Cấm đốt đồ mã chứ không cấm vàng mã
Theo cách hiểu của nhiều người dân, các quy định trong Nghị định 75 cấm toàn bộ các hành vi đốt vàng mã tại nơi công cộng.
> Sẽ cấm xin ấn Đền Trần?
> Ứng xử thế nào với hầu đồng?
> Từ 1/9, cấm đốt vàng mã nơi công cộng
Đốt hình nhân, nhà, xe… mới bị phạt
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH,TT & DL cho biết, Nghị định 75 vừa ban hành chỉ cấm đốt "đồ mã" chứ không cấm đốt "vàng mã" theo cách hiểu của nhiều người dân hiện nay.
Theo ông Thành, “đồ mã” được hiểu là những đồ vật thật được mô phỏng bằng giấy như nhà, xe, voi, ngựa... nhằm đốt cho người đã chết. Theo đó, những hành vi đốt đồ mã tại các nơi công cộng, lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 75 là từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Với mức phạt này, Chủ tịch UBND các cấp và hệ thống thanh tra chuyên ngành có thể ký quyết định xử phạt.
Ông Vũ Xuân Thành cho biết, với hành vi đốt đồ mã của các cá nhân tại vỉa hè hay khoảng đất chung cũng có thể coi là đốt đồ mã tại nơi công cộng, còn những hành vi đốt đồ mã tại gia đình, bên cạnh mồ mả... thì Nghị định này chưa đề cập tới.
Ông Thành cho rằng, việc xử phạt sẽ tùy từng trường hợp, mức độ. Ví dụ như việc đốt đồ mã của các gia đình tại vỉa hè, khoảng không chung nhưng lại được đốt trong các thùng đốt mã sạch sẽ thì cũng sẽ được xem xét. Như vậy, có thể hiểu, với hành vi đốt vàng mã tại các chùa, đền... sẽ không bị xử phạt.
Theo ông Thành, quy định cấm này chủ yếu tập trung vào việc xử lý đốt đồ mã tại các lễ hội, đặc biệt là những lễ hội có lượng đốt đồ mã lớn, gây lãng phí. Việc xử phạt sẽ được áp dụng với cá nhân đốt đồ mã chứ không xử lý phạt với chùa, đền... hoặc đơn vị quản lý nơi xảy ra sự việc.
Nghị định 75 có hiệu lực từ ngày 1/9, tuy nhiên đến thời điểm này, Bộ VH, TT & DL chưa được các địa phương báo cáo về số vụ việc đốt đồ mã đã bị xử phạt.
Việc đốt vàng mã tại các chùa sẽ không bị xử phạt.
Các chùa ủng hộ
Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, nên cấm hoàn toàn việc đốt đồ mã, vàng mã tại nơi công cộng. Việc đốt vàng mã tại các chùa gây lãng phí và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Những người phải trực tiếp chịu đựng mùi khói, sự ngột ngạt của việc đốt vàng mã chính là các sư, sãi... ở chùa.
Theo Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, mang vàng mã đến đốt tại các chùa chủ yếu là giới trẻ. Những phật tử thường xuyên đến chùa nghe giảng pháp thì ít có hành vi đốt mã.
Thượng tọa cho rằng, cách tri ân tốt nhất với những người đã khuất và với cuộc đời chính là việc đối xử tốt với những người xung quanh mình khi họ còn đang sống.
Theo Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, muốn chấm dứt được việc việc đốt đồ mã, vàng mã một cách triệt để thì các cơ quan chức năng cần cấm hẳn từ khâu "đầu" là hoạt động sản xuất chứ không nên cấm kiểu "đằng đuôi" là người đốt như hiện nay. Thượng tọa cho rằng, nếu cấm sản xuất, cấm bán mặt hàng này thì những người có nhu cầu mua để đốt cũng không thể mua được.
Còn Hòa thượng Quảng Ân, chùa Lý Triều Quốc Sư cho biết, trước khi có Nghị định 75, nhà chùa đã không cho đốt đồ mã tại chùa. Những người đi lễ tại chùa có thể đốt những xấp tiền vàng mã nhỏ chứ tuyệt đối không được mang ngựa, xe... tới đốt.
Hòa thượng Quảng Ân đồng tình với quy định cấm đốt đồ mã nhưng cho rằng không nên cấm hoàn toàn với việc đốt vàng mã bởi đây là một thói quen ăn sâu vào tiềm thức của người dân từ lâu đời. Việc cấm đốt chỉ nên ở mức độ nào đó chứ không nên cấm hoàn toàn.
Hoàng Phương
Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20100924022923626p0c1003/cam-dot-do-ma-chu-khong-cam-vang-ma.htm