Cảm động đằng sau câu chuyện cụ bà 83 tuổi ở Thanh Hóa xin... thoát nghèo!
'Bản thân mình đang giúp được cho nhiều hoàn cảnh khó khăn khác, không hà cớ gì lại ghi danh hộ nghèo, là gánh nặng cho chính quyền, cho Đảng và Nhà nước', cụ Đỗ Thị Mơ chia sẻ.
Trong khi nhiều hộ gia đình mong được là hộ nghèo, thậm chí có những câu chuyện vận động để được lọt danh sách hộ nghèo nhằm trục lợi chính sách thì mới đây, câu chuyện cụ bà hơn 80 tuổi Đỗ Thị Mơ (83 tuổi, trú tại thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, Thường Xuân, Thanh Hóa) viết đơn xin thoát nghèo đang khiến cho nhiều người phải suy ngẫm.
Nhường cho người khác
Trong đoạn clip được lan truyền trên Facebook, hình ảnh cụ bà Đỗ Thị Mơ tóc bạc phơ lên UBND xã đề nghị chính quyền địa phương giải quyết cho cụ được ra khỏi danh sách hộ nghèo đã khiến cộng đồng cảm động. Đoạn video về cụ Mơ đã thu hút rất nhiều người chia sẻ và bình luận theo chiều hướng phấn khích, hoan nghênh tinh thần của cụ bà.
Theo cụ Đỗ Thị Mơ, cách đây hơn 1 năm, cụ quyết định xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã vì cảm thấy bản thân mình đang có thể làm việc, sản xuất, kiếm ra đồng tiền để tự trang trải cuộc sống, song không thấy trả lời nên mới đây cụ tiếp tục lên UBND xã để xin thoát nghèo.
Lý do cụ Mơ xin thoát nghèo là bởi cụ thấy mình không còn nghèo. Hiện tại, cụ Mơ đang sống trong một căn nhà cấp 4 rộng chừng 20m2, ở thôn Lương Thiện. "Bản thân mình đang giúp được cho nhiều hoàn cảnh khó khăn khác, không hà cớ gì lại ghi danh hộ nghèo, là gánh nặng cho chính quyền, cho Đảng và Nhà nước".
Câu chuyện không dừng lại ở đó, lý do cao cả khiến cho cộng đồng xã hội tán dương chính là mong muốn thoát khỏi hộ nghèo để làm gương cho những người khác, cố gắng nỗ lực.
Dù ở tuổi "xưa nay hiếm" nhưng cụ Mơ vẫn linh hoạt, sức khỏe dẻo dai và trò chuyện rất cởi mở, vui vẻ. Cụ Mơ còn hay đọc thơ răn dạy con cháu.
Cụ Mơ bảo: "Cũng có nhiều người khuyên bảo cụ không nên xin thoát nghèo, vì dẫu sao cụ cũng đang ở có một mình, tuổi cao sức yếu. Nếu là hộ nghèo sẽ được thụ hưởng nhiều chính sách của Nhà nước". Tuy nhiên, với tâm niệm có làm có ăn, không trông chờ ỷ lại vào ai nên quyết định của cụ là không thay đổi. Suất hộ nghèo của cụ để dành cho những trường hợp khó khăn hơn.
Không ở với con
Hàng ngày cụ Mơ tự nuôi gà, chăm sóc vườn tược và bán rau ở ngoài chợ để kiếm tiền chi tiêu, sinh hoạt. Cụ Mơ kể, năm 1987, chồng cụ qua đời, một mình cụ ở vậy nuôi 11 người con (10 người con đẻ và 1 người con nuôi) mà không đi bước nữa.
Vất vả bao năm chăm lo cho các con từ khi thơ dại đến lúc yên bề gia thất, nhưng đến nay, cụ vẫn ở riêng một mình và không nhờ cậy người con nào. Cụ bảo, đứa nào cũng có cuộc sống riêng của chúng. Dù mong muốn cụ ở cùng để phụng dưỡng nhưng cụ từ chối. Với cụ, bản thân còn tự lo cho mình được thì không phải phiền hà đứa nào cả.
Hàng ngày, cụ trồng vài mớ rau, nuôi dăm con gà nhưng cũng thường xuyên có tiền tích cóp để cho hàng xóm, những người khó khăn vay khi cần. Chẳng hạn, có trường hợp hộ gia đình gần nhà cụ có người bị tai nạn lao động, khó khăn cụ đã sẵn lòng cho vay tiền. Khi trả nợ, hộ gia đình trên bảo trả lãi cho cụ nhưng bảo không có lấy. Hay như, trường hợp làm nên được nhà cao cửa rộng thì bắt đầu vướng nợ khiến cho cả vợ, cả chồng phải vô miền Nam nhưng tiền đi từ đây vô miền Nam không có, cụ lại cho vay năm triệu để vào Nam có tiền thuê nhà, kiếm việc làm.
Trước khi chia tay phóng viên, cụ còn níu tay khẳng định mình xin ra khỏi hộ nghèo chứ không có thắc mắc gì về chế độ, chính sách.
Ông Lương Xuân Thiêm – Chủ tịch UBND xã Lương Sơn xác nhận: "Sự việc cụ Mơ xin thoát nghèo là thật. Trong lúc cụ Mơ lên UBND xã đề nghị được ra khỏi danh sách hộ nghèo, một người đã quay lại clip rồi đăng tại lên mạng xã hội. Sau đó có nhiều người chia sẻ, hoan nghênh".
Vị chủ tịch xã cho biết, ông đánh giá cao tinh thần của một công dân có trách nhiệm như cụ. Địa phương đã tiến hành rà soát lại các điều kiện xem xét, giải quyết đề nghị của cụ theo đúng quy định.
Trước đó, cũng ở tỉnh này, mặc dù còn đó những khó khăn, nhưng nhiều hộ dân ở huyện miền núi cao Quan Sơn đã vượt qua được chính mình, vượt qua được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách an sinh - xã hội của Nhà nước. Nhiều người dân đã tự nguyện xin thoát nghèo, đặc biệt có 120 lá đơn được các hộ dân viết bằng tay. Việc làm này thực sự đã tạo nên một luồng sinh khí mới, thành "phong trào" giảm nghèo và rất đáng biểu dương bà con nơi đây.