'Cấm cửa bãi rác' cần giải pháp căn cơ

Giữa mùa hè nóng bức, người dân Hà Nội càng thêm bức xúc bởi những đống rác thải tồn đọng, đắp đống khắp nơi.

Nguyên nhân là từ tối 13-7, một số người dân ở hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ (Sóc Sơn, Hà Nội) đã căng lều bạt ngăn xe rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, khiến hàng vạn tấn rác không được chở về nơi xử lý. Những đống rác tồn đọng lâu ngày ở ngay khu dân cư đông đúc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là trong thời điểm mùa hè, nhiều dịch bệnh như hiện nay.

Đây không phải lần đầu người dân ở gần Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn chặn xe rác mà tình trạng này đã diễn ra tới cả chục lần! Nguyên nhân chính hầu như lần nào cũng là: Cơ quan chức năng chậm chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân phải di dời do ảnh hưởng của bãi rác hoặc mức đền bù chưa thỏa đáng; hoạt động vận chuyển và xử lý rác gây ô nhiễm môi trường khiến người dân gần khu xử lý rác không chịu đựng được do ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt…

Tình trạng này cũng thường xuyên xảy ra tại hầu hết các khu xử lý rác thải ở nước ta trong thời gian qua, như: Bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây, Hà Nội); bãi rác Khánh Sơn (Liên Chiểu, Đà Nẵng); Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Phổ Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi); bãi rác Phượng Thành (Đức Thọ, Hà Tĩnh); bãi rác Hòn Rọ ở Ninh Hòa (Khánh Hòa); Nhà máy xử lý rác Bảo Lộc (Lâm Đồng); bãi rác Thọ Vức ở TP Tuy Hòa (Phú Yên)…

Việc người dân tự ý chặn xe chở rác vào các khu xử lý rác thải, dù với lý do gì thì cũng là vi phạm pháp luật, cần xem xét xử lý nghiêm, bởi hành vi này tạo tiền lệ xấu và gây hậu quả rất lớn cả về kinh tế-xã hội, môi trường du lịch khi hàng vạn tấn rác thải phải đắp đống, tồn đọng trong các đô thị, nguy cơ ô nhiễm môi trường và dịch bệnh cho cả cộng đồng...

Nhưng đồng thời các cơ quan chức năng cũng phải làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc người dân “cấm cửa” khu xử lý rác thải, đặc biệt là phải quy rõ trách nhiệm thuộc về bộ phận, cá nhân nào? Vì sao người dân đã phản ánh, kiến nghị nhiều lần, lãnh đạo địa phương cũng đã kiên quyết chỉ đạo mà vẫn không khắc phục được những bất cập ở khu xử lý rác thải, để người dân phải bức xúc chặn xe vào khu xử lý rác nhằm gây áp lực phải giải quyết; thậm chí sự việc này còn thường xuyên tái diễn.

Có sinh sống ở gần những khu xử lý rác thải mới thấu hiểu nỗi khổ của những người quanh năm phải “sống chung với rác”. Thế nên, cứ nghe tin khu xử lý rác sắp được xây dựng ở đâu là người dân ở khu vực đó hãi hùng, phản đối kịch liệt. Vì thế, thiết nghĩ giải pháp căn cơ nhất là từ nay, việc quy hoạch xây dựng khu xử lý rác thải phải tránh thật xa khu dân cư để bảo đảm không có sự ô nhiễm môi trường trực tiếp. Công nghệ xử lý rác thải cũng phải được ưu tiên đầu tư loại tiên tiến, hiện đại để hạn chế tối đa sự phát thải ô nhiễm ra môi trường. Việc đo lường mức độ ô nhiễm xung quanh các khu xử lý rác cũng cần tự động hóa và công khai kết quả để người dân biết, cùng giám sát; xử phạt nghiêm khắc các cơ sở vi phạm.

Có thực hiện đồng bộ các giải pháp một cách kiên quyết, triệt để thì tình trạng “cấm cửa bãi rác” mới được khắc phục. Nếu không, thi thoảng nó sẽ lại bùng lên như thời gian qua.

QUANG HUY (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/y-kien-trong-ngay/cam-cua-bai-rac-can-giai-phap-can-co-627219