'Cám dỗ Việt Nam'?
Đọc 'Cám dỗ Việt Nam…' của Nguyễn Hữu Liêm, tôi trải qua nhiều trạng thái. Thống khoái, thi vị. Ngỡ ngàng, tỉnh thức, xen lẫn dằn vặt, đớn đau...
Bốn chữ tựa cuốn sách “Cám dỗ Việt Nam”, khi bắt đầu đọc tôi muốn đặt sau nó một dấu hỏi. “Cám dỗ” nguyên ủy của quê hương bản quán mà con người dù đi đâu xa vẫn luôn hướng về? Như một hoài niệm tâm thức không thể nào chối bỏ? Hay còn “cám dỗ” nào nữa của hiện thực, từ hiện thực đời sống, con người Việt hôm nay? Dưới ngòi bút và góc nhìn của một người có mấy chục năm sống, dạy, viết và nghiền ngẫm Triết học ở Mỹ.
Tác giả Nguyễn Hữu Liêm đã trả lời bằng 26 bài mà ông đặt tên là “bút ký” trong cuốn sách dày ngoài 200 trang này. Ta đôi chỗ có thể thấy thấp thoáng đâu đó lối viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường - người đồng hương Quảng Trị vốn đưa nhiều suy tư triết học vào ký. Nhưng không hẳn. Chất suy tư đậm đặc trong từng trang viết của giáo sư triết học Nguyễn Hữu Liêm toát lên một tinh thần, hơi thở và góc nhìn khác. Dù tôi không cho rằng toàn bộ các bài viết trong sách này là “bút ký”.
Trong sách nhiều bài viết thực sự là những câu chuyện triết học dân dã và thú vị (Từ quận công tới tiểu đồng, Gặp gỡ và tiến hóa, Trong đớn đau và thống khoái, Mưa hoàng hôn - nắng nửa đêm, Chuyện con gà trống ưa gáy sáng, Câu chuyện của chợ Hôm và sông Thạch Hãn,…). Là những bài du ký về dải đất quê hương miền Trung. Và cả những bài luận, về giáo dục, tinh thần ái quốc, về cái sự ngủ-thức giữa cuộc đời, về những nhân vật anh hùng trong kiếm hiệp,… Đọc “Cám dỗ…” của Nguyễn Hữu Liêm, tôi trải qua nhiều trạng thái. Thống khoái, thi vị. Ngỡ ngàng, tỉnh thức, xen lẫn dằn vặt, đớn đau...
“Cám dỗ Việt Nam”? Nguyễn Hữu Liêm cho biết ông khởi hứng suy tư từ cuốn “Niềm cám dỗ Tây phương” của André Malraux (Pháp) xuất bản từ 1926. “Tự trong mỗi người Việt đang ở Âu Mỹ, hay ở bên nhà, đồng lúc có đến hai nước Việt Nam. Một Việt Nam cho mệnh lệnh lý tưởng, và một Việt Nam trong thực tế đang là… Từng chúng ta hình như bị choáng ngợp cưu mang hai năng lực tình cảm giằng xé nhau: Giữa cái ta hướng về Tổ quốc, giữa một tình cảm dâng tràn bên bờ lý trí ngăn nước, giữa một lịch sử trần trụi trong nhiều dự phóng tương lai”.
Từ triết học của Schopenhauer, ông quan sát vầng trán và lông may của thanh thiếu niên Việt Nam, để nhận ra: “Tình cảm thì chưa khuấy động mà nét nhăn nhó đã viết lên đầy khuôn mặt. Chúng ta chưa giấu được cảm xúc để xây đắp một hình dáng nhân cách và ngoại hình thanh thản, trầm tĩnh”.
Tác giả nhận ra rằng nước Mỹ như một lâu đài, mà người Việt bước vào cánh cửa thứ hai khi nó mở ra, thì phải tìm cách đóng lại cánh cửa thứ nhất. Cánh cửa ấy như là quá khứ của bản thân và đất nước (Trở lại quận Cam ở nơi cánh cửa thứ nhất). Nhưng người Việt ở Cam vẫn cứ lửng lơ giữa hai cánh cửa. Thực ra đông đảo người Việt sống ngay trên quê hương bản quán của mình, cũng đang lửng lơ với nhiều cánh cửa, nhiều dằn vặt.
Nỗi hoang mang ấy đeo đuổi chính tác giả, người vốn sở đắc một cách sâu sắc tinh thần duy lý triết học: “Tôi thấy giang sơn mình mang đầy một vẻ linh thiêng làm tôi say sưa với hương vị đất trời mà không sao hiểu được bằng lý trí” (Mưa hoàng hôn, nắng nửa đêm). Để đôi khi buộc mình phải tìm cho mình một độ lui an toàn: “Cái gì cứ nghe và nhìn với khoảng cách thì cũng đẹp, nhưng khi đến gần thì dễ bị thất vọng. Nhức đầu và nhiêu khê là quy luật ở quê hương mình” (Về Việt Nam: Đứng chỗ gần, ngồi chỗ xa).
Vết thương lớn nhất mà người Việt vẫn phải đeo mang, theo Nguyễn Hữu Liêm đó là “sử tính Việt”, như một nỗi ám ảnh về quá khứ chưa thể hóa giải, mà chính ông nhiều khi vẫn còn bị dính mắc. Như một buổi trưa nọ trên chuyến xe chạy ngang qua quê hương, những đứa con của ông cứ ngủ gà gật bỏ ngoài tai lời kể của cha về lịch sử, về cuộc chiến vừa qua tại chính nơi này. Khi bị đánh thức, những đứa con liền nói: Đó là chuyện của cha, còn chúng con đã là người Mỹ, không nặng tình quá khứ. “Hạnh phúc thay cho một thế hệ không có nhiều sử tính - nhất là sử tính Việt!” (Nơi bến đò Nguyễn Văn Trỗi). Kết luận ấy khiến tôi khá hoang mang. Rằng có thật đúng vậy không? Cần triệt để vậy không? Hay là tôi cũng như mọi người Việt khác. Vẫn dính mắc vết thương Việt, vẫn nặng lòng với những gì đã qua?
“Cám dỗ Việt Nam” tuy nhiên không chỉ khơi dậy và chạy chữa những vết thương. Mà lồng trong đó những suy tư thi vị về thiên nhiên, con người, về vũ trụ và quy luật đời sống. Nhiều khi ngân vang, như thơ. “Một mình đi ra đứng bên cây dương liễu cằn cỗi, già nua, cong mình dưới gió đông bắc từ biển, tôi đưa tay đụng vào thân cây cằn cỗi của hắn. Tôi thấy như mình đang nắm tay ông già xứ Quảng, da mặt thân hình hắn nhăn nheo, vươn tay ra níu áo tôi, nở nụ cười đầy tâm sự. Tôi nhớ đến một ý niệm học được trong trường đạo Rosicrucian rằng, “Man is the inverted plant” - Con người là thân cây đảo ngược… Ôi ông già dương liễu ơi, ta với ngươi cùng chia Trái đất, nhưng đi về hai hướng. Ta đi lên kêu trời, ngươi đi xuống mò đất. Hai chúng ta cần bộ xương sống nằm ngang của thú vật để cấu thành một điệp trúc trần gian. Hèn gì ta thấy như đang thiếu cái gì đó, sâu thẳm, vô cùng...” (Sóng biển Lăng Cô).
“Việt Nam là cái lò luyện kim tinh thần, là trường đời khắc nghiệt. Mong sao mọi người và tôi có được cái tâm bồ đề kiên cố” (Về Việt Nam: Đứng chỗ gần, ngồi chỗ xa). Tôi cũng tự mong mình, như vậy.
“Cám dỗ Việt Nam” – NXB Hội Nhà văn & Domino Books phát hành tháng 7/2019.
Tác giả Nguyễn Hữu Liêm là tiến sĩ Luật khoa, tiến sĩ Triết học (Hoa Kỳ), nguyên chủ nhiệm tập san Triết xuất bản ở Hoa Kỳ vào thập niên 1990-2000. Ông là tác giả của Dân chủ pháp trị (1991), Tự do và đạo lý (1994), Sử tính và ý thức (2018), Thời tính, hữu thể và ý chí: Một luận đề siêu hình học (NXB Đà Nẵng & Domino Books, 2018)… Hiện ông là giáo sư triết học tại San Jose City College, California.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/cam-do-viet-nam-1442794.tpo