Cải thiện nội địa hóa để tăng tốc trên 'cao tốc' EVFTA
Hiệp định EVFTA là cơ hội để Việt Nam công nghiệp hóa thành công, thúc đẩy kinh tế số và gia tăng vị thế trên trường quốc tế. Dù vậy, Việt Nam phải nỗ lực cải thiện nội địa hóa để tận dụng mọi ưu đãi từ Hiệp định lịch sử này.
EVFTA đượng kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. (Nguồn: VnEconomy)
Thương mại quốc tế đang trải qua nhiều biến động trong hai năm qua khi căng thẳng Mỹ-Trung leo thang với những nguy cơ về chiến tranh lạnh và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 chưa biết đến hồi kết.
Việc Liên minh châu Âu (EU) ký một Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam thực sự là một tham vọng. Song, FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA) vẫn rất thực tế và có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai bên.
Gia tăng vị thế
Nhìn chung, việc EU ký FTA với Việt Nam (6/2019), sau khi đã ký thành công một Hiệp định khác với Singapore thể hiện chiến lược hướng về phương Đông khi nước Anh rời khỏi EU. Bản thân EU cũng cần tìm những đối tác mới, thị trường mới và nguồn nguyên liệu mới sau chuỗi ngày bất ổn do Brexit và những biến động từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Việt Nam đang thể hiện là đối tác tiềm năng trong nhiều “cuộc chơi” tầm cỡ như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hoặc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) (đang trong quá trình xây dựng). Bên cạnh đó, EVFTA cũng là động lực để tái khởi động đàm phán EU-ASEAN đã tạm dừng từ 2009.
Đối với Việt Nam, thứ nhất, EVFTA chắc chắn góp phần giúp gia tăng vị thế trên trường quốc tế, đặc biệt trong thời điểm các doanh nghiệp đang tìm cho mình một điểm dừng chân sau nhiều bất ổn.
Thứ hai, EVFTA sẽ giúp nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và EU vốn đã rất hiệu quả (từ năm 2000 đến 2019, kim ngạch nâng từ mức 4,1 tỷ USD lên 56,45 tỷ USD). Trong đại dịch Covid-19, đã xuất hiện dấu hiệu suy giảm trong xuất khẩu của Việt Nam (kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2020 giảm 18,4% so với tháng 3/2020), tuy nhiên, EVFTA được kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam trở lại mức tăng trưởng xuất khẩu trước Covid-19.
Thúc đẩy kinh tế số
Tính đến đầu năm 2020, Việt Nam đã ký hơn 16 FTA,12 Hiệp định trong số đó đã có hiệu lực và 4 Hiệp định còn lại đang trong quá trình đàm phán. Giống như CPTPP, EVFTA là FTA thế hệ mới. Điều đó đồng nghĩa với việc bên cạnh yếu tố tiên quyết là thúc đẩy thương mại, các FTA này sẽ tập trung thúc đẩy ba trụ cột chính:
Thứ nhất, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ, đầu tư dựa trên những điều khoản mới; Thứ hai, giải quyết các vấn đề về môi trường, điều kiện lao động sản xuất; Thứ ba, khuyến khích tăng trưởng bao trùm - một trong những mục tiêu của Liên hợp quốc về phát triển bền vững cho đến năm 2020. Vì vậy, chuyển đổi số, tăng cường thương mại số luôn nằm trong chiến lược của việc ký kết các FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP.
Tuy nhiên, nếu so sánh với CPTPP, EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam xây dựng kinh tế số hơn. Bởi lẽ, về mặt đối tác thương mại, EVFTA chỉ xoay quay hai chủ thể chính là Việt Nam và EU, dẫn đầu là Đức - quốc gia khởi xướng cách mạnh công nghiệp (CMCN) 4.0 trên toàn thế giới và quyết định phần lớn giá trị, tỷ trọng xuất nhập khẩu hàng hóa công nghệ cao trong EU. Trong khi, tại CPTPP, quốc gia dẫn đầu là Nhật Bản, sau sự rời đi của Mỹ, các nước còn lại như Australia, New Zealand, Mexico, Singapore… cũng có nhiều thành tựu về công nghệ song chưa phải những “tay chơi lớn” về kinh tế số.
Bên cạnh đó, nếu quan sát lịch sử thương mại của Việt Nam với các nước trong EVFTA và CPTPP, thì EU có truyền thống xuất nhập khẩu các mặt hàng công nghệ thông tin hoặc hỗ trợ công nghệ thông tin với Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch thương mại của Việt Nam và EU phần lớn dành cho máy móc thiết bị, linh kiện, phụ kiện với tỷ trọng cao. Còn xuất khẩu của Việt Nam trong nhóm CPTPP chủ yếu là giày dép, dệt may, nhập khẩu phần lớn các sản phẩm công nghệ từ Nhật Bản.
Tác giả Ths. Hà Linh hiện đang là Cán bộ dự án và nghiên cứu kinh tế của Viện Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam. Ths. Hà Linh từng có thời gian nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và một số công trình nghiên cứu kinh tế độc lập.
Mặc dù cùng với mục đích đưa Việt Nam ra nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, song CPTPP tập trung tận dụng Việt Nam ở nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ, nguồn nguyên liệu tiềm năng, trong khi với EVFTA, Việt Nam có khả năng tìm kiếm nhiều hơn những cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất những sản phẩm công nghệ cao, chuyển giao công nghệ từ Đức, Hà Lan, Pháp… qua các dự án FDI và thương mại quốc tế.
Tự cải thiện, tăng tốc nội địa hóa
Có thể khẳng định rằng, việc EVFTA đưa Việt Nam gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng là một trong những mục tiêu chung mà cả EU và Việt Nam cùng hướng tới. EU có kinh nghiệm nhiều năm trong sản xuất công nghiệp và đi tiên phong trong CMCN 4.0, ngược lại, Việt Nam là nước gia công, lắp ráp, sản xuất linh kiện phụ kiện cho nhiều công ty của châu Âu như Bosch Powertrain Solution tại Đồng Nai, Thaco Parts và Universal Alloy Corporation, vậy nên, EVFTA là “chất xúc tác” vô cùng hợp lý để Việt Nam tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp. Đây thực sự là cơ hội để Việt Nam công nghiệp hóa thành công, từng bước học tập và gia nhập sâu vào quy trình sản xuất.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là Việt Nam cần chủ động về nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong sản xuất để đảm bảo mình được nhận ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Thông thường, các FTA thế hệ mới ràng buộc tỷ lệ nội địa hóa cao nhằm tránh việc các quốc gia như Việt Nam thành sân sau của Trung Quốc để tiếp cận ưu đãi thuế quan. Do vậy, nếu muốn “mượn” EVFTA làm cơ sở xuất khẩu hàng hóa có giá rẻ hơn, Việt Nam cần chú ý đến tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm.
Lấy một ví dụ đơn giản, Việt Nam tự hào mình có lợi thế trong lĩnh vực may mặc, nhóm hàng xuất khẩu với kim ngạch cao sang châu Âu. Song nếu đi sâu hơn vào ngành này, liệu Việt Nam có thể nhận được ưu đãi thuế quan hay không khi tỷ lệ nội địa hóa mới chỉ đạt được cao nhất là 45%, còn lại là nhập khẩu phần lớn là từ Trung Quốc?
Việt Nam không có điều kiện thuận lợi để trồng bông, quá trình nhuộm thì quá ô nhiễm, những sản phẩm như kim, chỉ… sản xuất ra đều đắt hơn nhập từ Trung Quốc. Vậy, cho dù có ưu đã thuế quan thì giá sản phẩm dệt may xuất khẩu sang thị trường EU cũng chưa chắc đã cạnh tranh hơn trước khi có EVFTA.
Tương tự, theo số liệu từ Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành điện tử, tin học viễn thông chỉ đạt 15%, các ngành công nghệ cao đạt 5%, đây là mức rất thấp và có thể chưa đủ tạo lợi thế cho sản phẩm Việt Nam trong lĩnh vực này.
Như vậy, để tận dụng triệt để những ưu đãi từ EVFTA, Việt Nam phải đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa nhất định. Đây chính là một rào cản lớn mà Việt Nam cần vượt qua và muốn vượt qua rào cản này, không cách nào khác ngoài việc tự cải thiện chính mình.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cai-thien-noi-dia-hoa-de-tang-toc-tren-cao-toc-evfta-116567.html