Cấm hãng chip Mỹ, Trung Quốc đẩy Samsung, SK Hynix vào thế lưỡng nan
Trung Quốc trấn áp nhà sản xuất Micron Technology khiến các đối thủ Hàn Quốc rơi vào thế khó: mở rộng thị phần nhưng làm phật lòng Mỹ hay từ chối và khiến Bắc Kinh nổi giận.
Samsung và SK Hynix là hai nhà sản xuất memory chip lớn nhất thế giới, theo sau là Micron ở vị trí thứ ba. Cả ba hãng đều làm ăn lớn tại Trung Quốc, dù chỉ có hai công ty Hàn Quốc sở hữu các cơ sở sản xuất ở nước này.
Ngày 21/5, Bắc Kinh tuyên bố Micron không vượt qua vòng đánh giá bảo mật và cấm các nhà vận hành hạ tầng quan trọng mua sản phẩm của công ty Mỹ.
Dù Micron mới là đối tượng bị nhà chức trách Trung Quốc giám sát, Samsung và SK Hynix cũng mắc kẹt giữa hai siêu cường. Tháng trước, Mỹ đề nghị Seoul hối thúc các nhà sản xuất chip không lấp chỗ trống Micron để lại nếu bị cấm.
Bất chấp căng thẳng chính trị, một số nhà phân tích xem bất lợi của Micron là cơ hội kinh doanh rõ ràng cho Samsung và SK Hynix. Chuyên gia phân tích cấp cao Lee Seung Woo của hãng đầu tư và chứng khoán Eugene nhận định hai hãng chip Hàn Quốc ở vị trí không tồi.
Theo nhà phân tích Mark Li của hãng Sanford C. Bernstein, tình huống xấu nhất, Micron sẽ mất khoảng 11% doanh thu do lệnh cấm. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra mà chỉ tổn thất khoảng vài %.
Dù Li cùng quan điểm rằng Trung Quốc có khả năng tiếp cận doanh nghiệp Hàn Quốc để cung ứng memory chip, ông không chắc họ có sẵn sàng hay không.
“Do các nhà cung ứng nội địa không cạnh tranh được về công suất và công nghệ, Trung Quốc sẽ cần Samsung, SK Hynix, Kioxia, Western Digital hay nhà cung ứng ngoại để thay thế Micron. Song, tất cả đều đến từ các nước đồng minh của Mỹ và phụ thuộc vào thiết bị mua từ Mỹ. Chúng tôi cho rằng khả năng họ phớt lờ áp lực từ Mỹ và tận dụng lợi thế của lệnh cấm Micron để giành thị phần tại Trung Quốc khá thấp”, ông Li cho biết.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 22/5 bày tỏ phản đối trước bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn chặn các nhà sản xuất chip Hàn Quốc bán hàng cho nước này. Bắc Kinh cho rằng lệnh cấm xuất khẩu “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc kinh tế thị trường, kinh tế quốc tế và quy định thương mại, làm suy yếu sự ổn định của sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu”, người phát ngôn Mao Ninh nói.
Một yếu tố khác cần cân nhắc là tình hình thị trường memory chip nói chung. Brady Wang, nhà phân tích bán dẫn của hãng nghiên cứu Counterpoint, dự đoán lệnh cấm sản phẩm Micron tại Trung Quốc chỉ tác động hạn chế đến thị trường toàn cầu, bao gồm cả khách hàng trong nước, vì thị trường chung vẫn đang vật lộn với việc dư cung giữa bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm.
Theo ông, nếu lệnh cấm diễn ra lâu dài – 2, 3 năm hoặc lâu hơn, những đối thủ Hàn Quốc sẽ được lợi. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại chưa có gì chắc chắn.
Trong quý cuối năm 2022, Samsung và SK Hynix đứng đầu thị trường DRAM với thị phần lần lượt là 40,7% và 28,8%, theo hãng nghiên cứu TrendForce. Micron với 26,4% thị phần đứng thứ ba. Chip DRAM dùng trong mọi thứ, từ TV đến smartphone nhưng chỉ là sản phẩm thông thường và dễ thay đổi giá.
Samsung có một nhà máy chip NAND tại Tây An và một nhà máy back-end ở Tô Châu, còn nhà máy chip DRAM của SK Hynix nằm ở Vô Tích, nhà máy NAND ở Đại Liên. Hai công ty đều nhận được miễn trừ từ chính phủ Mỹ để tiếp tục cung ứng thiết bị chip cho các cơ sở Trung Quốc.
Trả lời Nikkei, Micron cho biết đã nhận được thông báo kết luận điều tra của chính phủ Trung Quốc. Công ty sẽ tiếp tục thảo luận với nhà chức trách.
Bắc Kinh tiến hành điều tra Micron vào tháng 3 sau khi Mỹ ký thỏa thuận với Nhật Bản và Hà Lan – hai nhà cung ứng công cụ sản xuất chip lớn của thế giới – để hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc. Phần lớn hoạt động sản xuất của Micron nằm ngoài đại lục, dù họ có dây chuyền lắp ráp mô-đun, linh kiện và nhà máy thử nghiệm tại Tây An. Các khách hàng tại Trung Quốc và Hong Kong đóng góp 16% doanh thu năm 2022 cho Micron.
Hãng chip Mỹ đã lên tiếng về rủi ro từ xung đột công nghệ Mỹ - Trung, bao gồm cạnh tranh ngày một lớn từ đối thủ Trung Quốc. Công ty thậm chí còn cảnh báo có thể bị cấm tham gia thị trường lớn nhất thế giới trong báo cáo của mình.
(Theo Nikkei)