia đình. Xuất phát từ một bài báo cách đây nhiều năm bỗng nhiên được nhắc lại, trong đó có chi tiết khi mới cưới, vợ diễn viên này được yêu cầu mỗi ngày 5 giờ sáng dậy bóp chân cho mẹ chồng. Dường như đây không còn là câu chuyện của một gia đình nữa mà trở thành một vấn đề gia đình - xã hội để người người thể hiện quan điểm.

Không ít người cho rằng, con dâu phải dậy sáng sớm bóp chân cho mẹ chồng là chuyện “không thể chấp nhận được”. Nhiều người chỉ trích từ mẹ chồng đến cả người chồng vì không biết thương yêu vợ mình. Không chỉ vậy, còn có không ít ý kiến cho rằng hành xử như thế với con dâu là “ác nghiệt”. Câu chuyện cũng được “nâng tầm” khi vấn đề quyền bình đẳng của nữ giới được đưa ra.

Cạnh đó, người ta bắt đầu mổ xẻ quanh mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu xưa và nay. Ngày xưa, người phụ nữ không có vai trò, tiếng nói trong xã hội, trong gia đình lại có vai vế thấp, thế nên chuyện nàng dâu phải nhất nhất nghe lời, hầu hạ chồng hay cả nhà chồng là không có gì lạ. Nhưng ở xã hội hiện đại, người phụ nữ ngoài việc nhà còn công việc xã hội, sự nghiệp... Vai trò của người phụ nữ đã khác xưa, thế nên không nên có sự phục tùng vô điều kiện. Người phụ nữ trong nhà phải có vị thế bình đẳng và được chăm sóc, tôn trọng.

Thực ra, không hẳn không có những chuyện mẹ chồng khắc nghiệt, gia đình chồng ngược đãi nàng dâu, ngay cả ở xã hội hiện đại như ngày nay. Nhưng ngược lại, giờ đây nhiều nàng dâu, bị ảnh hưởng bởi quan niệm “bình quyền” quá mức, đã vạch cho những những ranh giới hết sức rạch ròi với “người nhà chồng”. Trên các diễn đàn hạnh phúc gia đình, có không ít những lời than vãn, nhiếc móng, bêu xấu gia đình chồng từ các thành viên. Trong những bài viết đây đó trên mạng xã hội, tồn tại rất nhiều lời khuyên phải “cách xa mẹ chồng càng xa càng tốt”, rằng phải luôn rõ ràng, rạch ròi, rằng đừng lấy hết tâm tình mà đãi. Trong những lời ấy, từ cả những người đang là mẹ của những chàng trai, nghĩa là những mẹ chồng tương lai.

Ở một chiều ngược lại, may mắn rằng còn không ít phụ nữ lại vẫn giữ quan điểm rằng, chuyện dậy sớm bóp chân cho mẹ chồng hoặc những hành động chăm sóc mẹ chồng tận tình, chu đáo, thậm chí là hy sinh cả sự thoải mái của bản thân là chuyện bình thường, không có gì quá đáng. Nếu thực sự xem mẹ chồng là người thân thiết, thì những hành động quan tâm, chăm sóc càng kéo mẹ chồng và nàng dâu lại gần nhau hơn, khiến gia đình hòa hợp êm ấm.

Chị Lê Thị Minh Hương, một giảng viên đại học tại TPHCM chia sẻ: “Ngày mới lấy chồng, mỗi ngày tôi dậy lúc sáng sớm để dọn dẹp nhà cửa rồi nấu ăn sáng cho cả nhà. Rồi mẹ chồng đau khớp nặng, tối nào trước khi đi ngủ cũng vào xoa bóp chân tay cho bà. Ban đầu cũng thấy mệt, nhưng lâu dần rồi quen. Lúc ngồi bóp chân cho bà, hai mẹ con thủ thỉ đủ chuyện trên đời, ngày càng gần gũi và thương nhau hơn. Tôi dạy con mình, ở nhà con thương yêu cha mẹ thế nào thì đến nhà chồng cũng dành tình cảm cho cha mẹ chồng như thế. Dù rằng xã hội phát triển, giải phóng phụ nữ, nhà có người giúp việc, có máy giặt, máy rửa chén… Nhưng một cái bóp đầu, bóp chân, hỏi han người già không máy móc nào thay thế được. Những hành động nhỏ ấy là sợi dây nối tình cảm giữa con và nhà chồng, là sự vun đắp một cuộc sống yêu thương cho con cái con sau này”.

Phải chăng, khi người ta đem tấm lòng ra đối đãi với nhau thay vì đề phòng và đối kháng, thì chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ sẽ hóa không, kể cả với mối quan hệ “khó nói” như mẹ chồng nàng dâu.

Trân Trân

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cai-thien-moi-quan-he-kho-noi-trong-gia-dinh-post416532.html