Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững

Nhằm hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh khu vực Duyên hải miền Trung, ngày 23/8, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo khu vực duyên hải miền Trung: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho rằng, lựa chọn đúng sẽ tránh được suy thoái môi trường và phí tổn để khắc phục hậu quả môi trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho rằng, lựa chọn đúng sẽ tránh được suy thoái môi trường và phí tổn để khắc phục hậu quả môi trường.

Sự phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, đang đối mặt với những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Theo nhiều nghiên cứu quốc tế, Việt Nam hiện là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, trong khi ô nhiễm môi trường ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Khu vực Duyên hải miền Trung cũng đang gặp phải các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt và hạn hán... ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Dù đang phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường và biến đổi khí hậu, vùng Duyên hải miền Trung cũng đang đứng trước những cơ hội phát triển mới với định hướng của Đảng và Nhà nước. Điều này thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... Đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Các yêu cầu, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cũng như nhu cầu từ thực tiễn đều cho thấy việc cải thiện môi trườmg kinh doanh đồng thời với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng và tất yếu.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Võ Tân Thành phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Võ Tân Thành phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Võ Tân Thành cho biết: Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ là một yêu tố quan trọng để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng.

Theo ông Võ Tân Thành, một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, đổi mới và cạnh tranh lành mạnh. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn giúp các tỉnh, thành phố trong khu vực Duyên hải miền Trung nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực đầu tư từ cả trong và ngoài nước. Điều này đặc biệt quan trọng khi chúng ta đang hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững, đảm bảo sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Giám đốc Phòng giáo dục, Phát triển kinh tế và quản trị Nhà nước, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam Douglas Balko phát biểu tại Hội thảo.

Giám đốc Phòng giáo dục, Phát triển kinh tế và quản trị Nhà nước, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam Douglas Balko phát biểu tại Hội thảo.

Giám đốc Phòng giáo dục, Phát triển kinh tế và quản trị Nhà nước, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam Douglas Balko cho hay: Hội thảo lần này nằm trong khuôn khổ Dự án Sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) do USAID tài trợ, dưới sự thực hiện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đây là minh chứng cho tầm nhìn về một tương lai xanh hơn, bền vững hơn. PGI không chỉ là một công cụ đánh giá chuẩn mực mà còn là tác nhân mang đến sự thay đổi, thúc đẩy các cải cách có lợi cho tính bền vững của môi trường và khả năng phục hồi kinh tế.

Ông Douglas Balko chia sẻ, nằm ở vị trí chiến lược tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Bình Định đã tận dụng vị trí địa lý - kinh tế của mình để trở thành cửa ngõ quan trọng cho đầu tư, thương mại, du lịch và phát triển kinh tế xanh. Nền kinh tế đa dạng của tỉnh, với các trụ cột chính là công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và kinh tế biển, thể hiện cam kết của tỉnh hướng tới tăng trường cân bằng và bền vững.

Ông Douglas Balko kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để các tỉnh chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy kinh tế xanh. Bằng cách học hỏi từ các tỉnh để có thể phát triển các chiến lược sáng tạo nhằm tăng cường mối liên kết khu vực và thúc đẩy phát triển bền vững. Đồng thời có thể tạo ra một hệ sinh thái kinh doanh không chỉ phát triển mạnh về mặt kinh tế mà còn bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Tại tỉnh Bình Định hiện có 89 dự án FDI, tổng vốn đăng ký trên 1,2 tỷ USD. Lũy kế từ đầu năm đến nay, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 989 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 6.200 tỷ đồng. Thu hút được 30 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 4.100 tỷ đồng. Năm 2023, tổng số điểm PCI tỉnh Bình Định đạt được là 67,44 điểm, tăng 0,79 điểm so với năm 2022 (66,65 điểm), xếp thứ hạng 25/63 tỉnh, thành phố. Tỉnh Bình Định thuộc nhóm 30 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất trong năm 2023.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho biết: Năm 2024 là năm thứ 2 VCCI công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), đây là chỉ số nhằm đánh giá cảm nhận của các doanh nghiệp về chất lượng quản trị việc bảo vệ môi trường của các cấp chính quyền. Đối với chỉ số này, Bình Định đạt 23,37 điểm, tăng 8,19 điểm so với năm 2022 (14,18 điểm). “Mặc dù Bình Định luôn nằm trong nhóm được xếp hạng tốt và khá nhưng nhìn chung chỉ số PCI và PGI của Bình Định vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Điều này đòi hỏi chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện điểm số cũng như thứ bậc trong bảng xếp hạng PCI và PGI”, ông Lâm Hải Giang cho hay.

“Chúng ta đang ở thời điểm mang tính quyết định, lựa chọn đúng sẽ tránh được suy thoái môi trường và phí tổn để khắc phục hậu quả môi trường như nhiều quốc gia đã phải đối mặt. Với lợi thế đi sau, Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng hoàn toàn có thể phát triển theo hướng một nền kinh tế xanh, hướng tới sự phát triển bền vững, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường”, ông Lâm Hải Giang khẳng định.

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia phân tích về việc nâng cao chất lượng quản trị môi trường hướng tới phát triển bền vững: Môi trường kinh doanh khu vực Duyên hải miền Trung - những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường của khu vực; chuyển đổi xanh và những vấn đề đặt ra đối với chính quyền cấp tỉnh. Đại biểu các tỉnh, thành phố cũng đã thảo luận về thực tiễn trong thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện với môi trường và gợi ý cho khu vực Duyên hải miền Trung. Ngoài ra, Hội thảo cũng dành thời gian cho các nhà quản lý, doanh nghiệp có cơ hội trao đổi và thảo luận về các bước thực hành tốt trong quản trị môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực…

Thu Loan

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/cai-thien-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-huong-toi-nen-kinh-te-xanh-va-phat-trien-ben-vung-382216.html