Cẩm Giàng dâng hương tưởng niệm Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh
Lễ dâng hương tưởng niệm Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh thể hiện sự trân trọng lịch sử, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn vinh y đức, phát huy nền y dược cổ truyền Việt Nam.
Sáng 19.5 (mùng 1.4 âm lịch), UBND huyện Cẩm Giàng, UBND xã Cẩm Văn, Cẩm Vũ cùng đông đảo nhân dân, du khách thập phương trang trọng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh.
Đền Bia tọa lạc tại thôn Văn Thai (xã Cẩm Văn), là nơi lưu giữ lời di nguyện thiêng liêng của Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh. Ông tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, sinh năm 1330 tại làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng, nay là thôn Nghĩa Phú (xã Cẩm Vũ). Lên 6 tuổi, ông mồ côi cha mẹ, được sư trụ trì chùa Nghiêm Quang (chùa Giám) đón về nuôi dạy. Suốt cuộc đời tuổi thơ ông nương tựa chốn thiền môn.
Năm 22 tuổi (1351), ông thi đỗ Hoàng giáp nhưng khước từ việc làm quan. Thường xuyên phải chứng kiến những trận dịch lớn cướp đi mạng sống của người dân nghèo khó, với mong muốn chuyển họa vi phúc, khởi tử hoàn sinh, cứu lấy trăm dân muôn họ, ông đã nghiên cứu cỏ cây, hoa lá cùng với việc nghiên cứu dược liệu và chủ động trồng thuốc, tiếp tục thu thập những phương thuốc quý trong dân gian, lập y xá ngay tại các chùa để chữa bệnh bằng những bài thuốc, phương pháp đơn giản mà công hiệu cứu giúp những người bệnh nghèo, dập tắt những trận dịch lớn.
Các nguồn tài liệu hiện cho biết ông đã tham gia xây dựng 24 ngôi chùa và biến chùa thành các cơ sở chữa bệnh, cứu được nhiều người qua cơn bệnh tật. Với sự tận tụy của Tuệ Tĩnh, phong trào trồng thuốc nam ngày càng được truyền bá rộng rãi, nhiều gia đình tự trồng thuốc và tự chữa bệnh.
Năm 55 tuổi, sự nghiệp làm thuốc của ông đang nở rộ thì vua Trần xung ông vào đoàn đi sứ nhà Minh (Trung Quốc). Do có tài năng chữa khỏi bệnh cho Tống Vương Phi (vợ vua Minh), vua Minh phong ông là thái y, thiền sư và giữ lại làm việc ở Viện Thái y, một thời gian sau ông mất tại Giang Nam.
Cuộc đời và sự nghiệp của Tuệ Tĩnh đã để lại cho hậu thế những di sản quý báu trên nhiều lĩnh vực, đó là các đóng góp quan trọng cho kho tàng tri thức y dược học dân tộc. Hơn 30 năm hoạt động khoa học, ông đã tập hợp, nghiên cứu, hệ thống, tổng kết các phương pháp chữa bệnh, gồm 10 khoa, 2 môn, bằng 3.873 phương thuốc, 580 vị thuốc chữa 184 bệnh, Tuệ Tĩnh có cống hiến to lớn về lý luận và thực tiễn cho nền y dược dân tộc, sự nghiệp của ông không ngừng được kế thừa và phát huy. Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là người kế tục xứng đáng sự nghiệp của ông ở thế kỷ XVIII.
Khi mất, trên mộ tại Giang Nam (Trung Quốc), ông cho người khắc tấm bia mang dòng chữ "Sau này có ai bên nước Nam sang, nhớ cho hài cốt tôi về với". Năm 1690, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638-1699) - người cùng làng Nghĩa Phú, trong lần đi sứ phương Bắc đã thấy mộ phần Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh. Xúc động trước khao khát được về quê hương của Đại danh y, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho cho người khắc lại tấm bia mang lời di nguyện của Tuệ Tĩnh. Tấm bia hiện đang được thờ trang trọng tại hậu cung đền Bia.
Mặc dù gần 700 năm Tuệ Tĩnh đi xa, chưa trở về Tổ quốc, nhưng tại quê hương Cẩm Giàng, chỉ trong một không gian hẹp 3 km2 đã có 3 nơi thờ ông, đó là: đền Xưa ở thôn Nghĩa Phú (xã Cẩm Vũ), chùa Giám (xã Định Sơn) và đền Bia (xã Cẩn Văn). Ngày 25.12.2017, 3 di tích được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.