Cam go chống dịch Covid-19 dọc biên giới xứ Mường - Bài 3: Ấm lòng tình người nơi rẻo cao biên giới

>>>Bài 1: 24/24 giờ bám biên

>>>Bài 2: Vững vàng “lũy thép” 161

LCĐT - Ngày 16/4, nắng biên giới nóng như đổ lửa, rát da, rát thịt. Ấy vậy, khi trời tối hẳn, gió mạnh dần, xua từng đám mây cuộn lại và bắt đầu kéo thành cơn dông. Khi cơn dông kéo đến cũng là lúc đoàn người lầm lũi theo đường mòn, từ phía bên kia biên giới tìm đường về quê mẹ.

Kiểm tra thân nhiệt của người lao động từ Trung Quốc trở về.

Kiểm tra thân nhiệt của người lao động từ Trung Quốc trở về.

Cô gái trẻ Tráng Thị Châu, sinh ra và lớn lên tại xã Bản Phố, huyện Bắc Hà. Châu năm nay vừa tròn 18 tuổi. Gia đình khó khăn, Châu nghỉ học sớm và theo người dân trong làng sang Trung Quốc kiếm việc làm. Thế nhưng, sang Trung Quốc chưa được bao lâu thì tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp. Cùng với nhiều người khác, Châu được chủ cho nghỉ làm. Không có việc làm, không có nơi nương nhờ, Châu và những người trong đoàn tìm đường về nước. Chiều tối 16/4, chuyến xe chở cô gái trẻ và những người trong đoàn dừng tại một bản làng phía nước bạn, rồi nghe hướng dẫn cứ theo lối mòn này, vượt qua núi sẽ sang tới Việt Nam. Đoàn của Châu vừa đi vừa ghép với những đoàn người khác, tổng cộng lên đến hơn 50 người, chẳng ai biết đường, chẳng ai biết mình đang ở nơi nào, cứ thế theo đường mòn, vừa đi vừa hy vọng sẽ nhanh chóng về tới quê hương. Cơn dông kéo đến, mưa lớn, cả đoàn người ướt như chuột lột. Trời đã khuya, nhưng vẫn chưa thấy bản làng nào quen thuộc với những tiếng nói của đồng bào mình, một số người trong đoàn đã mệt lả, đói, rét. Giữa cơn mưa rừng biên giới, giữa màn đêm đen đặc, thinh không chỉ nghe tiếng gió vít từng cành cây rào rào, mưa rơi nặng hạt và những bước chân mệt mỏi, đoàn người bắt gặp ánh đèn pin của những người lính biên phòng tuần tra biên giới khu vực mốc 161. Đến 11 giờ đêm, đoàn người được đưa về lán tập trung. Cơn dông quật những chiếc lán dựng bằng bạt ngả nghiêng, củi và đồ đạc gần như ướt hết. Chiến sỹ biên phòng phải loay hoay, nỗ lực nhóm lửa để những người dân trong đoàn sưởi ấm, đun nước nấu tạm mỳ tôm gói lấy lại sức sau một đêm dài đi bộ trong mưa. Khi bát mỳ nóng được bưng ra, Châu gục xuống sàn dưới lán tạm, bật khóc nức nở vì xúc động, nhiều người đi trong đoàn cũng yếu lòng khóc theo. Những người đàn ông tưởng như mạnh mẽ chứng kiến sự việc cũng cũng nghẹn lại, chẳng ai nói nên lời.

Đón người lao động từ Trung Quốc trở về để đưa ly cách ly tại địa phương.

Đón người lao động từ Trung Quốc trở về để đưa ly cách ly tại địa phương.

Cũng như nhiều người dân vùng cao, Ma Seo Vàng - chàng trai trẻ 24 tuổi mang trên vai gánh nặng kinh tế gia đình, phải kiếm tiền lo cho cha mẹ già, nuôi con nhỏ. Theo lời giới thiệu của người dân trong làng, sau khi đón Tết Nguyên đán, Vàng cùng một vài người nữa rủ nhau đi qua khu vực huyện Si Ma Cai, sang Trung Quốc, vào đến Quảng Tây để làm công nhân xếp ván bóc. Thế nhưng, dịch bệnh diễn biến phức tạp, Vàng nghỉ việc rồi tìm cách về Việt Nam. Vàng chia sẻ: “biết có dịch nên em rất lo lắng, rất sợ, chỉ muốn về nhà. Em và một bạn nữa cùng thôn nghỉ việc, chi tiền để đi xe từ Quảng Tây về biên giới, khu vực giáp xã Pha Long. Đến nơi, lái xe cho chúng em xuống, chỉ lên ngọn núi trước mặt, rồi bảo cứ leo qua đỉnh núi này là tới Việt Nam. Lúc xuống xe là khoảng 9 giờ sáng, chúng em vừa đi vừa hỏi đường người dân xung quanh, cũng may khu vực này là làng người Mông của Trung Quốc, nên chúng em có thể giao tiếp. Theo chỉ dẫn, càng đi càng vắng, trời nắng, không ăn uống gì nên cứ đi một đoạn lại phải nghỉ vì mất sức. Đến khoảng 6 giờ chiều, trời chuẩn bị tối, 2 anh em sắp lả đi vì đói và mệt thì may mắn em thấy bóng dáng của các chiến sỹ biên phòng. Đến gần, nhìn quần áo thì biết đây là chiến sỹ của Việt Nam mình rồi, là mình về tới Việt Nam rồi, chẳng biết nói thế nào cả, em mừng đến muốn khóc”.

Về đến Việt Nam, Vàng và những người trở về cùng ngày hôm đó được lực lượng y tế địa phương khám sàng lọc, đưa đi cách ly tạm thời tại Trạm Y tế xã Pha Long. Rồi từ đây, những người từ Trung Quốc trở về sẽ được bàn giao cho các địa phương, đưa về cách ly theo quy định…

Đón người lao động từ Trung Quốc trở về.

Đón người lao động từ Trung Quốc trở về.

Những người từ xứ người trở về quê hương, những lao động phổ thông chỉ quen chân lấm tay bùn, thậm chí có những người không biết chữ, thật khó có thể định nghĩa 2 chữ “Tổ quốc” thiêng liêng thế nào. Thế nhưng, những giọt nước mắt vỡ òa, cái nghẹn đắng nơi cổ họng, sự nghẹn ngào chẳng nói nên lời khi chạm chân về đất nước, về quê hương, khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng quen thuộc tung bay trước chốt gần như diễn đạt thay mọi ngôn từ. Dù có nếm thử đủ món ngon trên nhân gian, có lẽ với những người trở về, bữa cơm ấm lòng nhất lại là bát mỳ gói nấu vội dọc tuyến biên giới sau nhiều giờ ròng rã vượt rừng, vượt núi để tìm về quê hương.

Nhóm phóng viên KT-XH

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/cam-go-chong-dich-covid-19-doc-bien-gioi-xu-muong-bai-3-am-long-tinh-nguoi-noi-reo-cao-bien-gioi-z62n20200423160635142.htm