Cấm câu lưu - quy định tiến bộ của ngành công an
Quy định bảo vệ tối đa người được công an triệu tập hoặc bị mời đến làm việc trong giai đoạn tiền tố tụng.
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo lần hai thông tư quy định việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra.
Điều 7 của dự thảo quy định chi tiết nhiều việc thủ trưởng, phó thủ trưởng CQĐT, điều tra viên (ĐTV) và cán bộ điều tra (CBĐT) không được làm, trong đó nghiêm cấm hành vi lưu giữ (câu lưu) người được triệu tập (hoặc được mời) tại trụ sở cơ quan công an.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là một quy định tiến bộ sẽ hạn chế tối đa hiện tượng người dân chết bất thường ở trụ sở công an.
TS LÊ HUỲNH TẤN DUY, Trưởng bộ môn Luật tố tụng hình sự, ĐH Luật TP.HCM:
Đưa vào thông tư là tiến bộ
TS LÊ HUỲNH TẤN DUY
Thuật ngữ “câu lưu” không xuất hiện trong BLTTHS năm 2015 và văn bản hướng dẫn thi hành nhưng được đề cập nhiều trong thực tiễn tiến hành các hoạt động nghiệp vụ của công an.
Dự thảo thông tư đã dùng thuật ngữ này với nghĩa là “lưu giữ” (tức giữ lại trong thời gian dài) người được triệu tập hoặc được mời tại trụ sở công an. Việc nghiêm cấm hành vi này có ý nghĩa trong giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm (trước khi khởi tố vụ án hình sự). Đặc biệt đối với những người mà tư cách tham gia tố tụng của họ chưa thể xác định ngay được hoặc có thể mới chỉ là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
Tuy nhiên, cần phải xác định rõ là điều luật chỉ cấm việc lưu giữ chứ không cấm ĐTV, CBĐT được triệu tập hoặc mời người có liên quan đến trụ sở để hợp tác điều tra.
Thực tế nhiều người khi bị công an mời làm việc hoặc triệu tập thì rơi vào trạng thái lo lắng, mất bình tĩnh, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Vì vậy, có thể nói Bộ Công an đã rất tiến bộ khi đưa quy định trên vào dự thảo thông tư. Quy định này góp phần ngăn ngừa việc lưu giữ mà gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người, quyền công dân như đã xảy ra ở một số địa phương.
Điều này cũng phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và Hiến pháp 2013 cũng như xây dựng khung pháp lý tố tụng hình sự Việt Nam mang tính hướng thiện, nhân văn và công bằng.
Thiếu tướng LÊ VĂN CƯƠNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an:
Rất cần thiết và đúng đắn
Thiếu tướng
LÊ VĂN CƯƠNG
Theo tôi, đây là thông tư tiến bộ về nhận thức cũng như phương pháp trong quá trình thực hiện dân chủ hóa trong hoạt động tư pháp. Các quy định trong dự thảo thông tư ở thời điểm hiện tại là rất cần thiết, đúng đắn, nhằm tiến tới mục tiêu công khai, minh bạch trong hoạt động tư pháp, từ đó bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Về việc nghiêm cấm câu lưu người được triệu tập tại trụ sở công an, một số ý kiến băn khoăn về sự ảnh hưởng đến hiệu quả điều tra. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được đặt lên hàng đầu. Sẽ có những chế tài khác để giải quyết băn khoăn nói trên. Chúng ta có thể bổ sung hoặc điều chỉnh các quy định liên quan đến hành chính, tố tụng… nếu thấy cần thiết.
Không thể vì lo ngại người bị triệu tập có thể bỏ trốn để lấy lý do câu lưu người được triệu tập hoặc được mời. Nếu thấy họ “có vấn đề” thì sau khi làm việc với cơ quan công an, có thể áp dụng hình thức giám sát tại nơi cư trú của họ để ngăn chặn được việc bỏ trốn.
Cạnh đó cần quy định theo hướng không nên “khoán” tất cả trách nhiệm cho công an mà chính quyền địa phương cũng phải phối hợp. Ví dụ, khi xác định đối tượng tình nghi, cơ quan công an có thể đề nghị chủ tịch xã/phường hoặc tổ dân phố cùng chịu trách nhiệm về việc bảo đảm quản lý người này tại địa phương.
Luật sư LÊ DOÃN TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Hạn chế sự lạm quyền
Luật sư
LÊ DOÃN TUẤN
Nghiêm cấm việc câu lưu có nghĩa là tuyệt đối không được làm, đây là quy định tiến bộ. Bởi việc câu lưu có thể dẫn đến sức ép về mặt tâm lý cho người bị mời hoặc triệu tập. Thậm chí có thể dẫn đến những trường hợp bị tra tấn, ép cung, thậm chí tử vong ở trụ sở công an trong khi giai đoạn này chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Vì vậy, quy định mới này là một quy định hết sức tiến bộ về nhận thức của các cơ quan làm luật nhằm hạn chế tối đa sự lạm quyền của cơ quan công an khi lưu giữ người dân quá lâu hoặc trái quy định. Điều này cũng sẽ đảm bảo tốt hơn quyền với người bị công an mời làm việc.
Luật sư BÙI ĐÌNH ỨNG, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:
Giúp nâng cao trình độ của cán bộ công an
Luật sư
BÙI ĐÌNH ỨNG
Tôi rất ủng hộ quy định này vì quyền và lợi ích hợp pháp của người dân sẽ được bảo đảm hơn. Việc nghiêm cấm này phù hợp với các quy định pháp luật tố tụng hình sự hiện hành. Theo đó, khi công an triệu tập một người thì phải có ngày giờ, lý do, lập biên bản...
Tuy nhiên, dự thảo thông tư nên làm rõ khái niệm câu lưu để có tác dụng kép. Về phía CQĐT, ĐTV và CBĐT sẽ hiểu rõ những hành vi nào thì được gọi là câu lưu để chấp hành. Về phía người dân, họ có thể chủ động bảo vệ quyền lợi của mình khi nhận thấy có dấu hiệu bị xâm phạm.
Ngoài việc quyền lợi của người dân sẽ được đảm bảo hơn, quy định này cũng đòi hỏi cán bộ công an phải nâng cao trình độ chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp, các hoạt động tố tụng phải thực hiện đúng pháp luật.
Ủng hộ nhưng cần thêm hành lang pháp lý
Trung tá ĐÀO TRUNG HIẾU
Tôi ủng hộ dự thảo thông tư vì sẽ tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm cho công dân, người tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Quy định cũng góp phần xây dựng CQĐT trong sạch, chống các biểu hiện tiêu cực.
Riêng quy định nghiêm cấm việc câu lưu người được triệu tập tại trụ sở công an, một mặt đảm bảo tối đa quyền lợi của cá nhân, tổ chức nhưng mặt khác đặt ra những vấn đề cần tính toán vì có thể gây khó trong việc truy xét và khám phá tội phạm.
Chúng ta đều biết việc đấu tranh, xét hỏi, làm rõ hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hết sức phức tạp, cam go. Thực tế không người có dấu hiệu vi phạm nào dễ dàng khai nhận về tội lỗi của mình. Để làm rõ cần phải tiến hành hàng loạt biện pháp điều tra, xác minh nhân thân, lai lịch, thu thập các dấu vết, tài liệu có liên quan… và cần một quỹ thời gian đủ dài.
Khi chưa có căn cứ tạm giữ hành chính trong 12 tiếng hoặc tạm giữ hình sự, nếu hết giờ làm việc hành chính, cho về thì đối tượng có thể bỏ trốn, tẩu tán tang vật, tiêu hủy chứng cứ. Do đó, cùng với việc nghiêm cấm câu lưu thì cần có thêm những quy định để tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc điều tra các vụ trọng án.
Trung tá ĐÀO TRUNG HIẾU, chuyên gia tội phạm học, nguyên ĐTV Đội Điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội
Chết bất thường ở trụ sở công an
Tối 13-10-2018, bà HTN (45 tuổi, trú thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) được đưa về trụ sở công an thị xã để làm rõ một vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại nhà nghỉ do bà làm chủ. Sáng hôm sau, gia đình bà N. được thông báo bà đã tử vong tại đồn công an bằng cách dùng kéo đâm vào cổ tự sát.
Không đồng tình với kết luận này, gia đình bà N. đã làm đơn đề nghị Công an tỉnh Khánh Hòa vào cuộc điều tra. Theo gia đình, trước thời điểm xảy ra sự việc, tinh thần bà N. bình thường, không mâu thuẫn với ai, việc bà quẫn bách dẫn đến tự sát là không có cơ sở. Nhưng sau đó công an thông báo bà N. tự tử để trốn tội.
Tối 13-6-2017, ông NCT (40 tuổi, trú quận Thủ Đức, TP.HCM) được Công an phường Tam Bình mời đến làm việc. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau, cán bộ công an phường đến nhà mời vợ ông T. đến trụ sở và thông báo ông đã treo cổ tự vẫn.
Thông tin cho thấy ông T. được mời về trụ sở công an do tình nghi sử dụng ma túy. Trong đêm 13-6, cán bộ công an chỉ lấy lời khai, chưa có quyết định tạm giữ ông này. Lợi dụng lúc vắng cán bộ trực ban, ông T. đã dùng ống quần tự vẫn ở song cửa sổ phòng làm việc của công an phường.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/cam-cau-luu-quy-dinh-tien-bo-cua-nganh-cong-an-892810.html