Cải tổ Eurozone : EC đóng vai trò 'người cân bằng'
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 6/12 đã công bố tầm nhìn về cải tổ Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Thực tiễn đã buộc EC phải đưa ra những giải pháp mang tính thận trọng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các ý tưởng đầy tham vọng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bị đẩy lùi.
EC đã công bố các sáng kiến nhằm cải thiện kiến trúc kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) và Eurozone. Một loạt đề xuất của EC có thể bị Paris đánh giá là thiếu tham vọng.
Dù một số điểm chính trong đề xuất của Tổng thống Pháp đã được tiếp thu nhưng giữa lập trường của EC với mong muốn của Tổng thống Macron vẫn còn tồn tại một khoảng cách dài.
Các vấn đề trọng tâm trong đề xuất của Brussels sẽ trở thành chủ đề được đưa ra thảo luận sâu rộng giữa các nước thành viên, trong đó nổi bật là ý tưởng chuyển đổi Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) sang hình thức một Quỹ Tiền tệ châu Âu thực sự.
Nếu được thông qua, quỹ này có thể được phép can thiệp vào các nước đang gặp khó khăn về tài chính cũng như đàm phán với họ về các chương trình cải cách theo cách thức mà ESM đã thực hiện trước đây.
Nhưng điều khác biệt là quỹ sẽ đóng vai trò là nhà cho vay cuối cùng để giúp đỡ các ngân hàng ở châu Âu gặp khó khăn thông qua một quỹ trợ giúp ngân hàng. Điều này là theo một ý tưởng của nước Pháp.
Tuy nhiên, EC không nhượng bộ trước áp lực của những tư tưởng xuất phát từ Đức, vốn luôn muốn giao phó vai trò giám sát ngân sách các nước châu Âu cho tổ chức mới này. Liên quan đến vấn đề quy chế của thể chế mới, điều cần thiết là phải tìm ra được một giải pháp trung gian.
Từ cơ chế liên chính phủ, tổ chức mới sẽ phải mang tính đại chúng hơn nhưng vẫn đảm bảo duy trì quyền phủ quyết của hai nước đầu tàu là Pháp và Đức.
Tại EC hiện đang có nhiều ý kiến cho rằng cần phải thúc đẩy tiến trình dân chủ nhằm tăng cường tính trách nhiệm trước Nghị viện châu Âu của thể chế mới này.
Các ý tưởng khác theo đề xuất của Tổng thống Pháp như thiết lập một vị trí Bộ trưởng Tài chính của khu vực Eurozone hay xây dựng một ngân sách cho các nước thành viên của Eurozone cũng được đưa ra thảo luận nhưng không nằm trong các đề xuất chính thức của EC.
Về chủ đề ngân sách của khu vực Eurozone thì giữa các đề xuất của EC và các ý tưởng của Paris vẫn đang tồn tại một khoảng cách rõ rệt. Không có đề xuất về một ngân sách của Eurozone cũng như một Nghị viện của Eurozone như ý tưởng của Pháp mà chỉ có các quỹ khác nhau được ngân sách châu Âu tài trợ nhằm thúc đẩy quá trình hội tụ kinh tế, và một trong số nhiệm vụ hàng đầu là hỗ trợ đầu tư. Đây có thể tạm được coi là một sự phôi thai ngân sách của Eurozone.
Cũng chính vì lý do này, vị trí Bộ trưởng Kinh tế của khu vực Eurozone mà Tổng thống Pháp chủ trương trên thực tế sẽ không đóng cùng một vai trò như trong các dự án của Brussels: không có nhiệm vụ chèo lái một ngân sách thực thụ mà người đảm nhận vị trí này sẽ chỉ chịu trách nhiệm điều phối các công cụ tài chính châu Âu, nhất là chủ trì các hoạt động của nhóm các Bộ trưởng Tài chính các nước sử dụng đồng euro (Eurogroup).
Cũng trong ngày 6/12, Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Martin Schulz cho biết, SPD sẽ làm mọi việc trong khả năng của mình để đảm bảo rằng Berlin đón nhận các ý tưởng cải cách châu Âu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Chủ tịch đảng Schulz cũng gián tiếp chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel vì không đồng thuận với các ý tưởng của Tổng thống Pháp Macron.
Nguồn Bnews: http://bnews.vn/cai-to-eurozone-ec-dong-vai-tro-nguoi-can-bang-/70064.html