Cám cảnh bên thắng cảnh!

Bên cảnh đẹp sao Tư Hòa Hải lại tỏ ra chán ngán vậy?- Là chuyện muôn thuở về tình trạng ô nhiễm môi trường ở Làng đá mỹ nghệ Non Nước, cách không xa khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn đó NXD.

Các cơ sở sản xuất, chế tác đá ở Làng đá mỹ nghệ Non Nước gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Các cơ sở sản xuất, chế tác đá ở Làng đá mỹ nghệ Non Nước gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

- Theo NXD biết, ngày 11-7-2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) với diện tích hơn 100ha để phát huy giá trị danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành không gian văn hóa, không gian tổ chức lễ hội kết hợp điểm vui chơi giải trí đặc sắc của TP Đà Nẵng; là điểm đến quan trọng trên hành trình du lịch Con đường Di sản miền Trung.

- Nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu làng đá gần danh thắng Ngũ Hành Sơn đang là vấn đề cần xử lý gấp, chứ Tư thấy phức tạp quá!

- Phức tạp thế nào Tư Hòa Hải…?

- Năm 2011, cũng do vấn đề ô nhiễm môi trường, TP Đà Nẵng cho di dời Làng đá mỹ nghệ Non Nước đến địa điểm mới, tại khu tái định cư Đông Hải (P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), cách danh thắng Ngũ Hành Sơn khoảng 1km. Thành phố đã dành 3,5 ha để bố trí cho gần 380 hộ sản xuất, chế tác đá. Điều đáng nói là sau khi dời đến nơi sản xuất mới, tình trạng ô nhiễm môi trường còn trầm trọng hơn trước.

- Trầm trọng hơn ra sao?

- Làng đá nằm sát khu dân cư, suốt ngày tiếng máy cắt, đục đá đinh tai, nhức óc, mỗi khi các phương tiện vận chuyển đá đi qua, bụi đá bay mịt mù, phủ xuống khu dân cư ngay bên cạnh… Hiện nay, làng đá có gần 400 cơ sở sản xuất, mỗi ngày trung bình một cơ sở đã thải ra gần 10m3 nước thải, vượt xa công suất thiết kế hệ thống thu gom và xử lý nước thải, trong khi hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt của thành phố không thể xử lý nước thải bột đá và hóa chất kèm theo. Ban quản lý làng nghề cũng bất lực trước thực trạng ô nhiễm này …

- Sao lại để xảy ra tình trạng trầm trọng đến thế?

- Lỗi là do vấn đề quy hoạch, cách đây hơn 10 năm, Làng đá mỹ nghệ Non Nước chỉ có 100 cơ sở sản xuất, nay tăng gấp 4 lần, dẫn đến khu vực làng đá quá tải. Đấy là chưa nói, quy hoạch nhà xưởng sản xuất theo kiểu phân lô, mỗi cơ sở được bố trí 100m2 nên không thể sản xuất trong xưởng mà phải bày ra ngoài đường để gia công nên tình trạng ô nhiễm càng thêm trầm trọng…

- Thế thành phố phải có giải pháp thế nào chứ?

- Sẽ là rất nan giải đấy, làng đá được kỳ vọng là điểm đến cho du khách kết nối với danh thắng Ngũ Hành Sơn, nhưng nay trở thành “điểm đen” ô nhiễm môi trường. Không thể xử lý được tiếng ồn, bụi đá và nước thải, thành phố đang lên kế hoạch tiếp tục di dời hơn 200 cơ sở gâyô nhiễm lên Khu công nghiệp Hòa Cầm nhưng nhiều chủ cơ sở chưa đồng thuận.

- Theo NXD, cần phải có giải pháp tuyên truyền, vận động và hỗ trợ cho bà con, chứ không lẽ để một “điểm đen” ô nhiễm môi trường tồn tại mãi vậy được.

N.X.D

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/cam-canh-ben-thang-canh-post280766.html