Cải thiện môi trường kinh doanh: Có những cơ quan thực hiện một cách đối phó, hình thức

'Có cơ quan rất nỗ lực cải cách thực chất, nhưng cũng có những cơ quan thực hiện một cách đối phó, hình thức'.

Ngày 17-12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo công bố Báo cáo tình hình triển khai các Nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ từ góc nhìn của doanh nghiệp.

Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 đã đưa ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ cho các bộ ngành và địa phương để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Đáng quan tâm, Báo cáo cho thấy, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có những cải thiện theo thời gian, theo các chỉ số đánh giá của thế giới cũng như kết quả khảo sát cảm nhận của doanh nghiệp Việt Nam và nhận định của nhiều chuyên gia đều cho thấy chung kết quả này.

Tuy nhiên, đang có sự cải cách không đồng đều trong các lĩnh vực. Một số lĩnh vực liên tục có sự chuyển biến tích cực cả về xây dựng chính sách lẫn thực thi, nhưng một số lĩnh vực khác lại chưa có những cải thiện đáng kể trong nhiều năm qua.

Lễ công bố Báo cáo tình hình triển khai các Nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ từ góc nhìn của doanh nghiệp

Lễ công bố Báo cáo tình hình triển khai các Nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ từ góc nhìn của doanh nghiệp

“Nói cách khác, có cơ quan rất nỗ lực cải cách thực chất, nhưng cũng có những cơ quan thực hiện một cách đối phó, hình thức”, Báo cáo nêu.

Đánh giá về Việt Nam của Ngân hàng Thế giới trong loạt Báo cáo Mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh (Doing Bussiness) cũng cho thấy điều này. Cụ thể, trong 13 báo cáo Doing Business, từ 2009 đến 2020, Việt Nam có 33 cải cách được ghi nhận. Trong đó, hai năm có nhiều cải cách nhất là Doing Business 2016 và Doing Business 2018 với 5 cải cách mỗi năm.

Hai năm trở lại đây, số lượng cải cách được ghi nhận giảm xuống chỉ còn 3 cải cách năm của Doing Business 2019 và 2 cải cách trong Doing Business 2020. Lĩnh vực nộp thuế và tiếp cận tín dụng có nhiều biện pháp cải cách được ghi nhận nhất, 8 cải cách cho mỗi lĩnh vực.

Năm nay, Doing Business 2020 tiếp tục ghi nhận cải cách duy nhất của Việt Nam ở lĩnh vực nộp thuế và tiếp cận tín dụng. Riêng lĩnh vực đăng ký tài sản (đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất) của Việt Nam không có cải cách nào trong 13 năm qua, theo Doing Business.

Đánh giá của các DN về chi phí tuân thủ pháp luật

Đánh giá của các DN về chi phí tuân thủ pháp luật

Bên cạnh đó, các lĩnh vực về đăng ký thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn tiếp tục được các doanh nghiệp đánh giá cao. Các lĩnh vực này vẫn liên tục có những cải thiện trong những năm trở lại đây và được các doanh nghiệp ghi nhận.

Trong khi đó, các lĩnh vực về phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu vẫn chưa có những cải thiện đáng kể.

Mặt khác, khi so sánh tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá có cải thiện giữa các năm từ 2017 đến 2019 thì thấy kết quả được đánh giá cao hơn rõ rệt. Tất cả 11 lĩnh vực của Nghị quyết 19 đều có sự cải thiện trong con mắt các doanh nghiệp.

Điểm trung bình đã tăng từ mức 51,7% của năm 2017 và 2018 lên mức 57,5% của năm 2019. Đây là kết quả chứng tỏ nhiều biện pháp cải cách của các ngành và lĩnh vực trong các năm trước đó đã được doanh nghiệp ghi nhận.

Nếu xem xét ở phạm vi cấp tỉnh thì mức độ chuyển biến của các tỉnh thành phố Đồng bằng sông Cửu Long là cao nhất cả nước. Những tỉnh có kết quả được doanh nghiệp đánh giá cao nhất là Đồng Tháp, Tây Ninh, Bến Tre, Kiên Giang. Ở chiều ngược lại, các tỉnh thành phố được đánh giá ít chuyển biến là Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa.

Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị cho 13 nhóm chỉ số: về khởi sự kinh doanh; nộp thuế; giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan; quản lý đất đai và đăng ký bất động sản, cải cách tư pháp, giải quyết tranh chấp và phá sản; hạ tầng và tiếp cận điện năng…

Đáng quan tâm, các kết quả khảo sát cho thấy chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng giảm trong nhiều năm qua. Đây là kết quả phản ánh tích cực các nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, đặcbiệt là việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính.

Đánh giá của DN về chi phí tuân thủ TTHC

Đánh giá của DN về chi phí tuân thủ TTHC

Mặc dù có sự cải thiện theo thời gian như vậy, song vấn đề thủ tục giấy tờ phức tạp vẫn là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp gặp phải khi chỉ có 56,9% các doanh nghiệp có nhận định rằng thủ tục giấy tờ là đơn giản.

Việc phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính cũng là một vấn đề đáng quan ngại nữa đối với các doanh nghiệp khi chỉ có 57,5% doanh nghiệp cho biết họ không phải đi lại nhiều lần. Đặc biệt, đây lại là đánh giá bị giảm điểm so với năm 2016 khi có đến 63,3% doanh nghiệp có nhận định này. Nói cách khác, vấn đề bắt doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để giải quyết thủ tục hành chính lại đang có xu hướng thay đổi không tích cực.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sau những nỗ lực, từ 2014 đến 2018, Việt Nam đã tăng 30 bậc về năng lực cạnh tranh, nhưng vẫn đang ở mức trung bình của thế giới, năng lực cạnh tranh trong ASEAN chưa vào top 4.

Chủ tịch VCCI cũng nhận định, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh trong top 4 ASEAN vào năm 2020 là mục tiêu khó khăn.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-co-nhu-ng-co-quan-thu-c-hie-n-mo-t-cach-do-i-pho-hinh-thu-c-173872.html