Cấm dùng điện thoại di động nhưng lại cho quét mã QR tại cây xăng: Tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ

– Mặc dù đã có quy định cụ thể về việc cấm sử dụng điện thoại di động trong khu vực cửa hàng xăng dầu (thường gọi là cây xăng), thế nhưng thời gian gần đây, việc sử dụng điện thoại di động để thanh toán tiền xăng thông qua quét mã QR, chuyển khoản ở các cây xăng trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phổ biến, điều đó tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Theo tìm hiểu, hiện tượng bốc hơi ở xăng, dầu tạo nên ion tích điện xung quanh các cây xăng; mỗi khi người dùng gọi điện hoặc kết nối mạng không dây như 3G, 4G, wifi hay bluetooth sẽ làm tăng gấp nhiều lần công suất phát sóng của điện thoại di động; sự cộng hưởng và tương tác điện từ sẽ dễ gây cháy, nổ. Bên cạnh đó, nếu chẳng may đánh rơi điện thoại, tia lửa điện có khả năng xuất hiện từ chính trong cục pin; sử dụng đèn flash điện thoại ở khu vực cây xăng cũng có nguy cơ cháy, nổ cao…

Người dân sử dụng điện thoại khi mua xăng tại một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố Lạng Sơn

Người dân sử dụng điện thoại khi mua xăng tại một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố Lạng Sơn

Ngày 17/10/2023, khảo sát tại một số cây xăng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, chúng tôi thấy hầu hết đều dán mã QR tại khu vực cây xăng, thậm chí nhiều cây xăng còn trang bị máy quét mã để người dân dễ dàng thanh toán tiền khi mua xăng, dầu. Khi được hỏi, đa phần khách hàng đều trả lời việc thanh toán qua chuyển khoản, quét mã QR rất tiện dụng, nhanh chóng nên sử dụng phương thức này. Đáng nói, việc quét mã QR diễn ra ngay cạnh cột cây xăng, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao, nhưng nhiều người chủ quan, chưa nhận thức rõ nguy cơ cháy, nổ do sử dụng điện thoại ở khu vực này.

Ông Đình Văn Khanh, ở khối 6, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi thường thanh toán tiền xăng bằng cách quét mã QR tại cây xăng. Phương thức thanh toán này không phải chờ đợi bù tiền như thanh toán bằng tiền mặt, tôi thấy rất tiện lợi. Về nguy cơ xảy ra cháy, nổ khi sử dụng điện thoại di động tại cây xăng tôi cũng đã nghe phổ biến nhiều nhưng tôi nghĩ hiếm khi xảy ra nên vẫn chủ quan…

Không chỉ trường hợp trên, quan sát nhiều trường hợp thanh toán tiền xăng, chúng tôi thấy phần phần đa là quét mã QR ngay cạnh cây xăng. Bên cạnh đó, nhiều người còn tranh thủ sử dụng điện thoại để nhắn tin, nghe gọi ngay khu vực này trong khi chờ bơm xăng, gây nguy cơ cao về cháy, nổ.

Người dân quét mã QR thanh toán tiền tại cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố Lạng Sơn

Người dân quét mã QR thanh toán tiền tại cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố Lạng Sơn

Còn bà Hoàng Thị Lệ, ở xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn thì tỏ ra lo ngại: Tôi thấy nhiều người thanh toán tiền bằng hình thức chuyển khoản, hay quét mã QR bằng điện thoại sau khi đổ xăng. Việc làm này khiến tôi rất lo lắng mỗi khi vào cây xăng, vì nhiều người sử dụng điện thoại di động gây nguy cơ cháy, nổ rất lớn.

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 115 cây xăng đang hoạt động, hầu hết đều có mã QR của cửa hàng hoặc của nhân viên để khách hàng tiện thanh toán qua hình thức chuyển khoản khi khách hàng cần thiết. Tuy mang lại tiện ích nhưng việc làm này lại tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, mất an toàn cho những người có mặt tại khu vực cây xăng.

Được biết, các vị trí trong khu vực cây xăng tiềm ẩn cháy, nổ cao gồm: cột bơm xăng dầu, nơi thường xuyên diễn ra hoạt động bơm rót; miệng vòi bơm khi bơm xăng cho các phương tiện; khu vực bể chứa xăng dầu… Ngoài ra, một số cây xăng còn kết hợp bán cả bình gas tại chỗ cũng là khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra cháy, nổ.

Thiếu tá Nguyễn Tùng Sơn, Đội trưởng Đội Công tác Phòng cháy, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh cho biết: Hằng năm, đơn vị đều tổ chức kiểm tra toàn diện việc thực hiện các quy định đảm bảo an toàn về PCCC&CNCH tại 100% cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Qua đó chỉ ra những tồn tại và kiến nghị các cửa hàng khắc phục. Đối với tình trạng khách hàng sử dụng điện thoại di động ở khu vực cây xăng để thanh toán tiền qua hình thức chuyển khoản, quét mã QR diễn ra phổ biến gần đây, chúng tôi đều cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy, nổ cho cửa hàng và Nhân dân trong các đợt kiểm tra. Chúng tôi cũng yêu cầu các cửa hàng xăng dầu đặt mã QR, nhắc nhở khách hàng quét mã, chuyển khoản thanh toán tiền xăng, dầu hoặc sử dụng điện thoại di động cũng như các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại vị trí đảm bảo khoảng cách an toàn với khu vực nguy hiểm.

Điện thoại di động là thiết bị thông tin đã trở nên thông dụng đối với đời sống sinh hoạt của người dân bởi những tiện ích mà nó mang lại, nhất là thời kỳ chuyển đổi số như hiện nay. Thế nhưng, thực tiễn nêu trên đặt ra yêu cầu cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần sớm tìm giải pháp phù hợp, để vừa thuận tiện cho người dân thanh toán bằng hình thức điện tử, vừa phải bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy, nổ, tránh để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Cùng đó, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định liên quan tại khu vực kinh doanh xăng, dầu và mặt hàng dễ cháy, nổ khác.

Theo Điều 35 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt đối với hành vi “Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện tử” như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng đối với hành vi mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm.

2. Phạt tiền từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện, điện tử ở những nơi có quy định cấm…

KHÁNH LY - ĐINH HƯƠNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-de-hom-nay/618729-cam-dung-dien-thoai-di-dong-nhung-lai-cho-quet-ma-qr-tai-cay-xang-tiem-an-nguy-co-chay-no.html