CẢI TIẾN HỆ THỐNG AN SINH XÃ HỘI MANG TÍNH THÍCH ỨNG ĐỂ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TS.Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, phòng ngừa rủi ro, cải tiến hệ thống an sinh xã hội mang tính thích ứng là điều cần thiết để duy trì những thành tựu đã đạt được và ngăn các hộ gia đình tái nghèo nếu xảy ra cú sốc hoặc thiên tai có thể rơi vào bẫy đói nghèo.

Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế - xã hội

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS.Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, phòng ngừa rủi ro là điều cần thiết để duy trì những thành tựu đã đạt được và ngăn các hộ gia đình tái nghèo nếu xảy ra cú sốc hoặc thiên tai có thể rơi vào bẫy đói nghèo. COVID-19 đã cho thấy nhiều nhóm dân cư không an toàn về kinh tế có nguy cơ rơi vào bẫy đói nghèo nếu không có mạng lưới an sinh đầy đủ.

Nhóm 'mục tiêu di động' cần hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đôi khi có thể gặp rủi ro lớn hơn vì họ nằm ngoài bao phủ của chính sách do chưa được đăng ký trong hệ thống bảo trợ xã hội và do Việt Nam thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia tích hợp. Hệ thống bảo trợ xã hội hiện tại hỗ trợ nhóm người nghèo kinh niên và một số nhóm cụ thể khác ở Việt Nam, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Cần có một hệ thống bảo trợ xã hội mang tính thích ứng, tích hợp, dễ điều chỉnh và hiện đại để bảo vệ các hộ gia đình trước những cú sốc một cách hiệu quả hơn.

Hệ thống bảo trợ xã hội có thể đóng một vai trò lớn hơn trong việc đề phòng các cú sốc và giúp các hộ gia đình tránh khỏi bẫy đói nghèo. Tuy nhiên, hệ thống này hiện có một số hạn chế. Bảo trợ xã hội thiếu kinh phí và các chương trình còn manh mún, thiếu phối hợp. Việt Nam cấp ít kinh phí cho công tác bảo trợ xã hội so với các nước khác, nghĩa là mức độ bao phủ sẽ quá thấp và/hoặc không đủ nhu cầu trợ cấp.

Tình trạng manh mún đồng nghĩa với việc mất đi lợi thế kinh tế nhờ quy mô, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu kinh phí. Sự thiếu phối hợp giữa các loại hỗ trợ không giúp tăng khả năng chống đỡ của hộ gia đình với những rủi ro và cú sốc. Đồng thời, sự phân quyền tiếp tục làm gián đoạn các nỗ lực phối hợp bảo trợ xã hội. Hệ thống phân bổ nguồn lực tại địa phương chưa được chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ khi các cá nhân đối mặt với những cú sốc riêng lẻ. Những yếu kém này thể hiện rõ trong đại dịch COVID-19.

Các yếu kém trong khâu thực hiện trợ cấp xã hội cần được cải tiến hiện đại hóa, nhất là ở quy trình đăng ký. Hiện chưa có một cơ quan đăng ký trợ cấp xã hội cấp quốc gia. Có nghĩa rằng với việc ứng phó với các cú sốc diện rộng hiện có thể nhanh chóng mở rộng theo chiều dọc, cấp thêm trợ cấp cho những người thụ hưởng đã có trong danh sách trợ cấp xã hội hiện tại, nhưng không thể mở rộng theo chiều ngang, chi trợ cấp cho những người thụ hưởng mới chưa có trong danh sách. Hệ thống chuyển tiền trợ cấp chủ yếu dựa vào tiền mặt có nghĩa là hỗ trợ có thể không nhanh chóng đến được với các hộ gia đình khi họ cần.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Ngoài ra, cần tiếp tục cải thiện độ bao phủ bảo hiểm xã hội để tăng tính đối phó với rủi ro thất nghiệp và đảm bảo thu nhập khi về già (lương hưu). Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu triển khai hỗ trợ xã hội đối với những rủi ro vẫn còn đang bị bỏ ngỏ hoặc chưa hoàn toàn được chống đỡ.

Một trong những rủi ro sẽ gia tăng trong thời gian tới là rủi ro do biến đổi khí hậu, cũng sẽ cần hỗ trợ đối với những hộ bị ảnh hưởng tiêu cực, để tránh cho họ áp dụng các cơ chế đối phó kém hiệu quả. Rủi ro khám chữa bệnh cũng chưa được hoàn toàn chống đỡ. Mặc dù phần lớn người dân trong nước có bảo hiểm y tế, nhưng khám chữa bệnh cũng vẫn phải chi thêm chi phí cũng đã làm giảm hiệu quả của bảo hiểm y tế.

Tóm lại, giải quyết những vấn đề tồn đọng nêu trên hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ thống an sinh xã hội có khả năng thích ứng cho Việt Nam, với 03 đặc trưng: huy động kịp thời nguồn lực, phân bổ kinh phí một cách kịp thời; hỗ trợ hiệu quả cho các hộ gia đình cần hỗ trợ sau khi gặp rủi ro hoặc cú sốc bằng cách xác định mục tiêu hiệu quả dựa trên hệ thống thông tin dữ liệu số tích hợp; dựa trên một hệ thống triển khai vượt trội với các chương trình thích ứng được thiết kế trước và triển khai chi trả hiện đại.

Theo đó, cần nhiều nỗ lực cải thiện hơn nữa hệ thống an sinh xã hội trên cả 04 trụ cột: thiết kế chương trình, chính sách an sinh xã hội và hệ thống triển khai, hệ thống thông tin và dữ liệu, cơ chế tài chính, và tổ chức thực hiện và điều phối.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83460