Cám cảnh với dự án vườn hoa, tranh 3D ở xã miền núi

Huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) chi ngân sách 1,7 tỷ đồng làm tranh 3D, vườn hoa, bờ kè ở vùng 100% người đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo. Chỉ vài tháng sử dụng, vườn hoa không còn hoa, tranh 3D hẩm hiu, núp trong bụi; bờ kè không thấy tác dụng…

Vườn hoa 500 triệu đồng không còn hoa

Thôn Thọ An (xã Bình An, huyện Bình Sơn) có các công trình: vườn hoa, tranh 3D và kè suối Hoa trị giá 1,7 tỷ đồng. Vườn hoa đối diện và cũng là mặt tiền nhà sinh hoạt cộng đồng thôn; tiếp giáp kè suối Hoa. Vườn hoa và kè suối Hoa mỗi gói trị giá 500 triệu đồng.

Thảm cảnh các dự án vườn hoa, kè suối Hoa và tranh 3D ở xã Bình An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Vườn hoa gồm cây cảnh, hoa, vài lối đi bộ bằng đá đơn sơ, hơn chục vòi nước. Gọi là vườn hoa (khoảng 500m2) nhưng không còn cây hoa, bông hoa nào ngoài hoa dại mọc lên, không người chăm sóc.

Nhiều hoa quý từ các vùng xa xôi trong nước đưa về chết sạch. Một số cây cảnh dở sống dở chết. Các vòi nước im lìm, không hoạt động. Anh Đinh Văn Hà - Trưởng thôn Thọ An kiểm tra cái mô-tơ để tưới nước thì thấy dây điện nối vào đã đứt và nói không rõ vì sao đứt, đứt từ bao giờ.

Kè suối Hoa dài khoảng 150m rất đơn sơ bằng đá hộc, lưới thép nhỏ ràng lại. Quanh đó không có nhà dân, công trình nào và lâu nay không thấy sạt lở, nước chủ yếu dùng để tưới ruộng, rẫy. Việc xây kè 500 triệu đồng liệu có cần thiết hay chỉ phụ trợ để làm đẹp cho vườn hoa? Mà vườn hoa thì không còn hoa.

Công trình vườn hoa 500 triệu đồng giờ tan hoang, không còn hoa.

Công trình vườn hoa 500 triệu đồng giờ tan hoang, không còn hoa.

Hàng chục nhà dân được vẽ tranh trên bờ tường. Nhiều nơi tranh 3D bị che lấp bởi cây bụi, vật dụng... Cả ngày 18-9, chúng tôi không gặp được du khách nào đến tham quan.“Lúc đầu tranh 3D hoàn thành, cũng có nhiều khách đến xem nhưng về sau rất hiếm. Bà con cũng không buôn bán được sản vật, nước nôi gì nên phải lên rẫy đi làm”, anh Hà cho biết.

Trong khi PV phải xem tài liệu, người thân trợ giúp nói rõ về tranh 3D là gì, tác dụng ra sao thì đồng bào thiểu số ở địa phương cũng hết sức bỡ ngỡ với sản phẩm này. Người dân thôn Thọ An với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số (Cor, H’rê…) thì nói rằng, cũng thấy vui mắt, thích thích với các tranh vẽ nhưng cũng không hiểu lắm. Về buôn bán hay làm du lịch thì bà con hầu như không được hưởng lợi gì do vắng khách.

Ông Lý Văn Hoàng - Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết: “Các công trình nói trên được chị Thư (Hà Thị Anh Thư – Bí thư Huyện ủy Bình Sơn - PV) tâm huyết lắm, kết nối, vận động các đơn vị đến làm. Cây cảnh, hoa từ nhiều tỉnh, thành, đảo được đưa về trồng; tranh 3D được chị gọi các họa sĩ ở TP.HCM về vẽ”.

Sản phẩm tranh 3D tại địa phương có 100% đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Sản phẩm tranh 3D tại địa phương có 100% đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Tâm huyết nhưng chính sách phải thực tế

Vườn hoa và kè suối Hoa do Huyện đoàn Bình Sơn làm chủ đầu tư; Công ty TNHH MTV kiến trúc AT (huyện Bình Sơn) thiết kế; Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng TM&DV Đại Sơn (huyện Bình Sơn) thi công. Tranh 3D do nhóm họa sĩ ở TP.HCM thi công. Sản phẩm này trước đó được Bí thư Huyện ủy tâm huyết, mời họa sĩ vẽ ở ven đường, vách nhà dân ở làng chài Thanh Thủy (xã Bình Hải)…

Các công trình được bàn giao cho Huyện đoàn, Xã đoàn và UBND xã quản lý từ tháng 12-2018 nhưng việc chăm sóc thì hời hợt.

Khi khánh thành các công trình, bà Thư dự, phát biểu trên nhiều báo, đài với đại ý rằng: “Giai đoạn 2016 - 2020, huyện ưu tiên nhiều nguồn lực để thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa con người. Năm 2017, 2018 và 2019, huyện đầu tư hơn 12 tỷ đồng để phát triển du lịch cộng đồng nhằm để hình thành các điểm du lịch mới, nhằm thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm, thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân”...

Ý chí, mục tiêu và tâm huyết của Bí thư Huyện ủy và các cá nhân, đơn vị là đáng quý nhưng đến nay, các công trình rơi vào tình trạng thảm cảnh, ít có tác dụng, hiệu quả. Trong khi đời sống người dân còn khó khăn, trong diện 135 của Chính phủ, hộ nghèo còn nhiều, lo bữa ăn từng ngày, thì những công trình như trên có lẽ hơi bỡ ngỡ, xa xỉ.

Công trình kè suối Hoa đơn giản với đoạn kè khoảng 150m nhưng chi phí xây dựng hết 500 triệu đồng.

Công trình kè suối Hoa đơn giản với đoạn kè khoảng 150m nhưng chi phí xây dựng hết 500 triệu đồng.

Ngoài ra, lượng du khách đến tham quan rất ít, cơ bản không đóng góp được nhiều cho địa phương cũng như đời sống nhân dân. Và hạ tầng, đường sá trong xã, trong thôn còn thiếu thốn, chưa đồng bộ, các địa điểm hứa hẹn thu hút du khách như thác Thuyền Tung, suối Hoa chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng, đường vào… Việc đầu tư ngân sách 1,7 tỷ đồng cho các công trình, sản phẩm như trên liệu đã thực sự cấp thiết?

Trao đổi với PV, ông Đỗ Thiết Khiêm – Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: “Các công trình, dự án trên được Thường vụ Huyện ủy thống nhất, UBND huyện triển khai, phân bổ ngân sách thực hiện. Về những phản ánh của PV, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại”.

Sản phẩm tranh 3D núp lùm trong bụi cây, thực hiện tại địa phương có 100% đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Sản phẩm tranh 3D núp lùm trong bụi cây, thực hiện tại địa phương có 100% đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Hoàng Quân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/tham-canh-du-an-vuon-hoa-tranh-3d-va-ke-suoi-hoa-o-mien-nui_80304.html