Cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn nhằm gia tăng số lượng lao động có việc làm tại chỗ ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn nhằm gia tăng số lượng lao động có việc làm tại chỗ ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hệ thống giao thông khu vực cửa ngõ thành phố Nam Định được đầu tư hiện đại tăng năng lực kết nối các vùng kinh tế của tỉnh. Ảnh: Thành Trung

UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các huyện, thành phố đặc biệt quan tâm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó, tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 19-10-2018 của UBND tỉnh về thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 25-12-2018 của UBND tỉnh thực hiện cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp đến năm 2020. Nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực như: dịch vụ hải quan, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, đầu tư, các vấn đề pháp lý, tiếp cận thị trường cho hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan… Tỉnh đã nỗ lực huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung vào các công trình lớn, quan trọng. Đối với các khu công nghiệp, tỉnh chỉ đạo hoàn thiện quy hoạch theo hướng lâu dài, ổn định, phát huy lợi thế cạnh tranh của địa phương, hình thành những đô thị mới, đô thị vệ tinh phục vụ phát triển các khu công nghiệp; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ của các khu công nghiệp chưa được lấp đầy để sẵn sàng cho nhà đầu tư lựa chọn. Hiện Khu công nghiệp Bảo Minh trên địa bàn huyện Vụ Bản vẫn còn quỹ đất để mở rộng đầu tư hạ tầng và Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) cơ bản hoàn tất đầu tư hạ tầng giai đoạn I đã sẵn sàng đón các nhà đầu tư thứ cấp. Các ngành, các địa phương đã phối hợp quy hoạch, xây dựng các cụm, điểm công nghiệp thuận lợi về giao thông, điện… để thu hút doanh nghiệp về đầu tư tại địa bàn. Theo Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 4-4-2017 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; giai đoạn đến năm 2020, ngoài 20 cụm công nghiệp đang hoạt động sẽ xây dựng mới thêm 8 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 130ha, bổ sung 13 cụm công nghiệp, diện tích 234,2ha. Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn được phát triển mạnh kết nối đồng bộ các loại đường: quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện và đường nông thôn xã, thôn, xóm, thuận lợi cho các loại xe cơ giới lưu thông, đảm bảo việc vận chuyển nguyên liệu phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Xe tải, xe khách không chỉ vào đến trung tâm xã mà cả nhiều thôn, xóm; xe cơ giới ra tận ruộng... Về lưới điện, ngay khi tiếp nhận quản lý lưới điện hạ thế từ các xã, hợp tác xã, Công ty Điện lực Nam Định đã tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện khu vực nông thôn; lưới điện trung áp cũng được đầu tư đáp ứng nhu cầu tăng trưởng năng lượng cho sản xuất công nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, riêng tại khu vực nông thôn, Công ty Điện lực Nam Định đã đầu tư nâng cấp hơn 2.325 đường dây trung áp, trên 11.199 đường dây hạ thế và 2.710 trạm biến áp đảm bảo đạt tiêu chí số 4 về điện trong chương trình xây dựng nông thôn mới sớm nhất. Sự phát triển của giao thông và lưới điện đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các ngành nghề sản xuất phát triển, đặc biệt là sản xuất công nghiệp. Ngoài lực lượng doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, các làng nghề truyền thống, làng nghề mới cũng phát triển nhanh, giải quyết nhiều việc làm và thúc đẩy tiến độ hoàn thành các tiêu chí về cơ cấu lao động, thu nhập. Công tác đào tạo nghề, bồi dưỡng năng lực quản lý doanh nghiệp... được quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả thiết thực. Nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh, có giá trị gia tăng cao, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm vùng nông thôn trên thị trường trong và ngoài nước, thời gian qua Sở Công thương và các địa phương đã tổ chức tốt chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tập trung đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP).

Đặc biệt, điểm nhấn trong thu hút đầu tư về nông thôn trong 9 năm xây dựng nông thôn mới của tỉnh phải kể đến việc tỉnh đã chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản. Từ năm 2015 đến nay có 9 doanh nghiệp nông nghiệp được thành lập mới, liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ nông sản, tạo động lực mới cho phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng chục nghìn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Theo số liệu của Sở Công thương, trong giai đoạn 2010-2018, toàn tỉnh thành lập mới 1.015 doanh nghiệp nông thôn; có 109 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp, nâng tổng số lên 485 doanh nghiệp toàn tỉnh đầu tư vào cụm công nghiệp với số vốn đăng ký trên 3.155 tỷ đồng, đã thực hiện 2.879,09 tỷ đồng, thu hút 20.260 lao động. Tại khu vực ngoài cụm công nghiệp, từ năm 2010 đến nay, đã thu hút được 177 dự án của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 6.188,3 tỷ đồng và 156,58 triệu USD, giải quyết việc làm cho 65.600 lao động. Các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh ở nông thôn đã tăng nhanh thu nhập cho người dân địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 tăng hơn 3,5 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ xuống dưới 2%.

Để tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, tỉnh chỉ đạo liên tục cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh; quyết liệt cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện; triển khai áp dụng giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 và 4 nhằm tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân; thực hiện hiệu quả Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần phục vụ nhà đầu tư, không sách nhiễu, gây phiền hà làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ nhóm doanh nghiệp chủ lực của tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm thủy sản và chế tạo cơ khí thông qua việc tăng cường cung cấp thông tin, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng hóa, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường quốc tế. Ngành Công thương phối hợp với các địa phương tập trung thực hiện Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 28-6-2018 của UBND tỉnh về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để huy động mọi nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, nhất là các ngành, lĩnh vực công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, xây dựng lại cơ cấu thị trường, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu; chuyển dịch sản xuất hàng xuất khẩu theo hướng tăng sản phẩm chế biến và chế biến sâu, xuất khẩu trực tiếp. Từng bước phát triển thị trường xuất khẩu nông sản thực phẩm chế biến, nhất là thịt lợn, ngao thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Tập trung thực hiện Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 19-10-2018 của UBND tỉnh về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh với các chính sách, chương trình hỗ trợ về vốn, mặt bằng, đào tạo, tiếp cận thông tin, công nghệ, thị trường; ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm ưu tiên, đặc thù của tỉnh. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát, cơ cấu lại sản xuất nhằm phát huy tối đa thế mạnh tiềm năng của các địa phương; phối hợp thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư giúp người sản xuất tiếp cận công nghệ sản xuất an toàn, hiệu quả; nâng cao hiệu quả việc thẩm định cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm chất lượng, an toàn./.

Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5104/201909/cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-thu-hut-doanh-nghiep-dau-tu-ve-nong-thon-2532844/