Cải thiện môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động

Với mục tiêu cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp..., công tác an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động luôn được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm triển khai.

Người lao động Công ty TNHH Hào Hưng Phú Yên được trang bị bảo hộ lao động khi làm việc. Ảnh: KIM CHI

Người lao động Công ty TNHH Hào Hưng Phú Yên được trang bị bảo hộ lao động khi làm việc. Ảnh: KIM CHI

Trong Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), các đơn vị, doanh nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, tặng quà, thăm hỏi người lao động (NLĐ). Bên cạnh đó, tại các cụm, KCN trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp cũng quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ như: cải tạo nhà xưởng, xây dựng hệ thống chống nóng, chống ồn, hút bụi, hệ thống chiếu sáng; thực hiện chế độ chính sách về ATVSLĐ.

Điều kiện làm việc được cải thiện

Theo đánh giá của Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, các chế độ, chính sách đối với NLĐ như: huấn luyện ATVSLĐ, trang bị phương tiện bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật, các chế độ không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… được các doanh nghiệp chi trả và thực hiện kịp thời theo quy định.

Các đơn vị thường xuyên trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, bồi dưỡng độc hại, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện, điều trị kịp thời bệnh nghề nghiệp. Điều kiện làm việc của NLĐ ngày càng được cải thiện. Nguy cơ mất an toàn lao động dần được loại bỏ, góp phần không nhỏ vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Còn theo báo cáo của 48 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tổng số người làm thêm trong năm 2023 là 4.833 người, với tổng số giờ làm thêm 140.765 giờ. Để đảm bảo sức khỏe NLĐ, các công ty, doanh nghiệp đã thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho 3.807 người với tổng số tiền hơn 2,7 tỉ đồng. Đồng thời tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 13.503 người. Số mẫu đo kiểm môi trường lao động đạt chuẩn 2.097 mẫu.

Chị Phạm Thị Nhi, NLĐ làm việc tại Công ty TNHH Hào Hưng Phú Yên (KCN Đông Bắc Sông Cầu) nói: Công ty luôn quan tâm đến sức khỏe, đời sống, an toàn của NLĐ. Công ty trang bị bảo hộ theo đúng quy định, chúng tôi được khám sức khỏe định kỳ hằng năm, tham gia tập huấn các quy trình về ATVSLĐ trước khi vào làm việc và củng cố, cập nhật kiến thức thông qua các buổi tập huấn định kỳ.

Còn chị Nguyễn Thị Như, NLĐ làm việc tại Công ty TNHH Trang trại bò sữa công nghệ cao Phú Yên (huyện Sơn Hòa) chia sẻ: Tôi làm việc ở công ty này hơn 1 năm và luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Mới đây, nhân Tháng Công nhân và Tháng Hành động về ATVSLĐ, được đại diện Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ tặng quà, tôi rất vui. Đây là món quà động viên tinh thần để tôi tiếp tục làm tốt công việc của mình.

Tăng cường thanh kiểm tra, khắc phục tồn tại

Hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng đặt ra các yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc đảm bảo ATVSLĐ cho NLĐ.

Theo ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐTB&XH), trong những năm qua, công tác ATVSLĐ được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, ảnh hưởng tới sản xuất, phát triển KT-XH, gây tâm lý bất ổn cho NLĐ.

Người lao động tại một doanh nghiệp may ở huyện Phú Hòa được trang bị bao tay sắt khi làm việc với máy cắt. Ảnh: VIỆT AN

Người lao động tại một doanh nghiệp may ở huyện Phú Hòa được trang bị bao tay sắt khi làm việc với máy cắt. Ảnh: VIỆT AN

Bên cạnh đó, một số chủ sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, cũng như chưa thấy hết được tác hại và hậu quả nghiêm trọng nếu như NLĐ làm việc trong môi trường lao động mất an toàn, bị tai nạn lao động.

Một phần NLĐ ít được huấn luyện ATVSLĐ nên thiếu thông tin về pháp luật ATVSLĐ dẫn đến chưa nhận thức rõ quyền lợi vànghĩa vụ của mình trong công tác ATVSLĐ được pháp luật thừa nhận. Mặt khác, họ chưa biết cách tự bảo vệ mình, chưa mạnh dạn bày tỏ chính kiến, đặt ra các yêu cầu đối với người sử dụng lao động trong việc thực hiện pháp luật ATVSLĐ cho chính mình.

Để đảm bảo công tác ATVSLĐ cho NLĐ được thực hiện tốt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện gửi bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác ATVSLĐ.

Đặc biệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng LĐTB&XH tăng cường công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, bảo đảm thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về ATVSLĐ, nhất là tại các công trình, dự án trọng điểm, trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động và tại các doanh nghiệp quản lý, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, NLĐ đối với công tác ATVSLĐ; công khai các vi phạm lên phương tiện thông tin đại chúng và những gương điển hình tiên tiến, các kinh nghiệm hay, bài học quý về đảm bảo ATVSLĐ trên toàn quốc.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý rà soát kỹ các quy định, quy chuẩn, quy trình về ATVSLĐ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho NLĐ.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ATVSLĐ, đặc biệt đối với các công trình, dự án trọng điểm, các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác ATVSLĐ, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH của địa phương, bảo đảm an ninh con người.

Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, các đơn vị, doanh nghiệp tập trung chăm lo cải thiện điều kiện làm việc; phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe NLĐ; đảm bảo an toàn tính mạng cho NLĐ, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

Đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 31-CT/TW, ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư; tăng cường nhận thức về tầm quan trọng và triển khai hiệu quả việc bảo đảm ATVSLĐ cho NLĐ và người sử dụng lao động.

Tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, chủ động ngăn ngừa tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, nhất là đối với lao động nữ. Khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức, cá nhân tham gia và đóng góp nguồn lực và triển khai các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe NLĐ; bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cá nhân và gia đình NLĐ.

Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, các đơn vị, doanh nghiệp tập trung chăm lo cải thiện điều kiện làm việc; phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe NLĐ; đảm bảo an toàn tính mạng cho NLĐ, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Phan Đại Thắng

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/317919/cai-thien-moi-truong-dam-bao-an-toan-ve-sinh-lao-dong.html