Cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI

Năm 2021, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của Vĩnh Phúc đạt 42,81/80 điểm, xếp vào Nhóm có điểm số trung bình cao và xếp thứ 23/60 tỉnh, thành phố. Kết quả này thấp hơn năm 2020 (xếp vị trí thứ 17). Để cải thiện và nâng cao thứ hạng chỉ số PAPI của tỉnh trong năm 2022, phấn đấu thuộc tốp 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương trong tỉnh trong việc nâng cao chất lượng cải cách hành chính (CCHC), xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ, điều hành năng động, quản lý hiệu quả.

Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đẩy mạnh ứng công nghệ thông tin, nâng cao chỉ số quản trị môi trường. Ảnh: Đức Chung

Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đẩy mạnh ứng công nghệ thông tin, nâng cao chỉ số quản trị môi trường. Ảnh: Đức Chung

Chỉ số PAPI được Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức khảo sát và công bố. Chỉ số PAPI năm 2021 của Vĩnh Phúc đạt 42,81 điểm, xếp vào nhóm có điểm số trung bình cao và xếp thứ 23/60 tỉnh, thành phố.

Trong 8 nội dung, Vĩnh Phúc có 3 chỉ số nội dung thuộc nhóm có điểm số cao nhất, đặc biệt có 1 nội dung đứng đầu cả nước là chỉ số thủ tục hành chính công (đạt 7,77 điểm). Kết quả trên cho thấy sự quyết tâm của các cấp chính quyền trong việc nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, dịch vụ bưu chính công ích, thanh toán phí và lệ phí trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, mang đến sự hài lòng cho các doanh nghiệp (DN), tổ chức và người dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả xếp hạng chỉ số PAPI năm 2021 của tỉnh vẫn có 2 chỉ số nội dung xếp vào nhóm có điểm số thấp nhất gồm: Chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (đạt 6,24 điểm, xếp vị trí 56/60) và chỉ số quản trị môi trường (đạt 3,02 điểm, xếp vị trí 57/60).

Chỉ số nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đánh giá cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền, đồng thời, phản ánh mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân.

Với chỉ số nội dung quản trị môi trường, từ năm 2018 đến năm 2021, chỉ số này của tỉnh luôn nằm trong nhóm có điểm số thấp nhất (Năm 2018 đạt 4,08/10 điểm; năm 2019 đạt 3,26 điểm; năm 2020 đạt 3,21/10 điểm và xếp trong nhóm đạt điểm thấp nhất). Qua kết quả, đánh giá các cấp chính quyền cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm cải thiện chỉ số quản trị môi trường của tỉnh, đặc biệt là bảo vệ môi trường và chất lượng nước.

Để tiếp tục duy trì và giữ vững thứ bậc các chỉ số nội dung của nhóm có điểm số cao nhất, nâng cao vị trí trong xếp hạng chỉ số PAPI của tỉnh năm 2022, phấn đấu thuộc tốp 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, các cấp, ngành chức năng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần nỗ lực thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng điều hành, quản trị và hành chính công.

Trọng tâm là đẩy mạnh các hoạt động có sự tham gia rộng rãi của người dân, đặc biệt là ở cấp cơ sở như tạo cơ hội tham gia bầu cử bình đẳng; thực hiện tốt việc tiếp thu các ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri; tạo điều kiện cho nhân dân được biết, được bàn, được tham gia thực hiện, để người dân nói lên nguyện vọng, góp phần cải thiện vị trí chỉ số nội dung tham gia của người dân cấp cơ sở.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng của các sở, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh; công khai rộng rãi kết quả xử lý, báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng hằng năm của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị phụ trách.

Phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của HĐND, UB MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; có chính sách và cơ chế bảo vệ người dân khi thực hiện việc tố cáo hành vi tham nhũng, nhằm cải thiện chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công lên vị trí thứ hạng trung bình cao và cao nhất.

Quan tâm chỉ đạo quyết liệt và chung tay bảo vệ nâng cao chất lượng nguồn nước và không khí, môi trường sống, huy động người dân tham gia cải thiện môi trường tại khu dân cư; đưa ra các giải pháp, biện pháp xử lý về bảo vệ môi trường ở địa phương; phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, phục vụ nhu cầu cho người dân, DN trên địa bàn tỉnh; chủ động kiểm soát, cảnh báo chất lượng môi trường không khí, nhằm cải thiện và nâng cao chỉ số quản trị môi trường...

Hồng Nhật

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/79512/cai-thien-va-nang-cao-chi-so-papi.html