Cái thời chấm mực
Lan man lại nhớ cái thời ngày xưa tiểu học, thời mà áo quần, mặt mũi, tay chân lúc nào cũng dính mực tèm lem.
Hồi ấy đi học từ lớp năm đến lớp nhất (bây giờ là lớp một đến lớp năm) dứt khoát không được dùng bút nguyên tử, bút máy. Sang hèn gì cũng vậy, chỉ duy nhất dùng cán bút gắn ngòi chấm mực để viết. Quan điểm giáo dục thời ấy, bút chấm mực để viết, luyện cho học trò tính cẩn thận, nét chữ viết sẽ đều và đẹp, lớn lên chữ viết không cẩu thả.
Ngòi bút phổ biến có hai loại, ngòi bút rông, ngòi bút lá tre. Ngòi bút rông dáng bầu bầu giống hình lá cây, bút lá tre, mỏng, dẹp tất nhiên hình dáng giống chiếc lá tre. Cán bút bằng nhựa hoặc bằng gỗ, đầu trên vút nhọn, đầu dưới to hơn, trong có miếng gờ để gắn ngòi bút. Học trò nông thôn còn dùng tre vót đều rồi cột ngòi vào làm bút.
Mực viết là loại mực viên nhỏ như viên thuốc. Để có mực chấm, phải hòa mực. Hòa mực cũng đơn giản chỉ cần cho vài viên mực vào lọ có chứa ít nước rồi lấy cái que hoặc trở đầu cán viết khuấy cho viên mực tan ra, đậm quá thì thêm nước, lợt thì thêm viên mực. Có hai màu mực phổ biến được học trò ưa dùng là màu xanh và màu tím. Bình đựng mực là loại bình bằng nhựa, có quai cầm mua ở chợ hoặc tiệm tạp hóa. Bình “tự chế” thì đủ loại, cả lọ thuốc pélniciline cũng tận dụng được.
Vào lớp học, trước mặt mỗi trò có lọ mực, cây viết chì, cây viết mực, thước kẻ và đặc biệt tờ giấy nhậm, đứa nào không có giấy nhậm thì dùng phấn thay. Hai loại này mà thiếu thì cuốn vở giống như lá bùa. Do là chấm mực để viết, nên chữ lâu khô, đôi khi trên đầu ngòi viết dính cả cục mực chưa tan, không để ý khi viết chữ, mực lem nhòe cả vỡ. Để chữ viết không bị lem, vở không dính mực, cứ viết được vài chữ là dùng giấy nhậm, nhậm cho khô, hoặc dùng viên phấn lăn qua mặt chữ hút mực. Bữa nào quên đem giấy nhậm, đem phấn thì xin “ké” bạn.
Sợ nhất là viết chính tả. Cô giáo kêu bài, trò ngồi dưới viết theo, nhiều lúc nghe không rõ, viết không kịp, quay qua quay lại, hỏi đứa này, đứa kia, mực vẩy lem tùm lum. Khi chấm bài vừa bị sai lỗi chính tả, vừa bị dơ, cô phạt lấy thước khẻ hai bàn tay đau điếng.
Còn nhớ năm học lớp ba, tôi ngồi chung với thằng Hạo lé, thằng này chuyên đi học quên mực, quên giấy nhậm, cứ vào lớp là xài ké. Tức quá, một hôm tôi dứt khoát không cho nó chấm mực, đem bình mực giấu dưới hộc bàn. Không có mực chấm, hắn điên máu đợi giờ ra chơi “bịch” cho tôi một trận, rồi lấy mực vung đầy trên người tôi. Cái ngòi bút lá tre của tôi còn mới cáu hắn cũng lấy đè xuống bàn cà cho te le mũi viết. Xử tôi xong, hắn hăm dọa, nếu báo cô ra về hắn nện tiếp. Tôi nhỏ con, thấp hơn hắn cái đầu, không dám đánh lại, đành thút thít chấp nhận làm người cung cấp mực cho hắn chấm.
Năm lớp nhì qua học ở Trường tiểu học Tân Tạo. Lớp học bạn bè toàn người di cư, chỉ mỗi tôi là người Quảng. Ngồi bàn sau tôi có hai nhỏ “Bắc kỳ” đại nghịch, hết nhái tiếng lại lấy mực vẩy lên áo. Suốt năm học ngày nào tôi cũng phải chịu trận với hai “nữ quái” này. Mỗi lần méo méo cái mặt định thưa cô thì chúng nó ùa nhau nhái tiếng trêu ghẹo, con trai chi mà mít ướt rứa. Tự ái, mắc cỡ, tôi đành làm thinh .
Một hôm chúng nó không giải được bài toán đố, năn nỉ tôi chỉ, tôi cười lắc đầu, lên nộp bài trước rồi ra chơi một mình. Lúc xong giờ chơi vào học, trời ơi! Vở tôi mực xanh, mực tím dính đầy, hũ mực thì bay mất nắp, ngòi viết bị sứt mũi. Tôi tức xanh mặt, giơ nắm đấm lên hăm chúng, chúng đưa mặt khỉ ra cười khì khì.
Ngày xưa tiểu học là vậy đó. Đứa nào đi học về mà mặt mày, quần áo, tay chân không dính mực mới là lạ. Mẹ, chị ngày nào cũng la rát họng, vậy mà có ngày nào sạch sẽ đâu!
Bây giờ tụi nhỏ đi học sướng quá, cái gì cũng có sẵn, mở chiếc “ba lô” ra là dụng cụ đầy đủ. Lớp một, lớp hai đã xài bút bi, bút máy, rồi còn tiếng Anh tiếng u, vi tính, học phụ đạo, học thêm... Cả trường vậy, quy định vậy, gia đình khó khăn mấy cũng ráng theo thôi! Có điều chữ viết học trò bây giờ nhất là học trò cấp 2, cấp 3 phần lớn rất cẩu thả, chữ viết ngoằn ngoèo không ngay hàng thẳng lối, viết tắt, viết sai chính tả rất nhiều!?
Nghĩ lại cái thời bút lá tre chấm mực của mình vừa thấy hãnh diện lại vừa thấy thương thương, tội tội!
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/cai-thoi-cham-muc-97943.html