Cặm cụi, dâng hiến cho công việc một cách say đắm nhất
'Văn chương trở lại hằng ngày, từng giờ phút trên từng con chữ nhọc nhằn. Không có văn chương, không có được những trang báo thấm đẫm chất văn học. Và đã là chữ nghĩa thì sẽ còn lại mãi mãi…' - nhà văn, nhà báo Như Bình trải lòng.
Người nông dân cày cuốc trên cánh đồng chữ
Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh, chưa xin được việc để đi dạy, hằng ngày cô gái Như Bình thuở ấy vẫn cùng bạn thân đạp xe trên con đường ngang qua Đài PT-TH Hà Tĩnh. Chị mạnh dạn nộp đơn xin vào Đài và may mắn được nhận. Làm báo ở một tỉnh lẻ, vừa nghèo, vừa thiên tai khắc nghiệt, lại là mảnh đất trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, trên mình đầy những vết thương tích thời hậu chiến, cả trên mảnh đất bầm dập và cả ở những số phận con người đã cho Như Bình có được nhiều trải nghiệm quý giá.
“Tôi được tiếp xúc với thực tế đời sống, đắm mình trong đó, tôi bị cuốn hút ghê lắm. Được chứng kiến nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời, nhiều số phận của quê hương… tôi có rất nhiều suy nghĩ, dằn vặt” - Như Bình tâm sự.
Mỗi một lần Như Bình gặp gỡ tiếp xúc, các nhân vật cùng với câu chuyện của họ đã in lại trong tâm trí chị rất lâu, in dấu trong chị nhiều cảm xúc. “Tự dưng thôi thúc mình cầm bút. Ham ước mãnh liệt được viết và được kể lại những gì mình biết. Tôi viết báo và viết cả truyện ngắn” - Như Bình chia sẻ.
Thượng tá, nhà văn Như Bình tên thật là Lê Thị Thanh Bình, sinh năm 1972, quê ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Chị là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (2001), hiện là Trưởng ban Chuyên đề Báo Công an Nhân dân, Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ Công an.
Ở Như Bình, văn chương và báo chí là sự kết hợp, bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo. Theo chị: “Viết văn hay viết báo gì thì cũng là làm người nông dân cày cuốc trên cánh đồng chữ cả. Tôi làm báo nhưng báo văn, và tôi viết nhiều nhất là thể loại ký chân dung, nó rất gần gũi với văn học”.
Văn Như Bình lãng mạn, buồn, đẹp và đầy nữ tính. Thứ văn ấy vừa như kiếm tìm vừa như ngập ngừng, do dự trước dự cảm của chính mình nhưng không vì thế mà kém phần quyết liệt, mạnh bạo.
Đó là thứ văn của một người trẻ tuổi, viết như là trút lòng, một lần rồi thôi. Để rồi, khi mỗi trang sách lật ra là thêm một cảnh ngộ thấp thoáng ở đâu đó hiện về. Và khi ngồi ráp lại những phân mảnh ấy, kỳ lạ thay đó là khuôn mặt mà chúng ta đang mang.
Bởi ở đó, là buồn tủi, xót xa. Là cô đơn, chờ đợi. Là hạnh phúc bủa vây bởi trăm ngàn con gió chướng nghịch mùa. Là khát khao, giấc mơ sum vầy. Là tất tật mọi xúc cảm trong một lần làm người ai cũng đều nếm trải, cũng đều đi qua dù ít dù nhiều.
Lâu nay, người ta cũng biết đến Như Bình là một nhà báo với những trang viết ám ảnh về thân phận con người trên An ninh thế giới cuối tháng. Một hành trình 18 năm miệt mài, ròng rã với chuyên mục “Chuyện khó tin nhưng có thật” của báo ANTG.
“Mười tám năm tôi giữ chuyên mục Những chuyện khó tin nhưng có thật trên Báo An ninh thế giới - tôi có thể tự hào nói rằng nó là một trong số ít chuyên mục ăn khách nhất từ trước đến nay. Đó cũng là cách tôi duy trì con đường văn chương, bởi duy trì chuyên mục đó, nếu không có vốn sống, không có sự trải nghiệm văn chương và không xử lý thủ pháp nghệ thuật cao tay chắc chắn không viết được, chứ chưa nói đến viết hay” - chị Như Bình chia sẻ.
Mở rộng trái tim và sống đến kiệt mình
Như Bình ra Hà Nội vào tháng 10/2002. Có thể nói từ thời điểm đó, Như Bình đã có một hành trình mò mẫm tự tìm kiếm chính mình, tự dò dẫm con đường để đi. Công việc đặt chị vào một vị trí chuyên nghiệp ở một tờ báo lớn và nổi bật lúc bấy giờ. “Đó là quãng thời gian áp lực kinh khủng. Cho đến lúc này nghĩ lại tôi rút ra được một chân lý rằng, nếu không có áp lực, không bao giờ có thể trưởng thành và vượt lên chính mình được” - Như Bình chiêm nghiệm.
Ba người anh, người thầy lớn có ảnh hưởng rất nhiều đến con đường mà Như Bình đã và đang đi đó là Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Hồng Thanh Quang. “Họ là những người động viên, chỉ dạy tận tình và gây áp lực cho tôi nhiều nhất trong quãng thời gian chập chững gia nhập làng báo viết. Nếu không có sự khắt khe của họ, sự đòi hỏi cao về nghề nghiệp, tôi đâu được như hôm nay” - chị Bình xúc động.
Trước khi ra ANTG, Như Bình là biên tập viên truyền hình. Bởi thế, lao vào nghề báo mình mất sức, mất thời gian hơn người khác để tìm kiếm một vị trí trong lòng bạn đọc. Nhưng cả viết văn hay viết báo thì ở giai đoạn nào chị cũng tự hào là đã hết mình, đã cặm cụi và dâng hiến cho công việc một cách đắm say nhất. Với nghề, văn hay báo mình đều trân trọng và xem đó là một thánh đường - không thể cẩu thả, hay dễ dãi.
Công chúng báo chí nhớ đến chị như một cái tên góp phần làm nên thành công của những số báo đầu tiên của ANTG cuối tháng. Với chuyên mục “ăn khách”: “Những chuyện khó tin nhưng có thật”. Đây là một chuyên mục hấp dẫn và có một lượng độc giả lớn, nhiều bạn đọc yêu mến ủng hộ, đón đọc và cũng không ít người đọc đã tìm đến chị để được lắng nghe, tìm hiểu thêm về nhân vật. Một số Đài truyền hình cả hai miền Nam Bắc đăng ký với Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân xây dựng chuyên mục này thành chương trình truyền hình phát sóng.
Rất nhiều lần Đài truyền hình Việt Nam đã liên lạc với Như Bình để quay phim và ghi hình những câu chuyện thật, và đã có những chương trình truyền hình thành công vì nhân vật chính trong câu chuyện đồng ý xuất hiện trên truyền hình. Trường hợp của bà Mẫn ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc là một ví dụ điển hình. Nhiều nhà xuất bản đã đề nghị tập hợp tất cả “Những chuyện khó tin nhưng có thật” in ở trên báo An ninh thế giới thành sáu tập truyện.
Trong thời gian gần đây, Như Bình tìm đến và yêu thích hội họa. Dự định trong năm 2024 chị sẽ tổ chức một buổi triển lãm tranh về chủ đề vẽ nội tâm - tìm về với chính mình. Theo chị, hội họa đưa lại sự tự do nhất trong tất cả các bộ môn, vẽ tranh là một cách thiền tuyệt vời nhất. Khi xuất bản thơ, văn, truyện ngắn hay báo chí đều phải qua phần đọc, biên tập kỹ lưỡng của bộ phận xuất bản còn bức tranh là do mình tự đóng khung và ký tên. Nó mang lại tự do tối thượng.
“Giữa cuộc sống bộn bề, con người đang bị kìm hãm, thậm chí là cầm tù trong rất nhiều bổn phận và trách nhiệm nên việc tìm đến tự do của tư tưởng, tự do tâm hồn là vô cùng cần thiết” - Như Bình nói.
Với Như Bình, cuộc đời chị có 2 cái thời đoạn 10 năm. Thời đoạn 10 năm dành viết văn và có được cái tên, để rồi 10 năm sau đó lại đi làm báo và có thêm một cái tên nữa. Và thời đoạn nào chị cũng mở hết trái tim và sống đến kiệt mình.