Cấm chợ ở TP.HCM: Nghĩ đến dân mà chống dịch
Các siêu thị được mở các điểm bán hàng lưu động, phải thực hiện các biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16 thì tiểu thương cũng có thể làm được. Việc cấm chợ như ở Sài Gòn đang khiến bà con tiểu thương gặp muôn vàn khó khăn.
LTS: Chỉ thị 16 được thực hiện ở TP.HCM với các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Tuy nhiên, việc hàng trăm chợ truyền thống và các chợ đầu mối phải ngưng hoạt động đã dẫn tới nhiều ý kiến khác nhau về biện pháp phòng dịch này. Dưới đây là góc nhìn của nhà báo Hoàng Hải Vân (TP.HCM) về vấn đề này. Bài viết đã được đăng trên trang cá nhân.
Ba chợ đầu mối và hệ thống chợ truyền thống ở Sài Gòn vẫn không được mở lại theo đề nghị của hai Bộ Công Thương- Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hoàng đế Lê Thánh Tông từng ra chỉ dụ: “Trong dân gian, hễ có dân là có chợ để lưu thông hàng hóa, mở đường giao dịch cho dân. Các xã chưa có chợ có thể lập thêm chợ mới. Những ngày họp chợ mới không được trùng hay trước ngày họp chợ cũ để tránh tình trạng tranh giành khách hàng của nhau”.
Lời của vua Lê thể hiện 2 đạo lý: Thứ nhất, có dân mà không có chợ thì dân chết. Thứ hai, việc lập thêm chợ không được tranh giành khách hàng, nghĩa là người này không được giàu lên từ sự nghèo đi của người khác. Hơn 500 năm rồi mà lời này vẫn còn mang tính thời sự.
Tại Sài Gòn hiện nay, sau khi Bộ Công Thương đề nghị mở lại tất cả chợ truyền thống, hôm qua, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng đề nghị mở lại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn cùng các chợ truyền thống.
Hai Bộ đều cho rằng, chợ truyền thống là nơi cung cấp 70% thực phẩm cho người dân Sài Gòn, hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi chỉ đủ sức cung ứng 30%. Không mở lại chợ truyền thống thì không thể giải quyết được vấn đề lưu thông hàng hóa. Cấm chợ ở Sài Gòn không chỉ làm khổ người dân ở thành phố mà còn gây khó khăn thêm bà con nông dân ở các tỉnh khác.
Thế nhưng, đến hôm nay, 3 chợ đầu mối và phần lớn chợ truyền thống ở Sài Gòn vẫn chưa được mở. Chợ truyền thống chỉ được mở lại lẻ tẻ ở một số nơi.
Hàng chục vạn người lâu nay sống dựa vào những cái chợ nay lâm vào cảnh điêu đứng, kéo theo sự điêu đứng của hàng triệu người dân thành phố và các tỉnh lân cận.
Thực phẩm nơi này thiếu, còn nơi kia thì không bán được. Giá cả nơi thì tăng vọt, nơi thì tuột thê thảm. Giá tăng hay giá tuột cũng có thể đều gây ra những thiệt hại không thể đo đếm hết được.
Thành phố cho phép các siêu thị mở các điểm bán hàng trên đường phố hoặc bán hàng lưu động chẳng khác gì mở các chợ tự phát và bán hàng rong, trong khi các các tiểu thương ở chợ truyền thống, chợ đầu mối lại bị cấm?! Đó là điều mà 500 năm trước, vua Lê Thánh Tôn đã nhắc đến.
Siêu thị mở các điểm bán hàng phải thực hiện các biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16 thì tiểu thương cũng có thể làm được, sao cho siêu thị làm mà không cho tiểu thương làm ?
Tôi nghĩ, những người làm chính sách nên theo chân những người làm thiện nguyện đang mang từng miếng ăn đến cho bà con mình thiếu đói để hiểu rằng, nếu không có sự đùm bọc chia sẻ từng miếng ăn ấy trong suốt nhiều tuần qua thì nhiều người dân nghèo ở Sài Gòn chắc chắn đã khó trụ được.
Có những đứa trẻ cả tháng chỉ ăn mì tôm mà cha mẹ chúng xin được, không còn thức ăn gì khác. Nhiều gia đình đã nấu nắm gạo cuối cùng, nếu không có người cứu giúp thì lấy gì sống đây.
Nước Mỹ ngay cả vào thời điểm cao nhất, một ngày có hàng trăm ngàn người chết cũng không cấm chợ. Nhiều tỉnh ở nước ta chống dịch theo Chỉ thị 16 nhưng không cấm chợ, Hà Nội cũng chống dịch nhưng không cấm chợ.
Chỉ thị 16 và mới nhất là Nghị quyết 78/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 20/7/2021 về phòng chống dịch Covid-19 không hề ra lệnh cấm chợ. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp không phải là những người ngoài cuộc. Cả hai bộ này cũng đều nằm trong Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đặt tại TP. HCM thuộc Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Chống dịch mà nghĩ đến dân, nghĩ đến dân mà chống dịch. Còn chính quyền TP.HCM thì sao trong việc "cấm chợ"?
Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch nhưng không yêu cầu ngăn sông cấm chợ. Nay, hai Bộ chịu trách nhiệm về cung - cầu lương thực, thực phẩm, về lưu thông hàng hóa trên thị trường đã lên tiếng đề nghị mở chợ. Những đề nghị đó được đưa ra với những lý lẽ đầy thuyết phục.
Nhưng những đề nghị này không được thành phố tiếp thu, thực hiện thì phải làm sao?
Tính đến 21/7, trên địa bàn thành phố TP.HCM có 32/237 chợ truyền thống đang hoạt động. 205 chợ hiện tạm ngưng hoạt động do liên quan đến các ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc không đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nên phải tạm ngưng hoạt động (trong đó có 202 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối).
Một số chợ sau khi đóng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch (như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết,... ) đã khôi phục hoạt động như: chợ Nguyễn Tri Phương, chợ An Đông (quận 5); chợ Bình Thới, chợ Phú Thọ (quận 11); chợ Kiến Thành (quận Bình Tân),...
Hoàng Hải Vân
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Các ý kiến, bài viết trao đổi xin gửi về email: gocnhinthang@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!