Cấm chặt đào rừng chơi Tết: Căn cứ pháp lý đã có từ lâu
Luật sư nhấn mạnh, chỉ đạo cấm chặt đào rừng của Thủ tướng là hoàn toàn phù hợp với chính sách và pháp luật của Việt Nam hiện hành vì luật quy định từ lâu.
Tại Hội nghị tổng kết công tác 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cấm tuyệt đối việc chặt phá đào rừng, yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi để chơi Tết.
Trả lời PV VTC News, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, đoàn luật sư thành phố Hà Nội) nhấn mạnh, quan điểm, ý kiến của Thủ tướng hoàn toàn phù hợp với chính sách và pháp luật của Việt Nam hiện nay.
Về nguyên tắc thì những quy định cấm của pháp luật được ghi nhận trong các văn bản luật do Quốc hội quyết định. Việc cấm chặt phá đào rừng trong các khu vực nguyên sinh hoặc bất cứ cây cối nào khác trong các khu rừng nguyên sinh là trên cơ sở các quy định của văn bản Luật Bảo vệ rừng, Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Cụ thể, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp (Điều 9) như: Chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật; Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; quản lý các loài ngoại lai xâm hại; dịch vụ môi trường rừng; Hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng...
Người vi phạm quy định về bảo vệ rừng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù có thể lên đến hơn 10 năm.
Ngoài ra, Luật Du lịch năm 2017 cũng nêu rõ quy định về bảo vệ môi trường du lịch (điều 8) và các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch (điều 9).
Việc cấm chặt phá đào rừng trong các khu vực nguyên sinh hoặc bất cứ cây cối nào khác trong các khu rừng nguyên sinh là trên cơ sở các quy định của văn bản luật bảo vệ rừng.
Luật sư Đặng Văn Cường
"Tuy nhiên, khi có những văn bản hướng dẫn cụ thể là những văn bản dưới luật để bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch thì Chính phủ và các bộ ngành cần phải căn cứ vào quy định của văn bản luật như Luật Bảo vệ rừng, Luật Lâm nghiệp, Luật du lịch, Luật đầu tư, Luật thương mại... để ban hành nghị định hoặc các quyết định, chỉ thị theo trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách cũng như để chi tiết hướng dẫn luật.
Khi ban hành văn bản quy định cụ thể thì cần phải lưu ý về đào rừng bị cấm chặt phá là đào nào? Ngoài hoa đào thì có cấm chặt phá loại cây hoa nào khác không? Trường hợp đào rừng, đào đá, đào mốc... mà được người dân trồng trong vườn, trên ruộng để phát triển kinh tế (cũng giống như đào Nhật Tân) thì không thể cấm được, thậm chí còn phải khuyến khích.
Quy định mới về cấm chặt phá cây hoa rừng chỉ có thể cấm những cây đào, cây hoa trong rừng tự nhiên hoặc các khu vực tự nhiên, việc chặt phá làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên thì mới vi phạm và mới bị xử lý", luật sư Cường phân tích.
Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp cho rằng, những năm gần đây rất nhiều người tự ý chặt phá những cây, hoa rừng về làm cây cảnh chơi Tết, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và cảnh quan thiên nhiên. Thậm chí có những đối tượng còn sẵn sàng chặt phá cây, hoa ở những khu rừng nguyên sinh để thực hiện cho mục đích cá nhân.
"Tại Hà Nội năm nào cũng vậy, cứ sau Tết lại xuất hiện rất nhiều những cành đào rừng do thương lái bán ế, bị vứt bỏ lại bên đường thành củi, ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan đô thị.
Bởi vậy việc Thủ tướng đưa ra yêu cầu cấm chặt phá đào rừng ở những khu vực rừng tự nhiên là cần thiết để đảm bảo bảo vệ môi trường tự nhiên và cảnh quan, môi trường sinh thái", ông Cường nói.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, cần thiết phải kiểm soát chặt việc chặt phá đào rừng chơi Tết để bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của nhiều địa phương, để những cây đào rừng quý, có tuổi đời lâu năm không bị chặt phá.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định thực tế trong luật đã quy định việc cấm chặt phá cây rừng, trong đó có đào rừng, tuy nhiên việc bảo vệ và quản lý những cây đào rừng còn chưa được quan tâm đúng mức.
Ông Tuấn cho rằng, để chấm dứt tình trạng chặt phá đào rừng mỗi dịp Tết Nguyên đán phải có sự vào cuộc của cả chính quyền địa phương, quản lý thị trường, lực lượng công an chứ không phải chỉ là việc của lực lượng kiểm lâm.
Đặc biệt, nếu chính quyền địa phương vào cuộc sát sao, tuyên truyền, vận động người dân không chặt phá bừa bãi, người dân nâng cao nhận thức, từ bỏ thói quen chơi đào rừng ngày Tết thì ông tin những cây đào rừng sẽ được bảo vệ, tỏa sắc làm đẹp cho núi rừng.
Người vi phạm quy định về bảo vệ rừng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Tội hủy hoại rừng như sau:
1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Tái phạm nguy hiểm;
...
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
- Điều 9 Luật lâm nghiệp năm 2017 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp:
1. Chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/cam-chat-dao-rung-choi-tet-can-cu-phap-ly-da-co-tu-lau-ar587455.html