Cam Đường - miền đất dấu yêu

Thị xã Cam Đường là một đơn vị hành chính cũ của tỉnh Lào Cai trong khoảng thời gian từ năm 1963 đến 1979 và từ 1992 đến 2002. Khu vực thị xã Cam Đường trước kia nay là các xã, phường phía Nam thành phố Lào Cai.

Cụ Hoàng Thị Hoa, tổ 17, phường Bình Minh, thành phố Lào Cai năm nay đã 90 tuổi nhưng vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn. Cụ là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở Làng Chiềng, xã Cam Đường (trước kia) vẫn còn nhớ như in về lịch sử vùng đất. Theo cụ Hoa, vùng đất thị xã Cam Đường trước đây là xã Cam Đường, thời Pháp thuộc, xã Cam Đường thuộc châu Thủy Vỹ. Giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Cam Đường thuộc huyện Bảo Thắng với các làng, bản người Dao, người Tày, người Kinh sống đan xen, hòa thuận. Rất nhiều tên gọi làng, bản trước đây vẫn còn được lưu lại đến tận ngày nay như: Làng Cáng, Làng Vạch, Làng Thác, Ú Sì Sung... Ngày ấy, Cam Đường vẫn còn là một vùng đất hoang vu, cá đầy suối, muông thú đầy rừng. Người dân chăm chỉ làm nông, lâm nghiệp; giao thông cách trở, chủ yếu lưu thông bằng đường mòn, đi bộ dọc bên suối, khe. Cuộc sống nghèo khó nhưng bình yên.

Đến năm 1955, xã Cam Đường được chia thành 5 xã, gồm: Cam Đường, Hợp Thành, Nam Cường, Quang Trung, Tân Tiến. Đến năm 1963, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/CP thành lập thị xã Cam Đường trên cơ sở tách một phần diện tích, dân số của xã Cam Đường, huyện Bảo Thắng. Lúc này, thị xã Cam Đường gồm 3 tiểu khu: Bến Đá, Pom Hán, Bắc Lệnh. Ngày 27/12/1975, Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết sáp nhập tỉnh Lào Cai, Yên Bái lấy tên là tỉnh Hoàng Liên Sơn; thị xã Cam Đường thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Đến ngày 17/4/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 168 CP về việc hợp nhất một số huyện, thị xã thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, sát nhập toàn bộ diện tích, dân số của thị xã Cam Đường vào thị xã Lào Cai. Đến ngày 9/6/1992, Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ hiện nay) ban hành Quyết định 205- HĐBT tái lập thị xã Cam Đường từ một phần diện tích, dân số của thị xã Lào Cai. Đến cuối năm 2001, thị xã Cam Đường có 8 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm phường Bắc Lệnh, Pom Hán, Thống Nhất, Xuân Tăng và xã Cam Đường, Nam Cường, Hợp Thành, Tả Phời. Đến ngày 31/1/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2002/NĐ-CP tái sáp nhập thị xã Cam Đường vào thị xã Lào Cai.

Nhắc đến Cam Đường là nhắc đến vùng đất với truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng. Nơi đây, ngày 10/10/1948 đã thành lập Chi bộ Cam Đường - Chi bộ nông thôn đầu tiên của tỉnh do đồng chí Tô Vũ là Bí thư Chi bộ. Từ đây, đã khơi dậy phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân địa phương. Đó là những tháng ngày không quên khi người dân đoàn kết, đồng cam, cộng khổ cùng cán bộ cách mạng, bộ đội giải phóng ăn lán, ngủ rừng, đấu tranh cách mạng dưới nhiều hình thức. Địa danh này cũng là nơi đón Bác Hồ khi Bác và phái đoàn công tác đi tàu hỏa từ Hà Nội lên thăm Lào Cai.

Vùng đất Cam Đường còn ghi dấu rõ nét với quá trình khai thác, phát triển nguồn khoáng sản apatit, gắn liền với lịch sử phát triển của Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam ngày nay. Có nhà máy khai thác, sản xuất tinh quặng Apatit lớn nhất nước nên không ngạc nhiên khi Cam Đường là nơi sinh sống của hàng ngàn công nhân mỏ mà nhiều người vẫn gọi bằng cái tên giản dị, quen thuộc: Công nhân mỏ Apatit Cam Đường. Gần trăm năm qua, lớp lớp thế hệ công nhân mỏ chất phác, nhân hậu đã, đang nỗ lực từng ngày, từng giờ, đóng góp bàn tay, khối óc cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, địa phương.

Từ thị xã Cam Đường xưa cũ, khó khăn mọi bề, sau nhiều năm dày công xây dựng đã hiện hữu vùng đất phía Nam của thành phố tươi đẹp. Đó là Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường văn minh, hiện đại bậc nhất vùng Tây Bắc với quy hơn 2.350 ha. Đại lộ Trần Hưng Đạo thênh thang, rộng lớn, tuyến đường giao thông huyết mạch mà người dân địa phương vẫn quen gọi là “đường 58”. Ngoài trụ sở các cơ quan hành chính của tỉnh đang hoạt động hiệu quả thì nơi đây dần hình thành các khu đô thị đồng bộ, hiện đại, tạo diện mạo mới cho khu vực. Không còn là “vùng lõm” của thành phố, giờ đây phường Nam Cường, Bình Minh, Bắc Lệnh, Pom Hán hay xã Tả Phời, Hợp Thành, Cam Đường... đã vươn mình phát triển, từng bước trở thành đô thị phát triển, những vùng quê đáng sống.

Vùng đất thị xã Cam Đường với nhiều dấu mốc lịch sử như vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của bao người. Lớp lớp thế hệ người dân các xã, phường phía Nam thành phố hiện nay vẫn thường quen miệng, trò chuyện, giới thiệu với bạn bè, du khách thập phương rằng mình là người dân Cam Đường với sự tự hào về vùng đất lịch sử. Trong dòng hồi ức về vùng đất xưa cũ, người dân Cam Đường vẫn còn nhớ về những cửa hàng, công xưởng, công trường vang bóng một thời luôn rộn ràng tiếng máy, khí thế lao động sôi nổi ở Nhà máy Bia Cam Đường, Nhà máy Xi măng Lào Cai, Đội Xây dựng thị xã Cam Đường hay Cửa hàng Thương nghiệp Cam Đường. Tất cả như vẫn còn quanh đây, như mới ngày hôm qua, nguyên vẹn và cảm xúc.

Còn đối với nhiều người trẻ, khi sinh ra, lớn lên, chỉ còn tìm lại được thị xã Cam Đường qua những trang sách lịch sử hay câu chuyện kể của ông bà, cha mẹ, thầy cô thì vui vẻ, thân mật gọi đây là “Quận Cam”. Em Lương Thủy Tiên, học sinh Trường THPT số 2, thành phố Lào Cai tâm sự: Qua những bài học lịch sử, giáo dục truyền thống, chúng em thêm tự hào về mảnh đất Cam Đường yêu dấu, về quá khứ hào hùng của ông cha. Giờ đây, Cam Đường không còn là vùng quê nghèo nàn, lạc hậu mà đã phát triển mạnh mẽ, lớp trẻ gọi là “Quận Cam” cũng là cách để nói về sự phát triển của địa phương, thể hiện tình yêu với mảnh đất này.

Thị xã Cam Đường cũ không còn tên trên bản đồ hành chính, những dấu vết xưa dần vắng bóng nhưng vẫn là cách gọi thân thương với nhiều người dân, gợi nhớ về vùng đất dấu yêu với bề dày truyền thống lịch sử.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/357889-cam-duong--mien-dat-dau-yeu