Cải tiến kỹ thuật khai thác, chế biến đồng
Từ nơi bốn bề núi đá khô cằn, bằng bàn tay và khối óc người thợ luyện đồng, những sản phẩm chất lượng cao đã ra đời, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho đất nước. Tổ hợp khai thác và luyện đồng ở Lào Cai là một trong những dự án trọng điểm của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), có ý nghĩa chiến lược quan trọng, nhằm mục tiêu hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về chế biến sâu các loại khoáng sản.
Từ nơi bốn bề núi đá khô cằn, bằng bàn tay và khối óc người thợ luyện đồng, những sản phẩm chất lượng cao đã ra đời, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho đất nước. Tổ hợp khai thác và luyện đồng ở Lào Cai là một trong những dự án trọng điểm của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), có ý nghĩa chiến lược quan trọng, nhằm mục tiêu hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về chế biến sâu các loại khoáng sản.
Khai thác, chế biến sâu
Mỏ đồng Sin Quyền nằm trên địa bàn hai xã Cốc Mỳ và Bản Vược (huyện Bát Xát, Lào Cai) được đánh giá là mỏ đồng lớn nhất Đông - Nam Á và là một trong ít mỏ đứng tốp đầu châu Á, tổng trữ lượng khoảng 54 đến 56 triệu tấn, hàm lượng đồng trung bình 0,95%. Chi nhánh mỏ tuyển đồng Sin Quyền được giao quản lý diện tích toàn bộ ranh giới khai thác của khu mỏ, quy mô khoảng hơn 800 ha. Theo tài liệu của Đoàn địa chất 5 (Tổng cục Mỏ - Địa chất), tổng trữ lượng quặng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt khoảng hơn 100 triệu tấn. Năm 2003, Tổng công ty Khoáng sản, đơn vị trực thuộc TKV đã khởi công xây dựng dự án Tổ hợp đồng Sin Quyền, tổ hợp dự án kim loại màu lớn nhất nước ta thời điểm đó. Với tổ hợp này, Tổng công ty Khoáng sản đã khép kín dây chuyền sản xuất từ khai thác, tuyển quặng tới luyện đồng, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Tổ hợp có tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng, gồm hai giai đoạn, giai đoạn 1 gồm hai khu mỏ tuyển và nhà máy luyện đồng, mức đầu tư 1.300 tỷ đồng. Sau ba năm triển khai, khu mỏ tuyển đồng chính thức đi vào sản xuất vào giữa tháng 4-2006, tạo việc làm cho hơn 500 công nhân địa phương.
Theo Giám đốc Chi nhánh mỏ tuyển đồng Sin Quyền Đinh Tiến, trong 15 năm qua, tổ hợp đã đóng góp cho ngân sách mỗi năm 350 đến 380 tỷ đồng, riêng giai đoạn 2015 đến tháng 6-2020 đạt hơn 1.860 tỷ đồng. Sau năm 2020, khi giai đoạn 2 đi vào hoạt động ổn định, công suất khai thác sẽ được nâng lên gấp hai lần, từ 1,2 triệu tấn quặng nguyên khai/năm lên 2,5 triệu tấn. Trước đây, với công nghệ cũ, nhà máy chỉ tuyển được quặng có hàm lượng đồng từ 1% trở lên, tỷ lệ thu hồi đạt hơn 80%. Đến nay, nhờ công nghệ mới, có thể tuyển được quặng hàm lượng đồng từ 0,8% trở lên, tỷ lệ thu hồi đạt 92 đến 97%. Giám đốc Đinh Tiến cho biết: Nhờ chú trọng tái cơ cấu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, từ năm 2015 đến nay, hiệu quả sản xuất của Chi nhánh mỏ tuyển đồng Sin Quyền liên tục gia tăng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của đơn vị, đồng thời tạo đủ việc làm và bảo đảm thu nhập cho gần 1.000 công nhân, bảo vệ môi trường và an toàn lao động. Sản lượng khai thác quặng nguyên khai tăng từ gần 1,45 triệu tấn năm 2015 lên hơn 2,2 triệu tấn vào năm 2019, góp phần gia tăng lượng tinh quặng đồng và tinh quặng sắt, đưa vào sản xuất lần lượt từ 48,4 nghìn tấn và 90,5 nghìn tấn năm 2015 lên 67,4 nghìn tấn và 99,3 nghìn tấn trong năm 2019. Thu nhập bình quân lao động tăng từ 7,1 triệu đồng lên 9,2 triệu đồng/người/tháng trong vòng 5 năm trở lại đây.
Đổi mới công nghệ
Dự án Tổ hợp đồng Sin Quyền đi vào hoạt động không những tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp kim loại màu Việt Nam, đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu sản xuất trong nước, giảm kim ngạch nhập khẩu đồng mỗi năm hơn 40 triệu USD, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Lào Cai. Nhà máy luyện đồng Lào Cai, công suất thiết kế 10 nghìn tấn đồng/năm, nằm trong Khu công nghiệp Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng) hiện là nhà máy luyện đồng lớn nhất và là niềm tự hào của toàn ngành luyện kim Việt Nam. Thời kỳ đầu, với công nghệ hỏa luyện, hàm lượng đồng trong xỉ lò dao động khoảng 1,14 đến 7%, chưa đạt chỉ tiêu, do lần đầu nước ta có nhà máy luyện đồng, cán bộ, công nhân chưa có kinh nghiệm thực tế, công tác vận hành chưa thuần thục. Từ năm 2011 trở lại đây, nhà máy đi vào sản xuất theo đúng công suất thiết kế, đồng thô đem đi tinh luyện trong lò phản xạ, mỗi ngày ra lò khoảng 28 tấn đồng dương cực, sau đó điện phân, nhận được đồng âm cực và bùn dương cực. Xử lý bùn dương cực sẽ thu được các kim loại quý, mỗi năm Nhà máy luyện đồng Lào Cai sản xuất gần 600 kg vàng, 470 kg bạc. Tính đến năm 2019, sản lượng sản xuất hầu hết các sản phẩm chính đều tăng, trong đó đồng tấm ca-tốt hàm lượng đồng 99,95% đạt 12.500 tấn, vàng thỏi 99,9% đạt 540 kg, bạc thỏi 500 kg,… tăng 10 đến 15% so năm 2015 và vượt công suất thiết kế. Công tác đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật luôn được nhà máy chú trọng nhằm trực tiếp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Giám đốc Chi nhánh luyện đồng Lào Cai Hoàng Ngọc Minh cho biết: Trong 5 năm qua, chi nhánh đã có 142 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, trong đó 20 sáng kiến cải tiến có giá trị làm lợi lớn được tổng công ty công nhận với tổng giá trị làm lợi gần 21 tỷ đồng. Tính trung bình hằng năm, có hơn 30 giải pháp được áp dụng, góp phần nâng cao chất lượng, tăng năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động. Đặc biệt trong giai đoạn 2015 - 2019, Chi nhánh luyện đồng Lào Cai đã có hai giải pháp nghiên cứu khoa học đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc Vifotec lần thứ 14 và 15. Từ những mẻ đồng đầu tiên, đến nay chi nhánh đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Không chỉ hoàn toàn làm chủ công nghệ, đơn vị còn có những bước tiến đột phá với các chỉ tiêu đạt được về mặt thực thu, năng suất và hiệu quả kinh tế đều vượt chỉ tiêu thiết kế. Trình độ công nghệ của nhà máy được các chuyên gia ngành luyện kim thế giới và khu vực đánh giá tương đương mặt bằng chung các nước tiên tiến. Trong năm 2020, tình hình sản xuất, kinh doanh của các đơn vị thuộc Tổ hợp đồng Sin Quyền dự báo gặp nhiều khó khăn. Điều kiện khai thác mỏ ngày càng khó do khai thác xuống sâu, vị trí đổ thải xa, cung độ kéo dài, chiều cao nâng tải lớn dẫn đến tăng chi phí sản xuất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh không cao. Trong khi đó, chính sách thuế phí của Nhà nước, nhất là thuế tài nguyên liên tục tăng và phát sinh các khoản thu mới, dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình triển khai và thực hiện các dự án. Thực tế này đặt ra những thách thức không nhỏ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị Tổ hợp đồng Sin Quyền trong thời gian tới. Đặc biệt, ngay từ đầu năm, do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các chi nhánh, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với việc làm, thu nhập và đời sống người lao động.
Hiện nay, dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy luyện đồng Lào Cai, công suất 20 nghìn tấn đồng ca-tốt/năm, vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng của TKV cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh khiến tiến độ thi công ách tắc. Dự án sử dụng công nghệ luyện đồng tiên tiến, đồng bộ, bảo đảm yêu cầu cao về môi trường, nâng công suất luyện đồng từ 10 nghìn tấn lên 30 nghìn tấn đồng/năm thông qua việc xây dựng mới một dây chuyền luyện đồng công suất 20 nghìn tấn đồng ca-tốt, 84.500 tấn a-xít, 1.395 kg vàng và 616 kg bạc thỏi/năm. Tổng công ty Khoáng sản và TKV đang hết sức mong muốn huy động nhân lực, tập kết thiết bị tại công trường, kết nối để các chuyên gia đến Lào Cai thực hiện lắp đặt các hạng mục chính, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, nhằm nâng cao công suất luyện đồng cũng như năng lực chế biến sâu khoáng sản theo định hướng chung của Chính phủ.