Cái thuở ban đầu...

Tròn ba mươi năm, khi tờ tập san Người bạn văn hóa (do Ty Văn hóa Thanh Hóa đảm nhiệm) ra đời (1964), đến năm 1994 bằng những nỗ lực của Ban Thường trực khóa IV, do anh Lê Xuân Giang làm chủ tịch, tờ tạp chí Văn nghệ Thanh Hóa có giấy phép của Bộ Văn hóa Thông tin để xuất bản chính thức. Từ đây Hội Văn nghệ Thanh Hóa có cơ quan ngôn luận chính thức của mình.

Sau Đại hội Văn nghệ Thanh Hóa lần thứ V (1/1997), cùng với việc củng cố lại tổ chức Hội, tạp chí Văn nghệ Thanh Hóa được UBND tỉnh cho phép thành lập cơ quan Tòa soạn (3/1997). Bắt đầu từ đây, tạp chí Văn nghệ Thanh Hóa có bộ máy, cơ quan tòa soạn, có con dấu, tài khoản riêng, hạch toán độc lập và hoạt động với tư cách là một cơ quan báo chí. Bộ máy của cơ quan tòa soạn được tách ra từ cơ quan văn phòng Hội.

Khi ra “ở riêng” (anh em chúng tôi vẫn thường nói vui như vậy), tạp chí nghèo lắm. Hội đã nghèo thì tạp chí cũng lấy đâu mà dư rả (Tạp chí tiếp quản một cơ sở là mấy gian nhà cấp bốn do Hội phân cho cùng với mấy bộ bàn ghế cũ...). Tổng Biên tập là nhà văn Từ Nguyên Tĩnh cùng với anh em trong tạp chí, thật là “tay không bắt giặc”. Lúc bấy giờ mới bắt đầu xắn tay áo lên mà lo, mà làm... Từ việc lắp chiếc điện thoại bàn, mua máy ghi âm, máy ảnh... đến việc xin UBND tỉnh cấp cho bộ vi tính, xe con, quỹ nhuận bút... Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh rất quan tâm và ủng hộ tạp chí.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng tạp chí Văn nghệ Thanh Hóa là điều trăn trở của Tổng Biên tập và anh em trong tòa soạn. Tổng Biên tập Từ Nguyên Tĩnh và Thư ký tòa soạn Thanh Sơn đã “cơm đùm cơm nắm” lặn lội vào các tỉnh phía Nam để học tập kinh nghiệm của các tạp chí bạn và mở rộng mạng lưới cộng tác viên cũng như mạng lưới phát hành. Phó Tổng biên tập Mạnh Lê cùng với Lâm Bằng và Phương Thúy thì lên tầu vào Vinh và Huế để tầm sư học đạo. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, nhưng cái khôn của thiên hạ đem về, áp dụng cho xứ Thanh sao mà chật vật. Tạp chí Sông Hương (Thừa Thiên - Huế) có “thương hiệu” từ năm 1983, có mạng lưới phát hành khắp cả nước và sang tận cả nước Pháp xa xôi, có trụ sở tòa soạn riêng, được tỉnh cấp cho hàng trăm triệu mỗi năm (thời giá năm 1998). Tạp chí Sông Lam (Nghệ An) thì tỉnh chỉ thị cho tất cả các chi bộ, ngoài tờ báo Đảng còn phải đặt mua tờ tạp chí Sông Lam. Cho nên mỗi số Sông Lam phát hành tới 4.600 cuốn (Sau khi in xong, nhà in chuyển sang bưu điện, và cứ thế bưu điện chuyển tới bạn đọc. Tòa soạn chỉ việc ký sổ xác nhận. Tòa soạn không phải trực tiếp phát hành một cuốn tạp chí nào).

Cái “học” trước tiên là tìm nơi in với giá cả hợp lý để giá thành của của mỗi cuốn tạp chí. Lúc bấy giờ, tạp chí ký được hợp đồng in cả năm với giá chỉ bằng non hai phần ba của nơi in trước đó. Tuy nhiên anh em trong tòa soạn cũng thêm phần vất vả vì phải đi xa, tầu xe khó khăn. Còn nhớ lần đầu tiên đi ký hợp đồng in ở nhà in Nghệ An. Khi chiếc xe lát đa cổ lỗ của Hội đi đến Cầu Bùng (Nghệ An) thì tự dưng trở chứng, cứ nằm ỳ ra không chịu đi nữa. Trời thì nắng như nung, cái nắng miền Trung ràn rạt gió lào cộng với mệt mỏi, ai cũng nhãng ra. Thanh Sơn và Lâm Bằng phải nhảy xe đò vào Vinh cho kịp hẹn giao bản thảo. Còn Tổng biên tập Từ Nguyên Tĩnh thì ở lại chờ sửa xe, cuối cùng anh cũng đành đi xe ôm để vào nhà in. Suốt 5 năm trời (từ 1997 đến 2002), tháng nào Lâm Bằng cũng ôm tập bản thảo nhảy xe đò vào nhà in, rồi lại đón xe để nhận tạp chí về. Vất vả một chút nhưng vui, vui vì tháng tháng có được tờ tạp chí văn chương vừa đẹp vừa sang chuyển đến tay bạn đọc một cách đều đặn.

Việc phát hành thì thật khó khăn. Từ Tổng Biên tập đến từng cán bộ, nhân viên, ai cũng trở trăn hiến kế. Nào là đặt vấn đề với ngành Giáo dục, với các huyện, thị, ngành. Nào là liên hệ đến từng cơ quan, nhà máy, xí nghiệp... Rồi thì xe máy từ tòa soạn chia nhau phóng về các huyện, các công sở... người nào cũng kè kè cái cặp to đùng trong có vài chục cuốn tạp chí. Thật, cực chẳng đã. Cầm tờ tạp chí văn chương, ông giám đốc, ông thủ trưởng nào cũng khen đẹp, khen hay. Nhưng khi đặt vấn đề mua bán thì ông nào cũng phân bua: “kinh phí eo hẹp quá”. Người ta có thể bỏ ra cả bạc triệu để “tiếp khách” một bữa, nhưng khi chi sáu nghìn đồng một tháng (giá bán những năm 1997 - 2005) để mua một cuốn tạp chí văn chương thì lại kêu “kinh phí eo hẹp quá”. Nghĩ mà chua chát.

Hồi cố đôi chút để nhớ lại cái “thuở ban đầu...”, nhưng quả thật, những ngày đầu tạp chí Văn nghệ Thanh Hóa, nay là Văn nghệ Xứ Thanh mới ra “ở riêng”, thật gian nan vất vả. Sau đó thì Tạp chí được tỉnh cấp xe ô tô (đã hai lần nâng đời xe ô tô con), đã có các phương tiện làm báo như máy ảnh, máy ghi âm, trang bị được 3 bộ vi tính, máy phô tô cóp pi và thực hiện mi trang tại tòa soạn.

Một thắng lợi hết sức quan trọng, đó là được sự ủng hộ của Bưu điện tỉnh Thanh Hóa, tạp chí đã phát hành tới hơn 600 điểm bưu điện văn hóa xã trong toàn tỉnh.

Những năm đó, tờ tạp chí Văn nghệ của tỉnh Thanh chúng ta được Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (lúc đó) và Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội VHNT Việt Nam đánh giá là tạp chí văn nghệ địa phương có chất lượng nội dung và nghệ thuật thuộc tốp đầu cả nước.

“Cái thuở ban đầu...”, chặng đường đầy gian nan, thử thách, có những thành công và thất bại, có gặt hái và cũng nhiều vui buồn, trăn trở. Tin rằng, ở chặng đường mới, với khí thế và xung lực mới, Văn nghệ Xứ Thanh sẽ không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức, tiếp tục là diễn đàn văn học nghệ thuật, là người bạn thân thiết của đông đảo bạn đọc trong và ngoài tỉnh.

Lâm Bằng (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/cai-thuo-ban-dau-217130.htm