Cạm bẫy rình rập sinh viên

Rơi vào bẫy làm việc trực tuyến 'hốt bạc' hay bị cuốn vào trò chơi xóc đĩa trực tuyến… đã khiến cho một số sinh viên bị lừa từ vài chục nghìn đến hàng trăm triệu đồng.

Bẫy “chốt đơn” trực tuyến

Bạn Nguyễn Hoài T - sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội vừa bị lừa mất gần 70 triệu đồng hồi tháng 6 vừa qua. T nhận được tin nhắn từ người lạ qua facebook tư vấn làm cộng tác viên chốt đơn hàng cho một sàn thương mại điện tử. Cả tin, T đã làm theo hướng dẫn mà đối tượng đưa ra, với cam kết “việc nhẹ, lương cao“.

Sau khi hướng dẫn đăng ký và cấp mã đăng nhập vào các app, link mang tên nhiều sàn thương mại điện tử, đối tượng lừa đảo hướng dẫn cộng tác viên phải chuyển tiền chốt đơn, giả vờ mua hàng để tăng tương tác và uy tín. Số tiền ứng trước mua hàng sẽ được hoàn trả cùng với hoa hồng từ 10 - 30% trị giá mỗi đơn hàng.

“Sau khi làm theo hướng dẫn đăng ký tài khoản, mình bắt đầu chốt những đơn hàng đầu tiên và rút về một số tiền hoa hồng không đáng kể. Người tự xưng là nhân viên công ty nói rằng, khi mình thực hiện hết nhiệm vụ sẽ được nhận thêm tiền chuyên cần và tiền hoa hồng của các đơn hàng. Mình thấy công việc dễ dàng mà lại kiếm được tiền nên bị cuốn hút và không suy nghĩ gì nhiều”, T chia sẻ.

Theo lời kể của T, đối tượng lừa đảo liên tục dụ chốt đơn hàng với lý do “chạy đủ KPI” ngày để nhận hoa hồng. Theo đó, sau 5 đơn hàng đầu tiên với trị giá chỉ từ vài chục nghìn, một đơn hàng có trị giá lớn hơn trị giá vài trăm nghìn đến vài triệu đồng sẽ xuất hiện. Lúc này, hệ thống sẽ không cho phép nạn nhân “chốt đơn” và xuất hiện một lệnh “số dư tài khoản không đủ” buộc phải nạp thêm tiền để tiếp tục đơn hàng.

Nữ sinh cho biết, khi gặp một đơn hàng với giá trị lớn quá sức, đã được đối tượng hỗ trợ một khoản tiền lớn nên khá tin tưởng. Cho tới khi gặp một đơn hàng 40 triệu đồng, T bị đối tượng lừa đảo thúc giục liên tục phải đi vay bạn bè, người thân. Nhưng khi đủ tiền thì hệ thống trang web gửi thông báo T hoàn thành đơn hàng chậm nên phải làm thêm 3 đơn nữa mới được rút tiền về. Số tiền sau đó tăng lên 60 triệu đồng, T phải đi mượn khắp nơi với mong muốn có thể rút số tiền về được phần nào hay phần đó.

“Họ bắt tôi phải nộp một khoản gọi là thuế nhà nước trong khi thuế đó còn cao gấp đôi tiền hoa hồng mà tôi nhận được. Tôi hoảng hốt vô cùng khi số tiền nợ ngày càng cao vì không biết kiếm ra số tiền lớn như vậy ở đâu. Khoảng thời gian đó mình rơi vào trạng thái căng thẳng tột độ, sợ hãi lo bố mẹ biết sẽ trách mắng. Cuối cùng mình chấp nhận mất số tiền kia và ngưng công việc đó”, T nói.

Rơi vào “vòng xoáy” đỏ đen

Bạn Đặng Văn V - sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội vô tình bị cuốn vào trò chơi xóc đĩa trực tuyến lúc nào không hay vì tính hiếu kỳ. “Tôi biết tới trò chơi này thông qua những bài viết, video quảng cáo trên mạng xã hội. Ban đầu chỉ là những lần chơi để thử cảm giác mới lạ, nhưng càng ngày tôi càng bị lún sâu. Ban đầu, tôi chơi chỉ mất vài chục nghìn đồng, nhưng thắng nhận lại được vài trăm nên càng chơi lại càng thấy ham. Cảm giác bỏ số ít, lấy số nhiều càng kích thích tôi chơi nhiều hơn nữa”, V nhớ lại.

Vì ham muốn “việc nhẹ lương cao” đã khiến cho một số sinh viên bị lừa từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng

Vì ham muốn “việc nhẹ lương cao” đã khiến cho một số sinh viên bị lừa từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng

Suốt trong gần một tháng, V bị cuốn vào trò chơi tới mức quên ăn, quên ngủ, thậm chí lơ là việc học tập và có thời gian muốn bỏ học. Những lần nhắn tin cho gia đình xin tiền cũng nhiều hơn, với những lý do khác nhau như xin tiền đóng học, các chi phí học tập khác.

Số tiền V thắng được từ trò chơi xóc đĩa có khi lên tới cả chục triệu đồng. “Tôi dùng số tiền thắng được tiêu pha một cách vô tội vạ”, V nói. Tuy nhiên, cảm giác thỏa mãn với trò chơi chưa được bao lâu, V vỡ mộng khi liên tục thua, số tiền lãi nhận được bấy lâu đều mất hết. V. đã tìm đến các áp vay tín dụng, cầm cố chiếc xe máy để có tiền với mong muốn “gỡ vốn”.

Những ván thua chưa đủ để V nhận ra cậu đang bị lừa cho tới khi số tiền vay nợ tín dụng để chơi xóc đĩa lên tới 40 triệu đồng. “Mình hốt hoảng khi nhận ra số nợ đã vượt xa tầm kiểm soát. Sau vài ngày suy sụp, không còn cách nào khác tôi gọi điện về nói thật cho gia đình biết. Mẹ tôi khi biết tin đã rất sốc và khóc nhiều. Tôi cảm thấy tồi tệ nhưng lúc ấy chẳng thể làm gì được ngoài những lời xin lỗi”, V kể.

Nhận biết “vỏ bọc ảo” lừa đảo thế nào?

Thông tin thêm với PV Tiền Phong, Đại úy Lê Quang Vượng - cán bộ Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi tiếp nhận đơn trình báo trường hợp sinh viên một trường đại học bị lừa mất gần 200 triệu đồng, vì ham làm cộng tác viên việc nhẹ lương cao. Những thông tin về đối tượng lừa đảo mà sinh viên cung cấp cho chúng tôi không có giá trị, bởi đó chỉ là vỏ bọc ảo, không có giá trị trong làm án hay truy tìm đối tượng. Nam sinh có tâm lý bất ổn, chúng tôi phải phân tích và làm công tác tư tưởng để không bị cuốn tiếp vào vòng vay lãi đen trả nợ”.

Theo ThS. Đào Mỹ Hằng (Giảng viên khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng), nhà trường và các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên cần tăng cường tổ chức hoạt động có tương tác và các buổi chia sẻ về những rủi ro tài chính và tâm lý liên quan, nhận diện động cơ lừa đảo để sinh viên tránh “sa bẫy”.

Theo Đại úy Vượng, trước khi trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo tinh vi này, chính các bạn sinh viên đã không có nhận thức đúng đắn, dễ tin “việc nhẹ lương cao”. Các đối tượng lừa đảo có thể theo dõi và nắm bắt nhu cầu, từ đó dẫn dắt, thao túng tâm lý.

“Đặc biệt, khi giới trẻ, sinh viên có nhu cầu mua bán online ngày càng cao lại càng tạo điều kiện cho đối tượng lừa đảo len lỏi chi phối hoạt động trên mạng bằng nhiều hình thức mới, tinh vi để chiếm đoạt tài sản. Đây được đánh giá là loại tội phạm tinh vi nhất trong các loại tội phạm về an ninh trật tự”, Đại úy Vượng cho hay.

Trước những cạm bẫy dễ cuốn hút sinh viên kiếm tiền trên mạng xã hội, ThS. Đào Mỹ Hằng - Giảng viên khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho biết, một số chiêu trò lừa đảo thường được sử dụng phổ biến hiện nay như tạo ra những quảng cáo với hình ảnh và lời lẽ hấp dẫn về cơ hội kiếm tiền nhanh chóng, thu hút sự chú ý của sinh viên.

“Sau khi sinh viên tham gia vào nhóm, đối tượng lừa đảo thường sử dụng các chiến thuật gây áp lực để yêu cầu nộp tiền hoặc đầu tư thêm, với lời hứa hẹn rằng lợi nhuận sẽ gấp nhiều lần. Họ thường nói rằng, cơ hội này có hạn, để sinh viên cảm thấy cần hành động ngay lập tức mà không suy nghĩ kỹ”, ThS. Hằng nói thêm.

CHÂU LINH - HÀ CHÂU

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cam-bay-rinh-rap-sinh-vien-post1671466.tpo